Nâng cao hiệu quả công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đồng bào Chăm ở An Giang

Thực hiện nhất quán chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh An Giang đã tăng cường triển khai thực hiện công tác dân tộc, công tác tôn giáo trên địa bàn nơi đồng bào Chăm sinh sống nhằm nâng cao đời sống vật chất, đời sống tinh thần cho đồng bào. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên đời sống của đồng bào Chăm đã được cải thiện, bản sắc văn hóa Chăm được bảo tồn và phát triển, sinh hoạt tôn giáo được coi trọng đã tạo động lực cho cộng đồng người Chăm tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, bảo đảm an ninh chính trị, mối quan hệ đoàn kết với các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn.

Đồng bào Chăm ở An Giang sinh sống tập trung ở 2 huyện An Phú và Tân Châu, số còn lại sống rải rác ở huyện Châu Thành, Châu Phú, Phú Tân… với khoảng hơn 17.000 người là tín đồ Hồi giáo (Islam), sinh hoạt tôn giáo ở 12 Thánh đường, 16 tiểu Thánh đường.

Đồng bào Chăm sống quần tụ hòa thuận, đùm bọc lẫn nhau theo từng làng và trong mỗi làng đều xây dựng một hay nhiều tiểu Thánh đường và có 1 vị Giáo cả đứng đầu do cộng đồng bầu lên. Toàn tỉnh hiện có 11 giáo cả, 22 phó giáo cả, 13 người giúp việc và 116 chức việc; dưới giáo cả có 1 phó giáo cả cùng giáo cả lãnh đạo cộng đồng và thay quyền khi giáo cả vắng mặt.

Người Chăm sinh hoạt tương đối khép kín theo các quy định của giáo luật Hồi giáo và có mối quan hệ mật thiết với cộng đồng hồi giáo ở các nước Đông Nam Á, đặc biệt là mối quan hệ với cộng đồng Hồi giáo ở Malaysia; hiện có khoảng 40.000 người Chăm ở Malaysia có nguồn gốc từ Việt Nam và Campuchia.

Các lễ trọng hàng năm của người Chăm như lễ Bố thí, lễ Hành hương về Mecca, tháng chay Ramadan, tổ chức thi xướng Kinh Qur'an và cử người thi Kinh Qur'an theo Hồi giáo chính thống được người Chăm rất coi trọng và tuân theo. Do ảnh hưởng của chế độ ăn uống, nghi lễ theo Luật Hồi giáo, nên trước đây người Chăm khó tìm được việc làm ổn định, chủ yếu là lao động đơn giản, chài lưới, buôn bán nhỏ, dệt vải và một số ít sản xuất nông nghiệp; phụ nữ chỉ biết việc nội trợ, chăm sóc gia đình, thêu thùa… đời sống đồng bào chậm được cải thiện so với các dân tộc khác trong tỉnh.

Đến nay, 100% xã vùng dân tộc Chăm có điện lưới quốc gia, trên 98% hộ dân được sử dụng điện lưới và nước sạch sinh hoạt; đường giao thông nông thôn được nhựa hóa hoàn toàn; đời sống của đồng bào được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm.

Thông qua các dự án của Chính phủ hỗ trợ sản xuất kết hợp với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ tín dụng, giải quyết việc làm, đồng bào Chăm đã từng bước thay đổi nhận thức và hành động trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, tích cực chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, phát triển kinh tế kết hợp với du lịch, dịch vụ gắn với giữ gìn, phát triển các làng nghề truyền thống nên đã quảng bá được hình ảnh của cộng đồng cả ở trong nước và nước ngoài trong bản đồ du lịch quốc tế.

Nghề dệt thổ cẩm vẫn được giữ gìn và phát triển ở làng Chăm xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang (Ảnh minh họa)

Nghề dệt thổ cẩm vẫn được giữ gìn và phát triển ở làng Chăm xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang (Ảnh minh họa)

Ðể bảo tồn và phát triển làng nghề, từ năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ làng nghề để thay đổi công nghệ, máy móc, hỗ trợ tìm thị trường, đầu ra cho sản phẩm, như: Hỗ trợ cho cơ sở dệt thổ cẩm Mohamad triển khai thực hiện đề án ứng dụng máy móc thiết bị phục vụ sản xuất trang phục lễ; đăng ký danh mục dự án hỗ trợ phát triển sản xuất ngành nghề nông thôn, làng nghề từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với Trung tâm khuyến công, tạo điều kiện tham gia Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tại trung tâm tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm nhằm góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cao cho nhiều lao động.

Trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, được sự hỗ trợ giúp đỡ của các cấp chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, đồng bào Chăm đã tích cực đóng góp sức người, sức của để xây dựng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tại các xã đều có đường giao thông, nhà văn hóa, trạm phát thanh, trạm xá, trường học đạt tiêu chuẩn đảm bảo các điều kiện đi lại, học hành, chữa bệnh của đồng bào ngày càng thuận lợi, cụ thể như: xã Đa Phước đã thành lập 12 tổ công tác xây dựng nông thôn mới, thường xuyên xuống địa bàn vận động các hộ đồng bào Chăm thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng các mô hình góp vốn từ các hộ người Chăm có kinh tế khá giả để hỗ trợ hộ nghèo có vốn buôn bán và mở cơ sở dệt đang được triển khai rất hiệu quả trong cộng đồng người Chăm nên đã đóng góp quỹ hàng tỷ đồng để làm nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; mua cờ Tổ quốc và cờ phướn để treo theo các tuyến đường trong xã và các Thánh đường, tiểu Thánh đường.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các hộ gia đình người Chăm cũng tích cực tham gia đóng góp các nguồn kinh phí để lắp đặt bóng đèn đường, xây dựng hạ tầng thiết yếu; sửa chữa, nâng cấp tuyến lộ giao thông nông thôn, cầu nông thôn; gắn camera an ninh; làm vệ sinh môi trường...

Việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Chăm luôn được lãnh đạo các cấp, các ngành, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể quan tâm giúp đỡ phát huy nét đặc thù văn hóa một số làng Chăm, như: tại làng Chăm Hà Bao 2, xã Đa Phước, huyện An Phú đã thành lập Đội du thuyền Thanh niên Châu Đốc bằng đò máy chở khách theo tour du lịch văn hóa; hàng ngày có hơn 100 khách nước ngoài đến thăm làng Chăm Đa Phước, đi thăm nhà sàn của đồng bào Chăm, chiêm ngưỡng những kiến trúc nghệ thuật ở các Thánh đường Hồi giáo, thăm làng bè trên sông, mua hàng dệt và vật phẩm lưu niệm, làm du lịch văn hóa thêm khởi sắc.

Thực hiện chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp đã tạo điều kiện giúp đỡ Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo, các chức sắc và đồng bào Chăm trùng tu, sửa chữa Thánh đường, tiểu Thánh đường theo quy định của pháp luật trở thành các điểm thăm quan du lịch yêu thích của khách du lịch trong và ngoài nước.

Mặt trận và các tổ chức đoàn thể các cấp đã phối hợp với các cơ quan chức năng tạo điều kiện hướng dẫn, giúp đỡ cho Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh hoạt động có hiệu quả, định kỳ tổ chức các hội nghị bầu Ban Quản trị Thánh đường, tiểu Thánh đường một cách dân chủ, đoàn kết, hoạt động theo khuôn khổ pháp luật. Với phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”, các vị chức sắc đã tin tưởng vào chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, tích cực tuyên truyền cho tín đồ tinh thần yêu nước, đoàn kết gắn bó, đồng hành với cộng đồng các dân tộc, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Từ năm 2021 đến nay, Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang đã huy động được gần 20 tỷ đồng thực hiện công tác xã hội - từ thiện. Các hoạt động luôn được duy trì và phát triển, thể hiện rõ đường hướng “Vì đạo pháp, vì dân tộc”, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống với bà con nghèo như:

Sửa chữa, cất nhà Đại đoàn kết, nhà Tình thương, hỗ trợ học bổng cho sinh viên đại học, hỗ trợ dụng cụ học tập cho trẻ mồ côi và trẻ em nghèo, mua bảo hiểm y tế cho người già neo đơn, hỗ trợ vay vốn không lãi suất cho hộ kinh doanh nhỏ, cấp phát quà vào dịp Tết Nguyên đán, tích cực tham gia ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”.

Được sự hỗ trợ của Mặt trận tỉnh An Giang, Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh đã thành lập mô hình “Tương thân tương ái” hỗ trợ phụ nữ Chăm tham gia với 825 hội viên ở 5 xã (Khánh Hòa, Châu Phong, Đa Phước, Nhơn Hội, Quốc Thái) nhằm hỗ trợ chị em phụ nữ vay vốn phát triển nghề dệt khăn choàng, sarong, quần áo… nên nghề dệt Chăm đã có sự phục hồi và phát triển đem lại thu nhập, việc làm cho nhiều phụ nữ Chăm. Điển hình như cơ sở dệt của chị Ha Ky Mah, ấp Hà Bao 2, xã Đa Phước, từ nguồn vốn hỗ trợ, cơ sở của chị hiện đã có trị giá trên 500 triệu đồng và tạo việc làm cho nhiều phụ nữ dân tộc Chăm tại địa phương.

Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh đã khởi xướng phong trào bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu với phong trào “Ngày thứ 6 xanh” đã được các vị chức sắc, tín đồ triển khai hiệu quả ở nhiều Thánh đường, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, góp phần cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu và trở thành quy ước: Tất cả Thánh đường và tiểu Thánh đường phải được vệ sinh vào ngày thứ 6 hàng tuần; những tín đồ ở gần không được đi phương tiện xe máy đến hành lễ; hạn chế tối đa việc sử dụng nước khi hành lễ, mỗi chỗ lấy nước hành lễ phải ghi dòng chữ “Không lãng phí nước”; khi hành lễ ở các Thánh đường phải mở hết các cửa sổ, không mở đèn, không mở máy lạnh, không mở quạt, cấm hút thuốc khi vào Thánh đường.

Bà con tín đồ tích cực thực hiện mô hình “Xả chay xanh” trong tháng lễ Ramadan, bằng cách: Đầu tư dĩa, chén có thể phân hủy và tái sử dụng hoặc yêu cầu các tín đồ tự mang từ nhà, mang theo ly và chai nước của riêng. Tất cả những nơi hành lễ đều bố trí các thùng để phân loại rác tại nguồn. Mỗi Thánh đường và mỗi hộ gia đình đều có ký kết với xe rác công cộng để lấy rác, tránh xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Phụ nữ Chăm còn có ý thức sử dụng giỏ nhựa, túi vải đi chợ để hạn chế sử dụng túi nilon…

Ở các lớp học dạy giáo lý, giáo luật cho tín đồ, các chức sắc đã lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường. Trong phong trào bảo vệ an ninh, trật tự, nhiều chức sắc đã tích cực tuyên truyền, vận động tín đồ không nghe theo các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch chia rẽ đoàn kết nội bộ; tham gia giữ gìn cột mốc quốc gia.

Công tác xây dựng lực lượng chính trị trong cộng đồng người Chăm được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tỉnh rất quan tâm nên số lượng đảng viên, Ủy viên Hội đồng nhân dân, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ủy viên các tổ chức đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể là người Chăm ngày càng tăng cả số lượng và chất lượng.

Hằng năm, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các cấp chủ động đến thăm hỏi động viên và tặng quà cho Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo, các Thánh đường, các vị chức sắc, chức việc, người có uy tín tiêu biểu và hộ nghèo trên địa bàn tỉnh An Giang nhân các ngày lễ trọng như: Tháng Ramadan (tháng nhịn ăn), Tết Roya Haji, lễ Asura, lễ Tahplah, lễ Moulod... tạo sự gắn kết, tin tưởng giữa lãnh đạo của các cơ quan trong hệ thống chính trị với các chức sắc và tín đồ trong cộng đồng dân tộc Chăm.

Tuy nhiên hiện nay, việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Chăm vẫn là vùng chậm phát triển, các chương trình dự án đầu tư ở vùng dân tộc Chăm chưa nhiều, thiếu tính đặc thù, đội ngũ cán bộ đảng viên người dân tộc Chăm còn thiếu, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị vùng Chăm chưa cao.

Hiện vẫn còn nhiều hộ dân sống chủ yếu bằng nghề buôn bán nhỏ, nghề thủ công truyền thống, dịch vụ giản đơn hoặc lao động phổ thông và chăn nuôi gia đình nên việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với giải quyết việc làm gặp nhiều khó khăn. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc và tôn giáo của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị các cấp vùng đồng bào Chăm cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cộng đồng người Chăm các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, công tác tôn giáo, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; vận động đồng bào chấp hành pháp luật, tích cực thi đua lao động sản xuất, cải thiện đời sống, cảnh giác đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.

Hai là, tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Chăm trên cơ sở thực hiện các chương trình, dự án, phù hợp phong tục tập quán và phù hợp với từng nhóm đối tượng để từng bước cải thiện tập quán làm ăn cũ không phù hợp thay bằng phương thức sản xuất kinh tế hàng hóa; tạo điều kiện mở rộng và phát triển các sản phẩm truyền thống có giá trị trên thị trường.

Nghiên cứu phát triển các mô hình du lịch văn hóa, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm. Xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích các nghệ nhân; đào tạo bồi dưỡng nghệ nhân tham gia sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới bổ sung vào kho tàng văn hóa dân tộc Chăm hiện đang có chiều hướng bị mai một dần. Giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào thông qua các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể, tổ chức tốt các ngày lễ trọng của đạo Hồi, tạo đời sống tinh thần cho đồng bào. Định kỳ tổ chức hội nghị liên hoan hoặc hội thi văn hóa, văn nghệ quần chúng để người Chăm có dịp giao lưu tạo sự hiểu biết lẫn nhau góp phần nâng cao đời sống văn hóa trong cộng đồng dân tộc mình.

Ba là, tiếp tục thực hiện chương trình phát triển giáo dục nâng cao dân trí thực hiện tốt chính sách giáo dục trong vùng đồng bào Chăm, có kế hoạch cụ thể cho các trường phổ thông nơi có học sinh con em đồng bào Chăm được học chữ của dân tộc mình, khuyến khích các chức sắc tổ chức các lớp dạy chữ viết Chăm và tiếng nói, chữ viết Arập tại các Thánh đường, tiểu Thánh đường. Tăng cường vận động thanh niên dân tộc Chăm học nghề và có kế hoạch giải quyết việc làm cho thanh niên.

Bốn là, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể theo chức năng của mình tăng cường lựa chọn, xây dựng, bồi dưỡng, phát huy lực lượng nòng cốt trong chức sắc, chức việc và người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chăm.

Phát huy thế mạnh của Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo và vai trò của các Giáo cả tại các Thánh đường, tiểu Thánh đường, vận động tín đồ tích cực tham gia các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các cuộc vận động, các phong trào do Mặt trận và các tổ chức đoàn thể phát động, nhằm xây dựng thiết chế gia đình văn hóa gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng hương ước, quy ước theo hướng văn minh, tiến bộ trên cơ sở bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Chăm, từng bước giảm dần các tập tục làm cản trở quá trình hòa nhập vào xu thế phát triển chung của xã hội.

Nguyễn Thúy Quỳnh - Nghiên cứu sinh Viện Xã hội học và Phát triển,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-cham-lo-doi-song-vat-chat-tinh-than-dong-bao-cham-o-an-giang-54999.html