Nâng cao hiệu quả các môn nghệ thuật trong trường học

Yêu cầu cần có sự đánh giá đúng mức vai trò các môn nghệ thuật trong trường học là một đòi hỏi chính đáng, để từ đó có những quan tâm, đầu tư mọi mặt cho các môn học này có điều kiện phát huy tính tích cực trong thực tế.

Ngày nay, sự hiện diện của hai môn học mang tính nghệ thuật trong trường học là Âm nhạc và Mỹ thuật được đánh giá là rất cần thiết, bởi đó chính là một trong những phương tiện hữu hiệu giúp học sinh phát triển đầy đủ về tư duy thẩm mỹ, nhân văn, góp phần không nhỏ cho thực hiện toàn diện các nhiệm vụ giáo dục thực chất…

Tuy vậy, trong cách nhìn nhận, đánh giá của không ít người, đây đều là những môn phụ, chất lượng học và dạy chưa phản ánh đúng ý nghĩa môn học, làm ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị thực tế của môn học. Yêu cầu cần có sự đánh giá đúng mức vai trò các môn nghệ thuật trong trường học là một đòi hỏi chính đáng, để từ đó có những quan tâm, đầu tư mọi mặt cho các môn học này có điều kiện phát huy tính tích cực trong thực tế.

Trên lý thuyết, Mỹ thuật và Âm nhạc vẫn luôn được khẳng định là những môn học có vai trò quan trọng trong chương trình giáo dục. Theo chương trình cấp tiểu học mới, yêu cầu dạy đúng, dạy đủ, có chất lượng các môn học bắt buộc, trong đó có hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật. Ở cấp THCS, cùng với các môn khoa học cơ bản khác, các nhà trường phải thực hiện dạy hai môn mang tính nghệ thuật này trong toàn cấp học.

Tuy vậy, theo phân bố chương trình, đây đều là những môn học ít tiết/tuần, kết quả học tập của học sinh đối với hai môn học này không có nhiều ảnh hưởng đến chất lượng học tập chung, song xu hướng giảng dạy của hầu hết các nhà trường, giáo viên có sự đầu tư tập trung nhiều cho các môn văn hóa. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho các môn học này hiện mới chỉ dừng ở mức độ nhất định.

Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu mỗi trường phải có đủ phòng chức năng về hát nhạc và mỹ thuật, trong đó có trang bị đầy đủ các trang thiết bị, như: các loại nhạc cụ cơ bản, giá vẽ, màu vẽ… nhưng hiện nay, do nhiều nguyên nhân và nhất là nguồn kinh phí đầu tư còn hạn hẹp nên việc đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, thiết bị… các phòng chức năng dành cho các môn học nghệ thuật chưa đáp ứng tốt nhu cầu.

Đặc biệt, ở cấp THPT, việc triển khai dạy học các môn nghệ thuật chính khóa theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hiện chưa thực hiện được vì không có giáo viên và phòng học mỹ thuật, âm nhạc.

Một giờ học môn Âm nhạc của học sinh Trường Tiểu học Liêm Chính (TP Phủ Lý).

Một giờ học môn Âm nhạc của học sinh Trường Tiểu học Liêm Chính (TP Phủ Lý).

Bên cạnh đó, mặc dù số lượng giáo viên dạy âm nhạc và mỹ thuật ở các trường tiểu học, THCS đã tương đối đủ, nhưng có rất ít giáo viên được đào tạo chuyên ngành và chủ yếu là dạy ghép môn. Theo nhận xét của ngành giáo dục, khi các giáo viên không được đào tạo chuyên ngành, cũng đồng nghĩa với khả năng, năng khiếu, sức sáng tạo về nhạc, họa của đội ngũ còn nhiều hạn chế. Đương nhiên, chất lượng dạy các môn học mang tính nghệ thuật như âm nhạc và mỹ thuật cho học sinh chưa được như mong muốn. Mặt khác, tuy không có tình trạng cắt xén chương trình, nhưng do đều là các môn ít giờ giảng dạy, thời lượng không đủ để học sinh có thể cập nhật hết kiến thức cần thiết và phát huy năng khiếu cá nhân đối với các môn học mang tính nghệ thuật.

Để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ, bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, một số năm học gần đây, Sở GD&ĐT đã tổ chức Hội thi Giáo viên giỏi cấp THCS dành cho các môn nghệ thuật này.

Qua đây, các môn học mang tính nghệ thuật trong trường học có được một cách nhìn nhận, đánh giá mới, đáp ứng các mục tiêu tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy; giúp cho ngành giáo dục đánh giá chất lượng giáo viên trên nhiều mặt, từ cách tổ chức tiết học, cách thể hiện năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, khả năng vận dụng thực hành cho đến nhận thức về đổi mới giáo dục.

Đồng thời, làm thay đổi và tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, tư duy về môn học cho đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành về nhiệm vụ giáo dục toàn diện, thu hút sự hứng thú của học sinh đối với các môn học vốn chưa được đánh giá đúng mức nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong hình thành các năng lực cần thiết cho học sinh.

Đây là tiền đề để ngành tiếp tục tổ chức các hội thi tương tự vào những năm tiếp theo, động viên và khích lệ tinh thần đổi mới, sáng tạo của giáo viên, để các môn học ít giờ không còn bị coi là môn học phụ.

Và, vì thế, với định hướng phát triển toàn diện học sinh, việc tổ chức dạy các môn học nghệ thuật nhà trường đã dần được cải thiện hơn về chất lượng. Theo đó, cấp tiểu học, THCS, tuy là các môn học ít tiết, song đây đều là các môn học bắt buộc được yêu cầu dạy đúng, dạy đủ như các môn khoa học cơ bản khác.

Đưa các môn học nghệ thuật này vào giảng dạy đồng nghĩa với việc nhà trường sẽ làm tốt sự định hướng thẩm mỹ cho học sinh, giúp các em tự lựa chọn được hình thức văn hóa, nghệ thuật phù hợp với mình cả về lứa tuổi, cũng như truyền thống văn hóa, nghệ thuật dân tộc và ngoại lai.

Theo quan điểm của nhiều giáo viên, đây chính là giải pháp quan trọng cho việc lấp đầy những “khoảng trống” về kiến thức âm nhạc, mỹ thuật nói chung và cách thức tiếp cận với các giá trị thẩm mỹ nói riêng cho học sinh. Đồng thời, tạo cho học sinh môi trường học tập và tham gia các hoạt động giáo dục một cách chủ động.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/nang-cao-hieu-qua-cac-mon-nghe-thuat-trong-truong-hoc-131894.html