Nâng cao giá trị ngành điều

BPO - Với diện tích khoảng 152.000 ha điều, sản lượng hơn 199.000 tấn/năm, Bình Phước được biết đến là thủ phủ điều của Việt Nam. Ngoài diện tích và sản lượng lớn, Bình Phước còn là nơi sản xuất, kinh doanh điều sôi động nhất cả nước với 2.793 cơ sở chế biến, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ, tổ hợp sản xuất với hơn 500 hội viên tham gia hoạt động. Bình Phước còn được xem là trung tâm chế biến điều số 1 của thế giới, với công suất chế biến hạt điều 500.000 tấn/năm. Theo một số DN, từ 1 tấn hạt điều khô có thể chế biến được 250-300kg điều nhân và thải ra 700-750kg vỏ hạt. Vỏ hạt điều nếu không được xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Bài 1:
THU TIỀN TỶ TỪ VỎ HẠT ĐIỀU

Vỏ hạt điều - sản phẩm trước đây được coi là rác thải phải đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường bởi lượng khói thải chứa rất nhiều chất độc hại, ảnh hưởng sức khỏe con người, thì nay nhiều DN ở Bình Phước đã tận dụng ép thành dầu phục vụ sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Công nghệ tuần hoàn này đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho ngành điều, DN và cho tỉnh, lại hạn chế gây ô nhiễm môi trường sống.

Giá trị kinh tế từ vỏ hạt điều

Trước đây, vỏ hạt điều thường bị coi là rác, cho không hoặc bán cho các lò nung làm chất đốt, thì hiện nay có thể mang lại hàng ngàn tỷ đồng cho các DN. Thậm chí trong giai đoạn "bão giá", vỏ hạt điều đã "cứu" không ít DN sản xuất, xuất khẩu hạt điều.

Theo một số DN, công nghệ chế biến dầu từ vỏ hạt điều không quá phức tạp, được phát triển trong nước với chi phí thấp, do đó đã thu hút khá nhiều DN tham gia. Chỉ riêng tại tỉnh Bình Phước, hiện có khoảng 30 DN chế biến dầu từ vỏ hạt điều. Trong đó, thị xã Phước Long, nơi có nhiều DN sản xuất chế biến điều nhất, có hơn 10 cơ sở sản xuất dầu điều.

Hạt điều sau khi đưa vào chế biến thì hạt dùng làm thực phẩm, vỏ được ép dầu và làm chất đốt phục vụ tái sản xuất. Công nghệ tuần hoàn này đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế

Hạt điều sau khi đưa vào chế biến thì hạt dùng làm thực phẩm, vỏ được ép dầu và làm chất đốt phục vụ tái sản xuất. Công nghệ tuần hoàn này đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế

Dầu từ vỏ hạt điều là nguồn nhiên liệu quý trong nhiều lĩnh vực công nghiệp sản xuất sơn, chất chống gỉ sét, keo dán, bột ma sát làm bố thắng xe máy, ôtô... Hiện thị trường trong nước chỉ sử dụng 10-20% dầu điều nhưng thị trường nước ngoài dùng rất nhiều, chiếm 80% sản lượng. Những năm gần đây, châu Âu và Mỹ đã biết đến dầu điều và sử dụng nhiều mặt hàng này; còn ở châu Á, thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng dùng rất nhiều. Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng ước tính giá trị từ các sản phẩm vỏ hạt điều như dầu, bã khô chiếm từ 5-15% giá trị của ngành này, dao động khoảng 300-400 triệu USD.

Rác thải thành tài nguyên

Hoạt động trong ngành sản xuất dầu điều được 8 năm, Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Bảo BP, khu phố 8, phường Long Phước, thị xã Phước Long có 22 máy ép dầu, công suất 400 tấn/ngày. Nguyên liệu đầu vào được thu mua ngay tại kho, sau đó chế biến và xuất bán cũng tại kho nên công ty không phải lo vấn đề vận chuyển.

Hạt điều sau khi đưa vào chế biến thì nhân dùng làm thực phẩm, vỏ được ép dầu và làm chất đốt phục vụ tái sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong ảnh: Hoạt động ép dầu điều tại Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Bảo BP (TX. Phước Long)

Hạt điều sau khi đưa vào chế biến thì nhân dùng làm thực phẩm, vỏ được ép dầu và làm chất đốt phục vụ tái sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong ảnh: Hoạt động ép dầu điều tại Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Bảo BP (TX. Phước Long)

Quy trình ép dầu điều khá đơn giản. Vỏ hạt điều nhập về, dùng máy xúc đưa vào thùng chứa, sau đó lọc bỏ rác rồi chuyển xuống máy ép, dầu điều chảy vào bồn chứa phía trước, bã chảy ra băng tải phía sau, ra kho bãi. Cứ 1 tấn vỏ hạt điều sẽ sản xuất được 230kg dầu; phần còn lại sau khi ép tận dụng làm chất đốt, thay thế than đá, than củi. Nhìn chung hạt điều sau khi đưa vào chế biến thì không phải bỏ đi bất cứ thứ gì, nhân điều dùng làm thực phẩm, vỏ dùng ép dầu và làm chất đốt phục vụ tái sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Rác thải đầu ra của ngành điều trở thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác. Hiện 1 tấn dầu thô được bán tại công ty với giá khoảng 15 triệu đồng, bã vỏ điều bán với giá 1,5 triệu đồng/tấn.

Bình Phước là thủ phủ điều của cả nước. Khi chưa có công nghệ ép dầu điều thì vỏ hạt điều bị xem là phế phẩm. Khi có công nghệ ép dầu điều đã tạo việc làm cho nhiều lao động, xử lý được lượng vỏ thải ra, giúp ích rất nhiều cho nền kinh tế. Dầu điều rất cần cho thị trường nước ngoài, còn bã điều đa số bán nội địa nhưng cũng chiếm thị phần lớn.

Bà VŨ TRẦN NHƯ QUỲNH
Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Bảo BP

Việc sản xuất dầu từ vỏ hạt điều không khó, vì dây chuyền thiết bị công nghệ 100% là hàng trong nước nên vốn đầu tư không quá nặng mà hiệu quả kinh tế khá cao. Thêm vào đó, chi phí nhân công rẻ, một dây chuyền sản xuất chỉ cần vài lao động, trong khi nhu cầu thị trường lớn. Theo bà Vũ Trần Như Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Bảo BP, dầu từ vỏ hạt điều không chỉ xuất khẩu mà nhu cầu thị trường nội địa cũng rất cao. Vì vậy thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục đầu tư thêm máy móc để tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hấp dẫn vốn ngoại

Từ khi có ngành sản xuất dầu điều, vỏ hạt điều trở thành nguyên liệu có giá trị. Đóng góp của ngành sản xuất này không chỉ về kinh tế mà còn giải quyết vấn đề môi trường, góp phần phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững. Thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành chế biến điều là cơ hội lớn nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng giá trị gia tăng cho ngành điều.

Dầu từ vỏ hạt điều được bơm lên xe bồn tại kho của Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Bảo BP để vận chuyển về TP. Hồ Chí Minh đưa đi xuất khẩu

Dầu từ vỏ hạt điều được bơm lên xe bồn tại kho của Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Bảo BP để vận chuyển về TP. Hồ Chí Minh đưa đi xuất khẩu

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Phước, công nghệ ép vỏ dầu điều đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển tại Bình Phước, công nghệ đơn giản nhất có từ năm 2003. Số lượng DN tham gia thị trường này cũng tăng dần trên địa bàn tỉnh và mở rộng ra nhiều địa phương khác ở phía Nam. Có một thời gian công nghệ chiết xuất dầu từ vỏ hạt điều phát triển ồ ạt, tạo nên thị trường cạnh tranh nguyên liệu vỏ hạt điều cả trong và ngoài tỉnh, thậm chí thị trường nước ngoài nơi xuất khẩu vỏ vào Việt Nam để phục vụ các nhà máy chế biến. Chính vì thế, sự sàng lọc tự nhiên bắt đầu xuất hiện, nhiều DN ngưng hoạt động hoặc giảm quy mô chế biến để những DN có quy mô lớn hơn về vốn, trình độ công nghệ và năng lực huy động nguyên liệu gia nhập thị trường.

Đến năm 2021, Bình Phước bắt đầu bùng phát trở lại nhu cầu đầu tư xây dựng mới các nhà máy dầu chiết xuất từ vỏ hạt điều, giá nguyên liệu vỏ và giá bán sản phẩm tăng dần. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nhận thấy tiềm năng rất lớn từ thị trường ngành hàng này đem lại ở quy mô sản lượng, chất lượng sản phẩm, phụ phẩm thu được từ quá trình ép, chiết xuất dầu. Phụ phẩm của vỏ hạt điều cũng có khả năng sản xuất viên nén cung cấp cho các lĩnh vực làm chất đốt, tạo nguồn năng lượng điện sinh khối…

Cùng với đặc tính giảm thiểu phát thải khi thay thế dần vai trò của dầu diesel trong một số lĩnh vực, dầu chiết xuất từ vỏ hạt điều ở tỉnh Bình Phước đang hấp dẫn vốn ngoại. Nhu cầu này trở thành làn sóng đầu tư mới vào tỉnh với khả năng cạnh tranh cao về trình độ công nghệ, nguồn nhân lực kỹ thuật cao và đặc biệt khả năng liên kết vùng trồng hình thành nên chuỗi giá trị sản xuất - xuất khẩu bền vững trên địa bàn tỉnh. Bình Phước đã và đang dành sự quan tâm đặc biệt vào ngành hàng này bên cạnh nhóm sản phẩm chủ lực là nhân hạt điều.

Hiền Lương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/145356/nang-cao-gia-tri-nganh-dieu