Nâng cao hiệu quả chống dịch bằng 'vắc xin ý thức' của người dân
Bên cạnh việc xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng, TP. Thanh Hóa xác định, nâng cao nhận thức cho người dân là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả của công tác phòng chống dịch Covid-19.
TP Thanh Hóa đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng chống dịch. Ảnh: QD
Chỉ trong ngày 9/9, ngày thứ 2 của đợt giãn cách xã hội lần thứ 2, cơ quan chức năng thành phố đã xử phạt 202 trường hợp vi phạm các quy định phòng chống dịch với số tiền hơn 208 triệu đồng. Tính từ ngày 2 - 9/9, thành phố Thanh Hóa xử phạt tổng cộng 1.308 trường hợp vi phạm với số tiền 1.369.750.200 đồng. Những con số trên cho thấy, ý thức chấp hành quy định về phòng chống dịch trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội của một bộ phận người dân chưa tốt.
Đại diện tiểu ban tuyên truyền, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh Covid-19 thành phố Thanh Hóa cho biết, việc xử phạt chủ yếu áp dụng đối với các trường hợp cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần, vi phạm khi đã phê bình, khuyến cáo nhưng không chấp hành còn biện pháp quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.
Ngay sau khi kiện toàn lại Ban chỉ đạo phòng chống dịch, thành phố đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh đến việc nâng cao nhận thức của người dân, bắt đầu từ việc tuyên truyền ở các khu dân cư.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố, thông qua các hình thức như loa truyền thanh, cổ động trực quan, thông tin trên báo chí và các nền tảng mạng xã hội việc tuyên truyền bước đầu đã đạt được hiệu quả. Trong những ngày đầu của đợt giãn cách thứ 2, số lượng các trường hợp vi phạm giảm đáng kể. Người dân đã nhận thức đầy đủ hơn về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, các biện pháp phòng chống cũng như quy định về giãn cách xã hội.
Xe tuyên truyền lưu động về phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Ảnh: QD
Thành phố đặc biệt chú trọng đến việc cập nhật các thông tin phòng chống dịch trên hệ thống loa truyền thanh mỗi giờ 1 lần, mỗi lần không quá 10 phút. Nội dung thông tin ngắn gọn, dễ hiểu, tập trung vào việc chấp hành các quy định phòng chống dịch tại địa phương đảm bảo khoa học, hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Vân, trưởng khu dân cư tập thể giáo viên Trường đại học Hồng Đức, phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa cho biết, thời gian thực hiện giãn cách xã hội, hệ thống loa truyền thanh tăng thời lượng phát nhiều lần cũng khiến một số người không quen, thậm chí khó chịu. "Tuy nhiên, chúng tôi cũng giải thích rõ để bà con hiểu, trong thời gian này, loa phường là một trong những cách thức thông tin, tuyên truyền hiệu quả nhất, kịp thời nhất bởi không phải ai cũng biết sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, nhất là nhóm người cao tuổi" - ông Vân nói..
Theo tiểu ban tuyên truyền phòng chống dịch thành phố, đối với công tác xã hội hóa, thành phố xác định kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhận tự nguyện, tránh tình trạng áp đặt chỉ tiêu, gây dư luận không tốt. Các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện giãn cách xã hội được thành phố cập nhật thường xuyên thông qua nhiều phương tiện truyền thông với tinh thần kiểm soát chặt nhưng không “ngăn sông, cấm chợ”; đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu “kép”: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế; trong đó tùy từng thời điểm, tùy từng địa bàn để xác định ưu tiên mục tiêu nào hơn. Các khung giờ nới lỏng giãn cách trong thành phố được thông báo thường xuyên, liên tục để người dân nắm bắt, chủ động sắp xếp công việc, tránh ùn tắc giao thông.
Bí thư Thành ủy TP. Thanh Hóa Lê Anh Xuân (giữa) kiểm tra tại một chốt kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: VQ
Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 thành phố Thanh Hóa xác định, bên cạnh xét nghiệm sàng lọc, tiêm vắc – xin, kiểm soát chặt chẽ thì công tác tuyên truyền có vai trò rất quan trọng. Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định. Do đó, công tác tuyên truyền của thành phố phải hướng đến trọng tâm là nâng cao ý thức chấp hành của người dân để người dân đồng thuận, chia sẻ, đồng hành cùng thành phố chống dịch. Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên tuyệt đối không được lơ là, chủ quan khi được phân công nhiệm vụ; không được thỏa mãn, mắc bệnh thành tích trong công tác phòng chống dịch.
99% dân số TP. Thanh Hóa đã được xét nghiệm sàng lọc Covid-19. Ảnh: TĐ
Ông Lê Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Thanh Hóa cho hay, từ 2 đến 8/9, với hơn 700 tổ xét nghiệm tại khu dân cư và các khu công nghiệp, thành phố đã thực hiện test nhanh và xét nghiệm PCR cho 364.741 người, đạt tỷ lệ hơn 99% dân số. Đến nay, thành phố có 8 ca bệnh phát hiện trong cộng đồng nhưng cơ bản đã kiểm soát tốt tình hình. Các trường hợp nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh đã được truy vết, khoanh vùng đến tận F3, từ đó có phương án giám sát chặt chẽ. Tính đến 11/9, thành phố Thanh Hóa là địa phương duy nhất của tỉnh Thanh Hóa cơ bản hoàn thành việc xét nghiệm sàng lọc toàn dân.