Nâng cao hiệu quả công tác điều trị nghiện ma túy
Những năm qua, các cơ sở điều trị nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn về công tác phòng, chống ma túy cho người nghiện đang điều trị, cai nghiện. Các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở quản lý chặt chẽ người nghiện ma túy; triển khai công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và thực hiện các chế độ đối với người nghiện đang chữa trị, cai nghiện tại các cơ sở.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 cơ sở điều trị nghiện ma túy, gần 3.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Công tác điều trị, cai nghiện ma túy đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Các cơ sở cai nghiện ma túy trong tỉnh thường xuyên rà soát, ban hành nội quy, quy chế, quy trình tiếp nhận, quản lý người nghiện, đảm bảo các bước tiếp nhận, quản lý đối với người nghiện, học viên đang cai nghiện, chữa bệnh tại các cơ sở. Người nghiện ma túy sau khi hết thời gian cai nghiện tại các cơ sở được bàn giao cho gia đình và chính quyền địa phương quản lý, theo dõi và giúp họ hòa nhập cộng đồng.
Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh đang quản lý, điều trị 1.861 học viên; trong đó 1.844 học viên cai nghiện bắt buộc, còn lại là tự nguyện. Từ đầu năm đến nay, cơ sở đã tổ chức khám cho 26.616 lượt học viên, điều trị bệnh thông thường cho 8.875 trường hợp, phát hiện và điều trị 8 học viên mắc bệnh lao. Tổ chức tuyên truyền Luật Phòng chống ma túy, tác hại của ma túy, HIV/AIDS, các bệnh nhiễm trùng cơ hội, các bệnh mãn tính dễ mắc và lây nhiễm khi cơ thể suy nhược, nhất là do sử dụng ma túy... cho 5.272 lượt học viên. Kết hợp việc học tập, lao động trị liệu với tư vấn và các hoạt động hằng ngày cho 28.198 lượt học viên; dạy học xóa mù chữ cho 59 học viên. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu việc làm cho 508 học viên hết thời gian điều trị trở về địa phương.
Là một trong những học viên thuộc diện cai nghiện bắt buộc từ tháng 2/2024 tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh, anh M.M.T, xã Song Pe, huyện Bắc Yên, chia sẻ: Tôi nghiện ma túy đã hơn 4 năm. Khi mới được đưa vào đây cai nghiện, tôi từng nghĩ sẽ tìm cách trốn ra ngoài. Được sự quan tâm, giúp đỡ của cán bộ Cơ sở, tôi yên tâm điều trị. Sau gần 4 tháng điều trị, sức khỏe đã được cải thiện; tinh thần thoải mái hơn và tham gia lao động.
Còn tại 13 cơ sở điều trị, 37 cơ sở cấp phát thuốc methadone và buprenorphine trên địa bàn tỉnh đang điều trị cho 1.045 người nghiện. Qua điều trị giúp hạn chế tình trạng sử dụng các chất dạng thuốc phiện, sức khỏe ổn định; giảm tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm người nghiện ma túy ra cộng đồng. Anh V. V. Đ, bản Nà Tòng, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, cho hay: Điều trị nghiện ma túy bằng thuốc methadone hằng ngày, tôi thấy sức khỏe đã tốt lên nhiều, đầu óc minh mẫn, hoạt bát hơn. Hiện nay, tôi đã có việc làm, cuộc sống đang dần ổn định.
Sốp Cộp là huyện biên giới của tỉnh, kinh tế còn nhiều khó khăn, tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp. Công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện luôn được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm, góp phần làm giảm tệ nạn ma túy trên địa bàn, hạn chế số người nghiện phát sinh; công tác đấu tranh, phòng chống ma túy đạt kết quả tích cực.
Bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, thông tin: Hiện nay, toàn huyện có 49 người nghiện có hồ sơ quản lý; trong đó, 6 người quản lý tại gia đình và cộng đồng, điều trị bằng thuốc methadone; còn lại là cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện. Hằng năm, huyện đã chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND các xã quan tâm tư vấn, giúp đỡ, tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn, giải quyết việc làm.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý người sau cai nghiện ma túy, các cơ quan chuyên môn, các huyện, thành phố trong tỉnh tăng cường tuyên truyền phòng, chống ma túy. Quan tâm tạo việc làm, hỗ trợ người nghiện học tập, đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tâm lý, giúp người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.