Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; mở rộng diện tích nuôi cá thâm canh, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; thực hiện phân giới và cắm mốc các loại rừng… là những giải pháp mà ngành Nông nghiệp triển khai nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh tác động dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

Nông dân xã Tân Phú (Vĩnh Tường) chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh Thế Hùng

Nông dân xã Tân Phú (Vĩnh Tường) chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh Thế Hùng

Bám sát chủ trương “đánh giá cán bộ bằng sản phẩm” của Tỉnh ủy và nhiệm vụ của ngành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2022; linh hoạt triển khai các nội dung, chỉ tiêu khoán sản phẩm; đổi mới phương thức tổ chức sản xuất; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo quy trình sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm; mở rộng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ liên kết sản xuất.

Ông Hà Văn Quyết, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Trong bối cảnh chịu nhiều tác động của dịch bệnh cũng như biến đối khí hậu, từ tháng 2 đến nửa đầu tháng 4/2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 đợt không khí lạnh, có 3 đợt rét đậm, rét hại; đợt mưa lớn từ ngày 22-24/5/2022 gây ngập úng diện tích lớn khi cây lúa đang ở thời kỳ mới trổ bông và chuẩn bị thu hoạch, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Song với việc triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất của tỉnh và sự nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của cán bộ, nhân viên trong ngành, đảm bảo sản xuất ổn định, đáp ứng tốt an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh. 6 tháng đầu năm 2022, giá trị tăng thêm GRDP toàn ngành đạt hơn 2.800 tỷ đồng, tăng 1,81%; giá trị sản xuất đạt hơn 6.200 tỷ đồng, đạt 55,4% kế hoạch, tăng 1,79% so với cùng kỳ năm 2021.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hồng, xã Liên Châu (Yên Lạc) áp dụng KHKT vào sản xuất nuôi những giống cá có năng suất cao như: Rô phi đơn tính, Chép lai, Chim... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh Thế Hùng

Gia đình ông Nguyễn Văn Hồng, xã Liên Châu (Yên Lạc) áp dụng KHKT vào sản xuất nuôi những giống cá có năng suất cao như: Rô phi đơn tính, Chép lai, Chim... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh Thế Hùng

Chủ động thực hiện hiệu quả quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản, 6 tháng đầu năm 2022, Sở NN&PTNT đã tiếp nhận, đăng tải 61 bản tự công bố sản phẩm của cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) nông- lâm - thủy sản trên website của ngành; kiểm tra, đánh giá chứng nhận cơ sơ SXKD nông - lâm - thủy sản đủ điều kiện ATTP và kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP đối với 126 cơ sở sản xuất; lấy 1.200 mẫu giám sát, kiểm tra chất lượng ATTP, trong đó 910 mẫu rau, củ, quả, giò chả..., qua test kiểm tra nhanh các chỉ tiêu ATTP không phát hiện thuốc BVTV; hướng dẫn, hỗ trợ 30 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình sản xuất VietGAP.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Thực hiện chương trình khuyến nông và các mô hình được giao theo chủ trương “khoán sản phẩm”, đơn vị đã tổ chức 134 lớp tập huấn cho hơn 10.500 lượt nông dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên một số cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

Trình diễn các mô hình giống lúa chất lượng tại các huyện Lập Thạch, Sông Lô, Vĩnh Tường với quy mô 7 ha; hỗ trợ 3,8 tấn thuốc diệt chuột vụ xuân 2022 (đợt 1) trên diện tích hơn 38.000 ha, gần 600 ha sản xuất rau quả hàng hóa an toàn theo VietGAP; cấp phát 140 nghìn kg chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ trên cây lúa với quy mô 5.000 ha; thực hiện các mô hình phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà, chăn nuôi lợn thương phẩm theo quy trình VietGAP; mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học…

Duy trì tăng trưởng, từ nay đến cuối năm 2022 trong điều kiện nhiều khó khăn như chi phí đầu vào sản xuất tăng cao, thị trường không ổn định, nguy cơ tái phát dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC), ngành Nông nghiệp tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng trừ dịch hại, bảo vệ cây trồng.

Chủ động triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ, duy trì mã số vùng trồng; kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh GSGC đảm bảo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan.

Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đẩy nhanh tái đàn, nâng cao hiệu quả sản xuất nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm; thúc đẩy phát triển theo chuỗi liên kết, có sự kết nối với doanh nghiệp và thị trường để ổn định đầu ra; mở rộng diện tích nuôi cá thâm canh, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào nuôi trồng thủy sản.

Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, thực hiện phân định rõ ranh giới và cắm mốc 3 loại rừng; kịp thời phát hiện, xử lý các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; rà soát, kiểm tra việc vi phạm các công trình thủy lợi, kịp thời xử lý theo quy định; chủ động ứng phó với mưa, bão đảm bảo an toàn người, tài sản của nhân dân; phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc thực thi trách nhiệm công vụ.

Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/81312/nang-cao-gia-tri-san-xuat-nong-nghiep.html