Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch
Thị xã Nghi Sơn có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên hết sức phong phú, với Hải Hòa và Bãi Đông là hai bãi biển đẹp, ngày càng hấp dẫn du khách. Đồng thời, Nghi Sơn còn được biết đến là vùng đất của các thắng tích, mà nổi tiếng hơn cả là Khu Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Am Các – chùa Am Các, cụm di tích thắng cảnh Biện Sơn, quần thể hang động Trường Lâm... Đây là cơ sở để địa phương chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất du lịch. Đặc biệt là đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư kinh doanh du lịch, nhằm hình thành các quần thể nghỉ dưỡng và các khu, điểm du lịch trên địa bàn.
Diện mạo mới thoáng đãng, sạch đẹp của bãi biển Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn).
Cùng với đó, công tác quản lý Nhà nước về du lịch cũng được chính quyền thị xã chú trọng và tạo được chuyển biến hết sức tích cực. Nếu du khách có dịp đến Hải Hòa vài năm trước, sẽ không khỏi tiếc nuối khi chứng kiến thực trạng hàng quán san sát chắn hết lối ra bãi tắm. Chưa kể, việc xây dựng theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, phá vỡ quy hoạch, đã khiến hình ảnh khu du lịch đầy tiềm năng trở nên nhếch nhác, thậm chí phản cảm. Với quyết tâm thay đổi hình ảnh và tạo dựng môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, ngay những tháng đầu năm 2021, thị xã Nghi Sơn đã quyết tâm “bốc” gọn toàn bộ dãy hàng quán “án ngữ” ngay trước bãi biển. Qua đó, trả lại không gian thoáng đãng và vẻ đẹp tự nhiên vốn có cho bãi biển Hải Hòa.
Ngoài ra, để bảo đảm an toàn cho khách du lịch vào đợt cao điểm 30-4 và 1-5 vừa qua, UBND thị xã Nghi Sơn ban hành Công điện hỏa tốc số 05/CĐ-UBND, ngày 30-4-2021, về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Trong đó, yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; nắm đầy đủ số lượng và số điện thoại của du khách để nhanh chóng điều tra, truy vết, cách ly khi có dịch bệnh xảy ra. Đồng thời nhấn mạnh, sẽ đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài ra, thị xã cũng yêu cầu các xã, phường ven biển và các địa phương có hoạt động du lịch xây dựng kế hoạch và phương án phòng, chống dịch bệnh, nhằm bảo đảm an toàn trong mùa du lịch biển 2021. Đẩy mạnh truyền thông về thực hiện thông điệp “5K”, cài đặt và sử dụng các ứng dụng khai báo y tế NCOVI, ứng dụng Bluezone cảnh báo nguy cơ dịch bệnh...
Cùng với thị xã Nghi Sơn, công tác quản lý Nhà nước về du lịch tại các địa bàn trọng điểm như TP Sầm Sơn, TP Thanh Hóa, các huyện Hoằng Hóa, Bá Thước... cũng có bước chuyển biến tích cực. Để có được kết quả trên, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo, đôn đốc các ngành, địa phương trong việc xây dựng, triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch và các kế hoạch cụ thể trong phạm vi ngành, địa phương, đơn vị, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển du lịch của tỉnh và của quốc gia. Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Hoạt động quản lý, khai thác tài nguyên du lịch được quan tâm khi năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch công nhận khu du lịch cấp tỉnh, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020. Đây là căn cứ để tỉnh ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cơ sở tại các khu, điểm du lịch và nâng cao chất lượng quản lý, khai thác, phát triển du lịch. Đến nay, toàn tỉnh đã có 60 khu, điểm du lịch đã được công nhận.
Ngoài ra, công tác hướng dẫn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch được quan tâm. Cụ thể, tính riêng giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta đã ban hành trên 60 văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh các hoạt động quản lý, kinh doanh dịch vụ du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch. Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm. Kết quả, đã kiểm tra trên 1.300 lượt cơ sở hoạt động kinh doanh du lịch trên các địa bàn trọng điểm về du lịch, xử phạt gần 600 cơ sở, với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Đồng thời, thiết lập, duy trì 17 đường dây nóng tại 5 khu, điểm du lịch trọng điểm (gồm 8 đường dây nóng tại Khu Du lịch biển Sầm Sơn; 4 đường dây nóng tại huyện Quảng Xương; 3 đường dây nóng tại Hoằng Hóa; 1 đường dây nóng tại Hải Hòa và 1 đường dây nóng tại Thành Nhà Hồ). Riêng TP Sầm Sơn, giai đoạn 2016-2020 đã tiếp nhận và giải quyết 1.687 cuộc gọi qua đường dây nóng. Nhờ đó, công tác quản lý Nhà nước về du lịch từ cấp tỉnh tới địa phương từng bước đi vào nền nếp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch và kinh doanh du lịch trên địa bàn.
Mặc dù kết quả đạt được là cơ bản, song, khách quan nhìn nhận, công tác quản lý Nhà nước về du lịch có nơi, có thời điểm vẫn còn những bất cập, hạn chế, dẫn đến hiệu lực hiệu quả quản lý chưa cao. Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm mặc dù được quan tâm song vẫn chưa thật sự quyết liệt và triệt để. Cùng với đó, tình trạng bán hàng rong, chế biến thực phẩm trên bãi biển vẫn còn xảy ra (Khu Du lịch biển Tiên Trang (huyện Quảng Xương), Khu Du lịch biển Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn); tình trạng xe điện ở các khu du lịch hoạt động khó kiểm soát; sắp xếp hàng quán dịch vụ chưa tuân thủ quy hoạch. Hoạt động du lịch, nhất là du lịch biển, chịu ảnh hưởng lớn bởi yếu tố mùa vụ, thời tiết đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước nói chung và việc khai thác tài nguyên phục vụ phát triển du lịch nói riêng. Ngoài ra, do xuất phát điểm của du lịch Thanh Hóa thấp, nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch mới thực sự được quan tâm trong vài năm trở lại đây và còn hạn chế; nhận thức của các cấp, các ngành về quản lý, phát triển du lịch chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và sự phối hợp của một số sở, ngành, địa phương, tổ chức nghề nghiệp có liên quan về phát triển du lịch chưa thực sự bài bản, nhịp nhàng và hiệu quả.
Để khắc phục tình trạng trên, cũng đồng thời là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước về du lịch, thiết nghĩ, cần đề cao vai trò gắn với trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, địa phương, đơn vị liên quan. Đó là việc rà soát, quản lý tốt các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại tất cả các điểm tham quan du lịch trên địa bàn. Đồng thời, rà soát, thống kê, lập hồ sơ công nhận các khu, điểm du lịch; tham mưu xây dựng mô hình quản lý khu, điểm du lịch đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và từng địa phương, đơn vị. Ngoài ra, cần chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành trong hoạt động du lịch.