Nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi ở Tây Nguyên

Do ảnh hưởng của hạn hán và thời tiết bất thường, việc cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi là ưu tiên hàng đầu của các tỉnh Tây Nguyên.

Hiệu quả sau khi nâng cấp

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đắk Nông cho biết, đầu năm 2016 công trình hồ thủy lợi Lâm trường Đắk Gằn, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp với kinh phí đầu tư gần 8 tỷ đồng. Nhờ có công trình này mà gần 100 ha cà phê và các khu vực lân cận đảm bảo đủ nước tưới ổn định. Đây là hồ thủy lợi có tuổi thọ trên 25 năm nên đã bị bồi lắng, hư hỏng, không đủ điều kiện an toàn để tích nước.

Sau khi được cải tạo, sửa chữa, công suất hồ chứa được nâng lên gần 65.000 m3, tăng gấp đôi so với trước đây, đảm bảo nguồn nước ổn định cho người dân tưới tiêu thâm canh cà phê và các loại cây trồng khác trong mùa khô.

Hồ thủy lợi Lâm trường Đắk Gằn, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil vừa được hoàn thành nâng cấp và đưa vào sử dụng.

Gia đình chị Trần Thị Hương, xã Đắk Gằn là một trong hơn 100 hộ dân được hưởng lợi khi hồ thủy lợi Lâm trường Đắk Gằn được cải tạo, nâng cấp. Chị Hương cho biết, những năm trước, cứ vào mùa khô là bà con canh cánh nỗi lo thiếu nước tưới. Năm nào thời tiết ổn định thì đỡ, nếu hạn hán kéo dài là người dân phải đưa xe múc đào sâu xuống lòng hồ để lấy nước chống hạn. Có năm hạn nặng, người dân chỉ biết đứng nhìn cà phê héo rũ chờ... trời mưa, năng suất giảm tới gần 50%.

Cũng như huyện Đắk Mil, tại huyện Đắk R’Lấp, công trình thủy lợi Cầu Tư, xã Nghĩa Thắng cũng vừa được đầu tư cải tạo, nâng cấp quy mô lớn vào năm 2016. Công suất hồ chứa hiện tại là 8 triệu m3 nước, tăng gấp 8 lần so với trước đó. Đây là công trình được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đầu tư vừa để lấy nước rửa quặng bauxite, vừa để phục vụ nhu cầu tưới tiêu của người dân.

Theo ông Phan Sỹ Thịnh, Giám đốc Chi nhánh Đắk R’Lấp (Công ty TNHH MTV khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông), hồ thủy lợi Cầu Tư đang cấp nước ổn định cho gần 1.000 ha cây trồng tại xã Nghĩa Thắng và một số xã lân cận; trong đó, có hơn 250 ha lúa nước của đồng bào các dân tộc thiểu số. Việc cải tạo, nâng cấp công trình này đã tạo điều kiện tốt cho người dân canh tác lúa nước, cũng như phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao trong khu vực.

Gia đình anh Hoàng Thanh Hân, xã Nghĩa Thắng cho biết, hồ thủy lợi Cầu Tư được nâng cấp đã giúp gia đình anh bảo đảm nước tưới cho hơn 2 ha cà phê mỗi khi vào mùa khô. Bên cạnh nguồn nước dồi dào, ổn định, gia đình anh cũng tiết kiệm được khá nhiều nhiên liệu, công, máy móc, đường ống... so với trước đây. Hàng nghìn hộ dân trong khu vực cũng được hưởng những lợi ích tương tự.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tính đến năm 2013 toàn vùng Tây Nguyên đã xây dựng được 2.261 công trình thủy lợi, trong đó 1.150 hồ chứa, 942 đập dâng, 114 trạm bơm, 55 công trình khác, với diện tích tưới thiết kế 268.987 ha, diện tích tưới thực tế 202.166 ha, trong đó lúa 72.801 ha, màu 16.598 ha, cây công nghiệp 112.627 ha, so với diện tích thiết kế đạt 75,2%, so với diện tích cần tưới đạt 17,6%.

Hiện tại 1.150 hồ chứa trên địa bàn vùng Tây Nguyên đã tạo cho vùng dung tích trữ thiết kế đạt 1,12 tỷ m3 và dung tích hiệu ích đạt 1,02 tỷ m3. Trong đó một số công trình đáng chú ý như hồ chứa Đắc Uy (Kon Tum) có dung tích hữu ích và dung tích trữ 26,0/29,6 triệu m3; ở Gia Lai có hồ Biển Hồ 28,50/42,00 triêu m3, Ayun Hạ 201,00/253,00 triệu m3, Ia Mlá 48,64/51,15 triệu m3; ở Đắk lắk có hồ EaSoup hạ 1,85/5,55 triệu m3, Ea Kao 13,7/17,7 triệu m3, Krông Buk hạ, Ea Nhái 10,50/11,03; còn ở Lâm Đồng có hồ Đa Nhim 156/165 triệu m3 (Lâm Đồng)...

Các loại cây công nghiệp như cà phê, tiêu được phát triển ven các công trình thủy lợi vừa được nâng cấp.

Song do việc khai thác nước ngầm quá mức để tưới cà phê và phục vụ sinh hoạt tại các đô thị đã dẫn đến cạn kiệt nguồn nước. Rõ nhất là vào mùa khô 2015 - 2016, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tổng lưu lượng khai thác của Công ty cấp nước giảm tới 15.000 m3/ngày so với trước đây, hàng loạt giếng đào của dân cũng cạn nước không thể khai thác được.

Hiện nay tại nhiều khu vực, mực nước dưới đất đã suy giảm đáng kể. Trên toàn vùng, hiện diện tích cà phê được tưới bằng nguồn nước hồ đập chỉ chiếm khoảng 19,3% với mức nước tưới trung bình khoảng từ 1.500 m3/ha/vụ ÷ 2.500 m3/ha/vụ.

Thi công khẩn trương các công trình thủy lợi

Mùa khô năm 2017, thời tiết ở các tỉnh Tây Nguyên diễn biến cực đoan, tuy có mưa trái mùa diễn ra cục bộ tại một số địa phương nhưng số ngày nắng vẫn kéo dài, phổ biến tại các huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng. Trong khi đó, gần 100% diện tích cây điều bị mất trắng tại huyện Đạ Teh khiến hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh khó khăn. Sự thay đổi của thời tiết và khô hạn kéo dài trong thời gian tới là vấn đề đặt ra cho chính quyền các cấp là cần phải đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi.

Tỉnh Lâm Đồng có nhiều công trình thủy lợi trọng điểm cần đẩy nhanh tiến độ như: Công trình Sao Mai, huyện Đơn Dương phục vụ tưới tiêu cho diện tích rau màu trên 120 ha dự kiến sẽ hoàn thành trong quý I/2017, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành đúng tiến độ. Còn công trình hồ thủy lợi Đạ Lây tại huyện Đạ Teh là một trong 2 dự án vượt lũ trọng điểm từ nguồn vốn của Trung ương do Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư.

Hệ thống kênh mương đập thủy lợi Đăk Rơn Ga (Kon Tum) hoàn thành hơn 4 năm nhưng chưa một lần đưa vào sử dụng, hiện đang xuống cấp.

Dự kiến sau khi hoàn thành sẽ cung cấp nguồn nước tưới cho trên 1.400 ha đất sản xuất và nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 7.000 nhân khẩu của hai huyện Đạ Teh và Cát Tiên. Theo dự kiến cuối năm 2017, dự án sẽ hoàn thành các hạng mục công trình cụm đầu mối.

Tuy nhiên do điều chỉnh lại phê duyệt để tăng dung tích nước nên dự án bị kéo dài thêm hơn 1 năm. Hiện nay, đơn vị chủ đầu tư cùng với các nhà thầu đang tập trung nhân lực, vật lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình, dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành hạng mục cụm đầu mối và triển khai xây dựng hệ thống kênh mương để sớm đưa vào sử dụng, giải quyết khó khăn về nguồn nước tưới trên địa bàn.

Theo Phòng nông nghiệp huyện Đạ Tẻh, tình trạng thiếu nước trở thành vấn đề cấp bách, riêng vụ hè thu vừa qua toàn xã Đạ Lây (Đạ Tẻh) đã có gần 150 ha lúa bị thiệt hại do hạn hán gây ra; trong đó 6/9 thôn sản lượng lúa bị giảm đáng kể, hàng chục ha đất tại cánh đồng Lộc Lòa, xã Đạ Lây bị bỏ hoang. Tình trạng hạn hán thiếu nước sạch cũng khiến hơn 500 hộ bị thiếu nước sinh hoạt.

Mặc dù hàng năm địa phương đã có nhiều giải pháp chống hạn nhưng tình trạng này vẫn chỉ là giải pháp tạm thời. Chính vì vậy, việc sớm hoàn thành đưa vào sử dụng Hồ chứa nước Đạ Lây là mong mỏi của người dân trong vùng.

Tổng nguồn vốn đầu tư cho các công trình thủy lợi, nước sạch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm nay là trên 22 tỷ đồng cho 31 công trình.

Trong khi nhu cầu nước tưới và sinh hoạt rất cấp thiết thì nhiều dự án sau nhiều năm thi công vẫn chưa hoàn thành. Do khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng và điều chỉnh lại quy hoạch thiết kế nhằm tăng dung tích nước tưới nên hồ thủy lợi Đạ Lây sau 2 năm vẫn chậm tiến độ.

Hiện công trình hồ thủy lợi này đang bước vào thực hiện gói thầu số 2 xây dựng đập tràn xả lũ. Theo chủ đầu tư và các đơn vị thi công, gói thầu số 2 đến nay cơ bản đã hoàn thành trên 40% khối lượng các hạng mục công trình. Riêng gói thầu số 1 đập lấy nước tiến độ đạt trên 20% kế hoạch.

Việc sớm đưa vào sử dụng các công trình hồ thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh là vấn đề cấp thiết, không chỉ giải quyết khó khăn về nguồn nước tưới, nước sinh hoạt trên địa bàn mà còn mở ra cơ hội mới cho việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng nguồn thu nhập của người dân các huyện phía nam của Lâm Đồng.

Theo dự báo, vụ đông xuân năm nay, điều kiện thời tiết không thuận lợi, hiện tượng El Nino tiếp tục gây ra hiện tượng hạn hán. Trước tình trạng trên, Sở NN&PTNT Lâm Đồng tiếp tục đôn đốc triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch chống hạn, chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi tăng cường công tác kiểm tra, nạo vét kênh mương điều tiết nước hợp lý và tiết kiệm.

Ông Trần Đức Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban Chỉ đạo Tây Nguyên):

Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên

Tây Nguyên có địa hình tương đối dốc, thảm phủ thực vật bị suy giảm nghiêm trọng trong những năm gần đây nên mực nước ngầm đã bị hạ thấp đáng kể. Vì vậy cần có những giải pháp làm tăng mực nước ngầm phục vụ cho các ngành như: Trồng rừng để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc tăng khả năng trữ nước, giảm xói mòn đất. Xây dựng các hồ chứa cũng góp phần làm tăng mực nước ngầm quanh khu vực lòng hồ.

Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên đề xuất các giải pháp đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và phát triển công nghiệp trong vùng. Giải pháp tiêu tự chảy tới mức tối đa trong điều kiện bình thường và điều kiện biến đổi khí hậu, tiêu bằng động lực nhằm giải quyết ngập úng đảm bảo sản xuất cho 25.643 ha vùng thấp trũng. Phòng, chống lũ tiểu mãn và lũ sớm bảo vệ sản xuất với tần suất 5 - 10%, né tránh lũ chính vụ. Triển khai các giải pháp nâng cao nhận thức cộng đồng về thiên tai, biến đổi khí hậu và cách phòng tránh...

Ông Nguyễn Ngọc Lũy, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút (Đắk Nông):

Sớm đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi

Việc phòng chống hạn của huyện Cư Jút hiện đang gặp khó khăn. Toàn huyện có 43 công trình thủy lợi đang xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có 50% số công trình cần được cải tạo, nâng cấp để đảm bảo an toàn. Hiện người dân phát triển các loại cây cần nhiều nước tưới vào mùa nắng như cà phê, cây ăn trái, tiêu... với tốc độ quá nhanh.

Các ngành chức năng trong tỉnh cũng như Trung ương sớm xem xét, đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư của nhà nước và các nguồn viện trợ khác, các ngành chức năng cũng cần có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút vốn đầu tư vào hệ thống các công trình thủy lợi, nhất là trong bối cảnh hạn hán ngày càng gay gắt hiện nay.

Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý các công trình NN&PTNT tỉnh Kon Tum:

Bất cập từ công trình đập thủy lợi triển khai nửa vời

Đập thủy lợi Đăk Rơn Ga được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt xây dựng năm 2007 với tổng mức đầu tư 128 tỷ đồng. Theo thiết kế, đập có dung tích phục vụ tưới nước cho 829 ha cây công nghiệp thuộc 2 xã Tân Cảnh và Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô). Tuy nhiên sau 10 năm triển khai, những hạng mục hoàn thành chưa đưa vào sử dụng của đập đã xuống cấp nghiêm trọng, kênh mương hư hỏng, bị rác thải chôn vùi.

Thực tế khi bắt đầu xây dựng dự án thủy lợi Đăk Rơn Ga năm 2010 thực hiện theo chủ trương làm đến đâu hết kinh phí thì dừng đến đó. Năm 2012, đập chứa nước hoàn thành nhưng phần thi công kênh mương phụ hết kinh phí thực hiện, công trình tạm ngưng xây dựng cho đến nay. Lý do khiến công trình hoàn thành hơn 4 năm nhưng chưa đưa vào sử dụng là toàn bộ phần kênh chính bằng bê tông, cốt thép gần như đã được xây dựng xong nhưng các đầu mối chuyển từ kênh chính sang kênh phụ bằng đất không đảm bảo an toàn nên nhà đầu tư chưa cho xả nước về đến các vùng hưởng lợi vì nguy cơ sạt lở, tràn nước gây ngập úng rất cao.

Đầu năm 2017, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt dự án kiên cố hóa kênh mương và công trình trên mương thủy lợi Đăk Rơn Ga để xây dựng bê tông những phần kênh mương còn lại, sớm đưa công trình vào sử dụng.

Tôn Tuấn Thịnh/Báo Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/tay-bac-tay-nguyen-tay-nam-bo/nang-cao-hieu-qua-cac-cong-trinh-thuy-loi-o-tay-nguyen-20170621173835353.htm