Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản
Chiều 8/11, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Phát triển dịch vụ đấu giá theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Báo cáo tóm tắt Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển dịch vụ ĐGTS theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức ĐGTS, chất lượng hoạt động ĐGTS.
Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS còn khắc phục những hạn chế, bất cập, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về ĐGTS.
Trình bày tóm tắt Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về cơ bản, nội dung của Dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất với quy định của một số luật hiện hành liên quan cũng như các dự án luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung.
Đấu giá tài sản là nghề tư pháp đặc thù
Thảo luận tại tổ sau đó, Đại biểu Lê Tất Hiếu (Đoàn Vĩnh Phúc) cơ bản thống nhất với những nội dung của Dự thảo Luật. Một trong những nội dung Đại biểu quan tâm là quy định về tiền đặt trước để bảo đảm người trúng đấu giá thực hiện hết các trách nhiệm của mình. Đại biểu phản ánh, có những hợp đồng có kết quả đấu giá rất cao, tiền đặt trước này không đáng kể gì so với mức giá trúng qua đấu giá. Do vậy, người trúng đấu giá sẵn sàng bỏ cọc, bỏ hợp đồng, dẫn đến quản lý nhà nước trong đấu giá, trong thực hiện quan hệ kinh tế này không bảm đảm.
Trong thực tế, việc người đấu giá biển số xe đến 32 tỷ đồng rồi bỏ cọc, không thực hiện hợp đồng đã làm “tan” cả cuộc đấu giá được cơ quan chức năng chuẩn bị rất công phu. Từ đó, Đại biểu đề nghị, bổ sung thêm một điều về phạt hợp đồng trong những trường hợp người trúng đấu giá bỏ cọc và không thực hiện được hợp đồng.
Báo cáo bổ sung một số thông tin về Dự án Luật ĐGTS tại phiên họp tổ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Luật ĐGTS được thông qua năm 2016, có hiệu lực năm 2017 nhưng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và những ý kiến cụ thể của Ban Nội chính Trung ương - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.
Thực hiện chỉ đạo trên, Bộ Tư pháp đã chủ động từ rất sớm, đã dự kiến trình thông qua Luật này theo quy trình một kỳ họp. Tuy nhiên, đây cũng là đạo luật mang tính kỹ thuật cao và qua thẩm tra 2 lần của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các góp ý của các chuyên gia nên hồ sơ đã được chuẩn bị. Đến nay, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nhất trí với Dự thảo Luật, một số ý kiến khác thì Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu tiếp thu, giải trình.
Nhấn mạnh quan điểm xây dựng Dự án Luật là tiếp tục kế thừa và phát triển Luật hiện hành, không có thay đổi lớn trong quan điểm, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ, đây là luật về hình thức, thuần túy về quy trình, trình tự, thủ tục, tổ chức, quy chế đấu giá tài sản, tiêu chí thành lập các tổ chức ĐGTS, các điều kiện của đấu giá viên… Còn các vấn đề khác như tài sản đấu giá sẽ theo luật chuyên ngành, khi sửa đổi bổ sung sẽ theo luật chuyên ngành. Bên cạnh đó, đây là một nghề tư pháp đặc thù, đã là nghề thì phải hiểu nghề, không thể kiêm nhiệm được vì tài sản bán chủ yếu là tài sản công, không hiểu sẽ không bán được hoặc bán rẻ, từ đó đòi hỏi tăng cường tính chuyên nghiệp.
Về một số điểm mới, theo Bộ trưởng, Dự thảo Luật cần phải có quy trình, thủ tục để bán một số loại tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, tần số vô tuyến điện… và do các Bộ chuyên ngành thiết kế. Đi theo cách tiếp cận này, Dự thảo Luật cần nâng cao chất lượng đội ngũ hành nghề đấu giá, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thắt chặt hơn một số quy trình, thủ tục, nhất là sau vụ Thủ Thiêm.
Giải trình thêm về quy định tăng tiền đặt trước, Bộ trưởng cho biết, thông lệ quốc tế có những loại tài sản không quy định về tiền đặt trước nên đối với tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất mà chúng ta tăng nữa (hiện đề xuất là 10-20%) thì không còn là đấu giá nữa mà trở thành mua bán tài sản. Ngoài ra, với những tài sản lớn, nếu tăng tiền đặt trước quá cao sẽ vô hình trung là hàng rào kỹ thuật để hạn chế những doanh nghiệp nhỏ. Không những thế, đối với quyền sử dụng đất, khai thác khoáng sản, tiền đặt trước chỉ là một điều kiện, các điều kiện khác còn phải theo quy định của luật chuyên ngành.
Liên quan đến mở ra quy định về hủy kết quả đấu giá, trường hợp nếu có vi phạm quy định về trình tự, thủ tục và quy định về nội dung theo Luật Đấu giá thì Bộ trưởng cho rằng, hủy là đương nhiên. Hiện Dự thảo Luật mở rộng cả hợp đồng đã ký, thậm chí cả hợp đồng đã công chứng và bổ sung là những cái sai trong hợp đồng mà không phải vi phạm về trình tự, thủ tục thì điều kiện nữa là phải đi theo quy định của pháp luật dân sự. Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh, việc mở rộng trường hợp hủy kết quả đấu giá còn cần ràng buộc bởi các điều kiện khác, trong đó có quan điểm và cách tiếp cận của Luật này chỉ là luật quy định về trình tự, thủ tục.