Nâng cao giá trị kinh tế từ nguyên liệu địa phương

Cây cao su, điều từ lâu đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Không chỉ là cây trồng chủ lực, sản phẩm phục vụ xuất khẩu, điều, cao su còn mang lại thu nhập cho hàng ngàn nông dân, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Gỗ cao su và điều cũng là nguồn nguyên liệu giúp nhiều doanh nghiệp phát triển kinh tế.

Chọn nguyên liệu sản xuất từ loài cây chủ lực của Bình Phước, việc sản xuất ván lạng đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động và đem lại sự khởi sắc nhất định cho sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Nỗ lực nâng giá trị

Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ nguyên liệu tại địa phương, năm 2017, chị Lê Thị Mỹ Linh, Phó giám đốc Công ty TNHH Cati (huyện Chơn Thành) mở xưởng sản xuất ván lạng từ gỗ cao su. Chị cho biết, thời gian đầu mới bắt tay vào sản xuất, cơ sở gặp rất nhiều trở ngại từ khâu quản lý, tay nghề nhân công chưa vững… Song nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm làm nghề cùng những nỗ lực vượt qua khó khăn, xưởng ván lạng của gia đình chị hoạt động hiệu quả.

Luôn chặt chẽ từng khâu trong quy trình sản xuất, sản phẩm ván lạng của Công ty TNHH Cati, huyện Chơn Thành đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng về tiêu chuẩn kích thước, độ ẩm - Ảnh: Trương Hiện

Để tạo được uy tín với khách hàng, chị cẩn thận chọn lọc kỹ chất lượng gỗ, thực hiện đúng tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật. Xưởng sản xuất ván lạng của chị Linh đã góp phần tiêu thụ nguyên liệu gỗ cao su cho người dân. Chị Linh bày tỏ: “Bình Phước có nguồn nguyên liệu cao su nhiều nên tôi mở xưởng sản xuất ván lạng. Trong quy trình sản xuất, chúng tôi đặt chất lượng lên hàng đầu nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng về tiêu chuẩn kích thước, độ ẩm”.

Khi khối lượng gỗ điều chất đầy sân, không khí lao động tại cơ sở sản xuất ván lạng Đạt Thúy của gia đình anh Đàm Văn Đạt ở xã Tiến Hưng, TP. Đồng Xoài trở nên nhộn nhịp… Trong tiếng ồn ào máy xẻ, qua đôi tay linh hoạt của các công nhân, những gốc gỗ điều còn tươi, nhanh chóng thành từng chồng ván lạng phục vụ sản xuất gỗ xuất khẩu. Trung bình mỗi ngày anh thu mua khoảng 10 tấn cây điều lấy gỗ. Theo anh Đạt, cây điều thường có đường kính lớn nên phải cắt thành khúc, sau đó sản xuất tạo thành tấm ván lạng lớn. Từ sản phẩm này, các công ty sản xuất gỗ sẽ thu mua để sản xuất thành tấm ván xuất khẩu. Không chỉ giúp phát triển kinh tế gia đình, hoạt động của xưởng ván lạng đã tạo việc làm cho hàng chục lao động.

Việc sản xuất ván lạng không chỉ phát huy hiệu quả kinh tế mà còn góp phần nâng cao giá trị, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh

Việc sản xuất ván lạng không chỉ phát huy hiệu quả kinh tế mà còn góp phần nâng cao giá trị, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh

Với nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, hoạt động sản xuất ván lạng của các xưởng chế biến gỗ từ cây cao su, cây điều không chỉ giúp gia tăng giá trị ngành lâm nghiệp mà còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động để tạo nên sản phẩm cao cấp, có giá trị kinh tế lớn hơn, với mức thu nhập từ 7-13 triệu đồng/người/tháng. Anh Bùi Văn Hưng, công nhân cơ sở sản xuất ván lạng Đạt Thúy chia sẻ: “Tôi làm ở xưởng ván lạng cũng khá lâu rồi. Công việc ổn định, thu nhập đủ trang trải cuộc sống gia đình”.

Cần giải pháp phát triển bền vững

Bình Phước có khoảng 142 ngàn hécta điều và hơn 150 ngàn hécta cao su tiểu điền. Mỗi năm, 2 loại cây trồng này đều có diện tích cần thanh lý do hết tuổi khai thác. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cung cấp cho các cơ sở, công ty sản xuất ván lạng, nhà máy chế biến gỗ. Theo các đơn vị sản xuất, những cây cao su, điều trên 30 năm không còn giá trị kinh tế nữa sẽ được thanh lý và các đơn vị thu mua đưa về công ty, nhà máy chế biến ván lạng hoặc đáp ứng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. “Bình Phước có diện tích cao su nhiều, tức là đầu vào của nguyên liệu dồi dào, phương tiện vận chuyển khá tiện. Về quy trình sản xuất, chúng tôi phân loại, tuyển chọn và cắt khúc gỗ theo đúng kích thước, sau đó mới đưa vào máy bóc gỗ để tạo ra ván lạng và đem đi phơi…” - chị Dương Ngọc Quyên, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Dương Hòa Phát, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành cho biết.

Những cây cao su, điều có độ tuổi từ 25-30 năm không còn hiệu quả kinh tế sẽ được thanh lý phục vụ sản xuất ván lạng, sản xuất gỗ xuất khẩu - Ảnh: Trương Hiện

Bình Phước hiện có khoảng 50 công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ván lạng từ gỗ cao su và điều. Ngoài cung cấp ván lạng cho các đơn vị chế biến gỗ xuất khẩu, tạo ra những sản phẩm tinh chế, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, hoạt động sản xuất ván lạng từ nguyên liệu địa phương góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ trồng cây chủ lực.

Theo các đơn vị sản xuất, việc thu mua cây gỗ ở địa phương sẽ giảm chi phí vận chuyển, từ đó hạ giá thành, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chế biến gỗ phát triển sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, để phát triển ngành chế biến gỗ nguyên liệu địa phương bền vững cũng như nâng cao giá trị gia tăng, các ngành chức năng liên quan cần khuyến cáo bà con tránh tình trạng sản xuất ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu, sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được, bảo quản kém dẫn đến giảm giá trị sản phẩm ván lạng, ảnh hưởng việc sản xuất cung cấp cho các nhà máy chế biến gỗ.

Anh Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/134425/nang-cao-gia-tri-kinh-te-tu-nguyen-lieu-dia-phuong