Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực dược ở Hà Tĩnh

Hơn 1.000 cơ sở bán lẻ thuốc chữa bệnh trên địa bàn Hà Tĩnh kết nối liên thông với hệ thống quản lý dược quốc gia, 21 cơ sở khám chữa bệnh triển khai kê đơn thuốc điện tử góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và giúp người dân sử dụng sản phẩm dược đảm bảo nguồn gốc, chất lượng.

Thực hiện Thông tư 02/2018/TT-BYT ngày 22/1/2018 của Bộ Y tế quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc, ngành y tế Hà Tĩnh đã nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn và chỉ đạo các cơ sở bán thuốc chữa bệnh thực hiện các nội dung theo đúng lộ trình, nhất là triển khai phần mềm quản lý cơ sở bán lẻ thuốc chữa bệnh và kết nối liên thông với hệ thống quản lý dược quốc gia.

Đến nay, trên toàn tỉnh có hơn 1.000 cơ sở bán lẻ thuốc chữa bệnh có các thiết bị và tài khoản phần mềm để kết nối liên thông lên hệ thống quản lý dược quốc gia.

Người dân được hưởng nhiều lợi ích khi triển khai việc kết nối liên thông với hệ thống quản lý dược quốc gia.

Người dân được hưởng nhiều lợi ích khi triển khai việc kết nối liên thông với hệ thống quản lý dược quốc gia.

Dược sĩ Uông Phương Dung (Nhà thuốc 116, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Trước đây, các công đoạn nhập, bán đều làm thủ công nên việc quản lý khá khó khăn và mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, từ sau khi áp dụng phần mềm liên thông với hệ thống quản lý dược quốc gia đã giúp cho việc quản lý báo cáo hàng xuất, nhập, tồn, lưu đơn được hiệu quả và tiết kiệm rất nhiều thời gian".

Ngoài các cơ sở bán lẻ thuốc, hiện nay, toàn tỉnh có 75 trạm y tế đủ điều kiện, được Sở Y tế cấp phép kinh doanh bán lẻ thuốc chữa bệnh. Tất cả các trạm y tế đều đã áp dụng phần mềm và liên thông lên hệ thống quản lý dược quốc gia.

Toàn tỉnh có 75 trạm y tế đủ điều kiện, được Sở Y tế cấp phép kinh doanh bán lẻ thuốc chữa bệnh.

Toàn tỉnh có 75 trạm y tế đủ điều kiện, được Sở Y tế cấp phép kinh doanh bán lẻ thuốc chữa bệnh.

Dược sỹ Nguyễn Văn Ngọc - phụ trách dược Trạm Y tế xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) khẳng định: “Thực hiện kết nối liên thông phần mềm bán lẻ thuốc giúp trạm tránh được thuốc không rõ nguồn gốc, quá hạn và giúp người dân sử dụng thuốc đảm bảo về chất lượng, nâng cao hiệu quả điều trị”.

Song song với kết nối liên thông lên hệ thống quản lý dược quốc gia, ngành Y tế Hà Tĩnh tập trung triển khai kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã có 21 bệnh viện, trung tâm y tế có giường bệnh triển khai kê đơn thuốc điện tử, 749 bác sỹ đã được cấp mã định danh và thực hiện kết nối thành công hơn 172.000 đơn thuốc lên hệ thống đơn thuốc quốc gia.

BVĐK tỉnh sau khi thăm khám đều áp dụng việc kê đơn thuốc điện tử cho bệnh nhân.

BVĐK tỉnh sau khi thăm khám đều áp dụng việc kê đơn thuốc điện tử cho bệnh nhân.

Theo kế hoạch của Sở Y tế, đến cuối tháng 12/2022, tất cả các đơn vị khám, chữa bệnh, 100% bác sỹ thực hiện kê đơn thuốc điện tử và 100% đơn thuốc được kết nối liên thông lên hệ thống đơn thuốc quốc gia theo quy định của Bộ Y tế.

Dược sĩ Tôn Đức Quý - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Đến nay, lĩnh vực dược của bệnh viện đã được quản lý qua phần mềm VNPT HIS và liên thông với hệ thống quản lý dược quốc gia... Đặc biệt, đầu năm 2020, bệnh viện thí điểm kê đơn thuốc điện tử tại phòng khám yêu cầu. Thời gian đầu còn có một số khó khăn nhưng sau một thời gian áp dụng, đến nay, việc kê đơn thuốc điện tử đã tích hợp được vào phần mềm quản lý bệnh viện, áp dụng cho toàn bệnh viện, tạo sự đồng bộ, tiết kiệm được thời gian và nâng cao hiệu quả trong việc quản lý chuyên môn của Ban Giám đốc”.

Cán bộ Trạm Y tế Tượng Sơn (Thạch Hà) nhập đơn thuốc lên hệ thống phần mềm quản lý dược quốc gia.

Cán bộ Trạm Y tế Tượng Sơn (Thạch Hà) nhập đơn thuốc lên hệ thống phần mềm quản lý dược quốc gia.

Việc kê đơn thuốc điện tử không chỉ mang lại thuận lợi cho ngành y tế mà còn đem đến rất nhiều lợi ích cho người dân. Theo đó, đơn thuốc rõ ràng, chính xác, tránh được các sai sót như kê đơn trùng hoạt chất, kê biệt dược đắt tiền, kê thực phẩm chức năng…

Các thuốc được kê đều liên thông lên hệ thống đơn thuốc quốc gia, từ đó, việc quản lý kê đơn và bán thuốc theo đơn được thuận lợi hơn... Đặc biệt, trên đơn thuốc điện tử có số mã vạch, bệnh nhân không cần cầm đơn mà chỉ lưu giữ số mã vạch, khi đi bất cứ nhà thuốc, quầy thuốc nào trên toàn quốc, chỉ cần nhập hoặc quét mã vạch thì sẽ hiện lên đơn thuốc của bác sỹ đã kê.

Trong số 113 dịch vụ công trực tuyến, kết nối liên thông của ngành thì lĩnh vực dược phẩm và mỹ phẩm có 41 dịch vụ. Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giao dịch hành chính và áp dụng liên thông nhiều phần mềm quản lý chuyên ngành mang lại rất nhiều lợi ích. Người dân, doanh nghiệp sẽ thuận tiện trong việc nộp hồ sơ và nhận kết quả nhanh chóng, sử dụng các loại dược phẩm đảm bảo nguồn gốc, chất lượng; các cơ sở cung ứng thuốc sẽ tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động kinh doanh và ngành chức năng cũng sẽ nâng cao được hiệu lực, hiệu quả giám sát, quản lý nhà nước về lĩnh vực dược.

Dược sĩ CKI Lê Thị Cẩm Thạch - Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế

Ánh Nguyên – Thanh Loan

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/y-te/nang-cao-hieu-luc-hieu-qua-quan-ly-trong-linh-vuc-duoc-o-ha-tinh/228305.htm