Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Công văn số 564-CV/TU (ngày 8-11-2022) về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố. Từ yêu cầu của Thường trực Thành ủy, các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị từ thành phố đến cơ sở tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến:
Chỉ đạo thực hiện phân cấp gắn liền với phân quyền

Để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng triệt để, hiệu quả, Quận ủy Ba Đình tăng cường chỉ đạo thực hiện phân cấp gắn liền với phân quyền và tăng cường trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp của các cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Ngoài ra, quận tập trung khắc phục những điểm còn tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của Thanh tra Chính phủ; thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương, thành phố về công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh:
Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, Huyện ủy Thường Tín tập trung chỉ đạo gắn công tác phòng, chống tham nhũng với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, các văn bản của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng... Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, các chương trình, kế hoạch của Thành ủy, UBND thành phố về công tác phòng, chống tham nhũng.

Đảng viên Trần Bích Liên, Bí thư Chi bộ số 7, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa:
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ năm về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh. Ngày 13-5 vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng do đồng chí Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng làm Trưởng ban. Điều này đã cho thấy quyết tâm và tầm quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng mà lãnh đạo thành phố đặt ra. Theo tôi, để nâng cao hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố nói chung, cần sớm hoàn thiện cơ chế, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; chú trọng đào tạo, tuyển dụng và xây dựng đội ngũ cán bộ có đức, có tài làm hạt nhân, động lực.

Đảng viên Nguyễn Thị Thanh Thanh, Chi bộ số 19, phường Thượng Thanh, quận Long Biên:
Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, theo tôi, cần đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng của một nhà nước pháp quyền. Bên cạnh đó, tôi rất mong thời gian tới lãnh đạo thành phố sẽ tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch trong mọi hoạt động, trước hết tập trung vào công tác quản lý nhà nước ở những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng như: Tài chính ngân sách, các dự án đầu tư công và tài sản công. Mặt khác, cần tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào các lĩnh vực nhà nước điều hành, quản trị doanh nghiệp, quản lý cán bộ. Thành phố cũng cần tối đa hóa việc ứng dụng điện tử vào công tác quản lý hành chính công.

Bà Nguyễn Thị Thơm, Khu đô thị Văn Quán, phường Văn Quán, quận Hà Đông:
Chính sách tiền lương cần có sự đột phá

Tham nhũng được thể hiện dưới rất nhiều dạng, tuy nhiên, tham nhũng về kinh tế là dạng tham nhũng phổ biến nhất, diễn ra trong mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, từ quan chức cấp trung ương xuống đến cơ sở. Theo tôi, để hạn chế tối đa tình trạng tham nhũng, trước tiên cần tập trung tuyển chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ tận tâm với công việc, bên cạnh đó chính sách tiền lương cần có sự đột phá nhằm bảo đảm cán bộ phải sống được và sống tốt bằng tiền lương để yên tâm công tác và không màng đến việc tham nhũng. Vì vậy, xây dựng chính sách tiền lương là yêu cầu bức thiết trước mắt và lâu dài; là giải pháp từ gốc để phòng, chống tham nhũng.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/1048175/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-phong-chong-tham-nhung