Nâng cao giá trị đặc sản OCOP
Thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Tây Ninh hiện có 68 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên.
Mục tiêu đến năm 2025, Tây Ninh sẽ có ít nhất 79 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, phấn đấu có ít nhất 14 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; 55 cơ sở, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, với tỷ lệ có 76% các cơ sở, doanh nghiệp OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.
Đa dạng sản phẩm OCOP
Các sản phẩm OCOP nổi bật gồm bánh tráng siêu mỏng Tân Nhiên - sản phẩm đầu tiên được tỉnh Tây Ninh xét đạt chuẩn OCOP 5 sao; sầu riêng Bàu Đồn OCOP 4 sao, nước ép mãng cầu OCOP 4 sao; dế sấy OCOP 3 sao...
Ông Đặng Khánh Duy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Nhiên (xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành) cho biết, Tây Ninh được xem là thủ phủ của cây sắn, với nhiều nhà máy chế biến tinh bột sắn, nên từ năm 2018 ông đã quyết tâm khởi nghiệp bằng nghề sản xuất bánh tráng.
Để tạo sự khác biệt so với các loại bánh tráng truyền thống (bánh tráng dày, cứng, khi ăn phải nhúng nước), ông Đặng Khánh Duy đã mày mò, nghiên cứu ra công thức pha chế bột, kết hợp với áp dụng nhiều máy móc tráng bánh tự động để cho ra loại bánh tráng siêu mỏng, khi ăn không cần nhúng nước, được người tiêu dùng đón nhận khi phân phối ra thị trường. Chỉ sau 5 năm khởi nghiệp, bánh tráng siêu mỏng Tân Nhiên đã dần khẳng định được thương hiệu, hướng đến xuất khẩu ở nhiều quốc gia.
Ông Đặng Khánh Duy cũng cho biết, ngoài các tiêu chuẩn sản xuất hàng hóa theo quy chuẩn của quốc tế cũng như trong nước, thì việc được chứng nhận các sản phẩm OCOP đã góp phần rất lớn trong việc tìm đầu ra cho hàng hóa sản phẩm bánh tráng của Công ty. Hiện dây chuyền sản xuất bánh tráng của Tân Nhiên có thể sản xuất từ 8-10 tấn sản phẩm/ngày.
Một đặc sản của Tây Ninh được nhiều người tiêu dùng biết đến đó là sầu riêng Bàu Đồn. Tuy cũng trồng loại giống sầu riêng phổ biến ở nhiều địa phương là giống sầu riêng Ri6, nhưng do ưu điểm về thổ nhưỡng và khí hậu, sầu riêng Bàu Đồn có hương vị rất thơm ngon và riêng biệt.
Ông Phan Hoài Thịnh - Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Bàu Đồn cho biết, hiện Hợp tác xã có 32 thành viên với tổng diện tích canh tác sầu riêng khoảng 40 ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2022, sản phẩm của Hợp tác xã sầu riêng Bàu Đồn đạt chứng nhận OCOP 4 sao, từ đó khẳng định vị thế, chất lượng sầu riêng Bàu Đồn trên thị trường.
"Chương trình OCOP đã mang những lợi ích rất lớn đối với người nông dân khi khẳng định được chất lượng và thương hiệu riêng của sầu riêng Bàu Đồn. Từ đó, các thương lái cũng tìm đến thu mua sầu riêng rất nhiều, nhờ vậy giá sầu riêng Bàu Đồn luôn được bán cao hơn thị trường từ 5.000-10.000 đồng/kg, mang về lợi nhuận lớn cho các thành viên Hợp tác xã”, ông Thịnh phấn khởi cho biết.
Tận dụng dư địa để phát triển
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh nhận định, chương trình OCOP bước đầu đã cho thấy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Hiện dư địa phát triển các sản phẩm OCOP của Tây Ninh còn rất lớn; các sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao có được là nỗ lực của các chủ thể tham gia chương trình sản phẩm OCOP, nhằm góp phần đưa các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ của Tây Ninh tiếp cận các thị trường lớn; là tiền đề, động lực để nâng các sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao và vươn tầm ra thế giới.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh Tây Ninh, mặc dù tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển các loại đặc sản là rất lớn, nhưng việc phát triển các sản phẩm này còn nhiều khó khăn; sự hạn chế trong các khâu tiếp thị, quảng bá, xây dựng thương hiệu… đang là rào cản khiến sản phẩm chưa thực sự mang lại giá trị kinh tế cao.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cũng lý giải, nguyên nhân của tình trạng này là do doanh nghiệp vẫn chủ yếu bán sản phẩm thô và đa phần sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP do các cơ sở nhỏ lẻ làm, nên hầu như không đăng ký bảo hộ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các chủ cơ sở bằng các chương trình về xây dựng nhãn mác hàng hóa, đầu tư công nghệ, thiết bị phục vụ sản xuất.
Đối với các sản phẩm tiềm năng muốn tham gia vào chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường tuyên truyền cho các chủ cơ sở, nhà sản xuất nhận biết rõ điều kiện tham gia OCOP, những lợi thế của sản phẩm khi đạt chứng nhận OCOP.
Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn cho chủ cơ sở về kiến thức, kỹ năng c xây dựng thương hiệu, xây dựng câu chuyện sản phẩm và cải tiến chất lượng để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu chương trình OCOP đề ra.
Theo dự kiến, tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình OCOP của Tây Ninh giai đoạn 2020 - 2025 ước tính sẽ huy động được trên 140 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 sẽ huy động trên 98 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động hướng đến xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm. Hiện, tỉnh Tây Ninh đang triển khai nhiều chính sách liên kết trong khâu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuỗi giá trị và kích cầu hàng hóa để giúp nâng tầm thương hiệu cho các đặc sản tại địa phương.