Nâng cao hiệu quả các công trình cấp nước tập trung
Tính đến tháng 3-2023, toàn tỉnh có 537 công trình cấp nước nông thôn tập trung; trong đó có 501 công trình cấp nước tự chảy và 36 công trình cấp nước động lực.
Công nhân Nhà máy Nước sạch Tiến Lộc (Hậu Lộc) kiểm tra hệ thống van tại hồ chứa nước.
Bên cạnh những công trình hoạt động bền vững có sự gia tăng về doanh thu và sản lượng nước, có 94 công trình cấp nước tự chảy không hoạt động gây lãng phí nguồn vốn đầu tư, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác quản lý, đầu tư xây dựng còn nhiều thiếu sót. Trong đó, các công trình cấp nước tự chảy tại miền núi (chủ yếu là quy mô thôn/bản) có số lượng nhiều, nhưng quy mô nhỏ, công nghệ đơn giản, giao cho UBND xã quản lý và được UBND xã giao cho tổ quản lý vận hành (thường là trưởng hoặc phó thôn/bản), chỉ được tập huấn quản lý vận hành và làm việc kiêm nhiệm nên hiệu quả không cao.
Ngoài ra, việc vận hành các công trình nước sạch nông thôn tập trung còn phụ thuộc nhiều vào môi trường, thời tiết. Đặc biệt vào mùa khô, khi nguồn nước ngầm giảm tình trạng thiếu nước thường xuyên xảy ra, chất lượng nước sau xử lý không bảo đảm. Hoặc do ảnh hưởng của mưa, lũ, hằng năm trên địa bàn tỉnh đều có những hạng mục công trình cấp nước, đường ống dẫn nước bị hư hỏng song chính quyền địa phương chưa bố trí được kinh phí để sửa chữa nên hoạt động kém hoặc ngưng hoạt động.
Tại huyện Quan Sơn, 86 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được xây dựng bằng nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình như: Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình 134, 135 và nguồn tài trợ của một số tổ chức phi chính phủ đã và đang góp phần giải quyết vấn đề khó khăn về nguồn nước sinh hoạt cho đồng bào địa phương. Tuy nhiên, do các công trình được giao cho thôn, bản quản lý, không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa nên nhiều công trình đã xuống cấp, 14 công trình ngừng hoạt động, các công trình còn lại hiệu quả không cao. UBND huyện Quan Sơn đã và đang nỗ lực huy động nguồn lực, lồng ghép nguồn kinh phí từ các chương trình để sửa chữa, bảo dưỡng các công trình cấp nước tập trung xuống cấp, ngừng hoạt động. Song do nguồn vốn của các chương trình hạn chế nên việc huy động, bố trí nguồn kinh phí sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung gặp nhiều khó khăn.
Tình trạng nhiều công trình cấp nước tập trung được đầu tư song hoạt động không hiệu quả, thiếu tính bền vững đang tồn tại ở hầu hết 11 huyện miền núi và một số vùng khu vực khác của tỉnh. Trước thực trạng trên, để bảo đảm người dân nông thôn được sử dụng nước sạch hàng ngày, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh ưu tiên hỗ trợ kinh phí để duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước nông thôn tập trung, nhất là tại các huyện miền núi và khu vực khó khăn về nguồn nước. Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện tiếp tục rà soát, xây dựng đề án sửa chữa, nâng cấp các công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn bị hư hỏng, xuống cấp; cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện sửa chữa, khắc phục các công trình hoạt động kém hiệu quả nhằm bảo đảm mục tiêu cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn cho người dân theo chiến lược mà tỉnh đã ban hành.
Theo rà soát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2022 tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đạt 97%, tăng 0,4% so với cùng kỳ. Trong đó, tỷ lệ hộ sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung là 22%; tỷ lệ sử dụng từ công trình nhỏ lẻ là 75,1%. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước tập trung, các đơn vị vận hành cần xây dựng hệ thống quy chế hoạt động, nhiệm vụ và kế hoạch vận hành, tránh thất thu và thất thoát nguồn nước sạch. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình cấp nước nông thôn; phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng cơ chế hỗ trợ quản lý, vận hành các công trình cấp nước tự chảy để có nguồn kinh phí thực hiện duy tu, bảo dưỡng và quản lý vận hành công trình. Đồng thời, ưu tiên nguồn vốn ngân sách đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các công trình bị hư hỏng trên địa bàn các huyện miền núi để đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.