Nâng cao hiệu quả của hòa giải tại cơ sở

Hơn 5 năm kể từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, công tác tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hòa giải thành công hằng năm tăng, góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp. Thành công đó có được là do sự quan tâm của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và sự vào cuộc quyết liệt của đội ngũ hòa giải viên cơ sở trong việc giải quyết mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh.

Sân chơi bổ ích cho các hòa giải viên

Với mục đích nhân rộng những mô hình hòa giải hay, Ủy ban Nhân dân thành phố đã phát động cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019. Cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” được tổ chức nhằm mục đích nâng cao nhận thức của các hòa giải viên về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở.

Tiểu phẩm “Người mang ngọn lửa” của đội thi quận Hoàn Kiếm trong Sơ khảo Cụm 1 đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả.

Tiểu phẩm “Người mang ngọn lửa” của đội thi quận Hoàn Kiếm trong Sơ khảo Cụm 1 đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả.

Cùng đó tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về pháp luật hòa giải ở cơ sở, các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ, đời sống hàng ngày của người dân, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp của Thành phố trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Tham dự vòng Sơ khảo cụm 1 Hội thi “Hòa giải viên giỏi” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm nay, đội thi quận Hoàn Kiếm đã xuất sắc chinh phục Ban giám khảo và khán giả và mang lại giải Nhất cho mình bằng sự thể hiện xuất sắc tại 3 vòng thi.

Thông qua Hội thi, các hòa giải viên đã có thêm cơ hội học hỏi những kinh nghiệm từ công tác hòa giải tại các quận huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thông qua Hội thi, các hòa giải viên đã có thêm cơ hội học hỏi những kinh nghiệm từ công tác hòa giải tại các quận huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chia sẻ với phóng viên, bà Ngô Hồng Thủy - Trưởng phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội cho biết: “Để tham dự Hội thi “Hòa giải viên giỏi” trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2019, chúng tôi đã phải thay đổi kịch bản đến 3 lần mới cảm thấy hài lòng. Tiểu phẩm “Người mang ngọn lửa” được lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật ở phường Phúc Tân, chúng tôi đã sân khấu hóa câu chuyện đó thật gần gũi và đưa tới cho khán giả.

Năm nay cũng là năm chủ đề bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em nên chúng tôi gắn với chủ đề phụ nữ và trẻ em để xây dựng lên tiểu phẩm này, gắn với nhà tạm lánh là nơi tạm thời lánh cho những người bị bạo lực. Kết quả là chúng tôi lấy được rất nhiều nước mắt của khán giả cũng như sự đánh giá cao của Ban giám khảo cuộc thi.”

Nói về cảm xúc khi tham dự sơ khảo cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm nay, bà Phùng Thị Thu Hằng - Hòa giải viên ở thôn Dương Xá, xã Dương Xá (huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội) cho hay: “Bản thân tôi được phân công tham gia cuộc thi hòa giải viên giỏi của thành phố Hà Nội, tôi rất vui và vinh dự bởi tham dự cuộc thi tôi được học hỏi rất nhiều cách làm hay từ các hòa giải viên của các quận huyện.

Từ đó giúp cho công tác hòa giải của bản thân nói riêng và toàn huyện Gia Lâm có bước chuyển biến tích cực hơn.” Cùng đó, hòa giải viên Phùng Thị Thu Hằng cũng bày tỏ mong muốn Sở Tư pháp Hà Nội thường xuyên tổ chức các cuộc thi hữu ích như Hội thi “Hòa giải viên giỏi” để đội ngũ hòa giải viên ở các quận huyện có cơ hội tham gia giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng phát triển, giải quyết được nhiều hơn những mâu thuẫn phát sinh khi còn trong trứng nước.”

Theo kế hoạch, cuộc thi sẽ được tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa tới 30/30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố. Vòng Sơ khảo dự kiến sẽ tổ chức trong quý III-2019 với 3 cụm thi.

Cụm 1 gồm các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hà Đông, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn. Cụm 2 gồm các quận, huyện: Hoàng Mai, Long Biên, Đống Đa, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Chương Mỹ. Cụm 3 gồm các quận, huyện, thị xã: Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Sơn Tây, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, Ba Vì, Quốc Oai, Phúc Thọ.

Mỗi cụm sẽ chọn 3 đội thi xuất sắc nhất tham dự vòng Chung khảo cấp Thành phố (tổ chức vào quý IV/2019). Ban tổ chức có thể quyết định lựa chọn thêm không quá 1 đội có thành tích tốt trong số 3 cụm thi sơ khảo vào vòng chung khảo.

Các cuộc thi được tổ chức không chỉ là cơ hội để các hòa giải viên trau dồi, chia sẻ những kiến thức kỹ năng hữu ích trong công tác hòa giải mà còn để lại những tình cảm đẹp, khó quên trong lòng các hòa giải viên, giúp các hòa giải viên thêm tự hào về công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải tại cơ sở

Theo số liệu của Sở Tư pháp Hà Nội, kể từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, công tác tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện trên địa bàn thành phố có 5.444 tổ hòa giải với 35.053 hòa giải viên, trong 5 năm (2014 - 2018) tiếp nhận 42.642 vụ việc, kết quả hòa giải thành 34.295 vụ việc, đạt tỷ lệ trên 80%.

Với ưu điểm của hòa giải là linh hoạt về thủ tục, tính thân mật trong giao tiếp, ứng xử trong đó thành phần tổ hòa giải ở cơ sở gồm Trưởng ban Công tác mặt trận, trưởng thôn, trưởng các ngành, đoàn thể thôn, người có uy tín, trách nhiệm, nhiệt tình trong nhân dân bởi vậy dễ bám sát với cuộc sống của người dân sinh sống trên địa bàn.

Những hòa giải viên đa phần có hiểu biết về pháp luật, hiểu biết về xã hội, họ là những người có uy tín ở cộng đồng dân cư qua đó nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp đã được hòa giải kịp thời.

Theo bà Hồ Xuân Hương – Phó Giám đốc Sở Tư pháp, trong những năm qua Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, chính quyền cấp cơ sở từ cấp huyện đến cấp xã ngày càng quan tâm hơn công tác hòa giải, tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô ngày càng ổn định. Cùng với đó, vị trí vai trò của các tổ hòa giải, hòa giải viên trong đời sống xã hội ngày càng được khẳng định và được đón nhận rộng rãi trong cộng đồng dân cư. Chất lượng của các tổ hòa giải ngày càng được nâng cao nhờ khâu lựa chọn các hòa giải viên được chú trọng về năng lực, uy tín đã phát huy được nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo hiệu quả.

Nhiều mô hình hay trong công tác hòa giải ở cơ sở được thực hiện đặc biệt là mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã phát huy hiệu quả tích cực. Mạng lưới tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn thường xuyên và việc tổ chức bầu hòa giải viên được đa số các xã, phường, thị trấn thực hiện theo quy định của Luật hòa giải cơ sở. Hiện, thành phố Hà Nội có 5.444 tổ hòa giải với 35.053 hòa giải viên với 2.591 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” đang hoạt động và đưa lại hiệu quả tích cực.”

Bên cạnh mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” thì trên địa bàn thành phố Hà Nội, các cấp, các ngành cũng tích cực phối hợp nhiều mô hình hay để tuyên truyền pháp luật cũng như đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở, các biện pháp hòa giải bạo lực gia đình. Cụ thể, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố với mô hình “Nhóm nòng cốt”, Hội Nông dân Thành phố với mô hình “Câu lạc bộ nông dân với pháp luật”, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố với mô hình “Câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật”, “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”- Bà Hương chia sẻ thêm.

Qua việc triển khai mô hình hòa giải, công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo nên phong trào thi đua trong các quận, huyện. Tiêu biểu như tại quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm hầu hết các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật nhỏ chưa đáng xử lý bằng hình sự, hành chính trên địa bàn dân cư đều được các tổ hòa giải phát hiện kịp thời và tập trung giải quyết ngay tại cơ sở, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Lương Hằng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nang-cao-hieu-qua-cua-hoa-giai-tai-co-so-96509.html