Nâng cao hiệu quả của trung tâm chính trị cấp huyện ở Hà Tĩnh
Sau hơn 4 năm thực hiện Quy định 208-QĐ/TW ngày 8/9/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về 'Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy trung tâm chính trị cấp huyện', hoạt động của trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Hiệu quả bước đầu từ thực hiện Quy định 208-QĐ/TW
Hà Tĩnh hiện có 13 trung tâm chính trị cấp huyện. Xác định vai trò quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho cơ sở, thời gian qua, các trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khá tốt chức năng, nhiệm vụ.
Qua đó, góp phần vào việc nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên tại cơ sở; thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, mặt trận và các tổ chức đoàn thể.
Từ năm 2019 đến nay, các trung tâm đã mở được 4.977 lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn với 641.474 lượt người học.
Đặc biệt, từ khi Quy định 208-QĐ/TW ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các trung tâm. Theo đó, thay vì trực thuộc cấp ủy và UBND cấp huyện, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ cấp ủy cấp huyện như trước đây, Quy định 208-QĐ/TW nêu rõ, trung tâm chính trị cấp huyện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy cấp huyện, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ cấp ủy cấp huyện. Trưởng ban tuyên giáo cấp ủy cấp huyện là giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện theo chế độ kiêm nhiệm.
Phó Giám đốc Trung tâm chính trị TP Hà Tĩnh Vũ Văn Hằng cho biết: “Được tập trung về một đầu mối do cấp ủy cấp huyện trực tiếp lãnh đạo đã giúp trung tâm phát huy hiệu quả hoạt động. Giám đốc trung tâm chính trị thực hiện chế độ kiêm nhiệm đã góp phần tinh giản bộ máy, giảm được khâu trung gian; các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy được trung tâm chính trị triển khai kịp thời hơn, bám sát nhiệm vụ chính trị”.
Quy định 208-QĐ/TW cũng quy định rõ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và gắn trách nhiệm cụ thể đã góp phần ổn định tổ chức bộ máy, thuận lợi trong bố trí cán bộ. Điều này cũng giúp các trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các nhóm đối tượng.
Việc bổ sung một số nhiệm vụ mới như tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ địa phương; tham gia phối hợp trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học đã giúp cho hoạt động của các trung tâm ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên ở địa phương.
Vướng mắc cần tháo gỡ
Quá trình triển khai Quy định 208-QĐ/TW ở các trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đang bộc lộ một số vướng mắc từ thực tiễn cơ sở.
Theo Quy định 208-QĐ/TW, biên chế trung tâm từ 4 - 6 người, thuộc biên chế của các cơ quan đảng; do ban thường vụ cấp ủy cấp huyện xem xét, quyết định trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ, tổng số dân và cán bộ, đảng viên trên địa bàn. Tuy nhiên, hầu hết các trung tâm chính trị trên địa bàn đều đang thiếu biên chế, chỉ dao động 2 - 3 biên chế.
Biên chế thiếu, giảng viên chuyên trách ít đồng nghĩa với việc thao giảng, dự giờ, sinh hoạt chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo rất khó thực hiện. Việc phát huy đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm cũng gặp không ít khó khăn bởi lịch giảng dạy bị động, phụ thuộc lịch công tác.
Không những vậy, Quy định 208-QĐ/TW chỉ quy định tổ chức bộ máy gồm giám đốc, các phó giám đốc và giảng viên chuyên trách, kiêm nhiệm mà không có bộ phận hành chính, kế toán.
Phó Giám đốc Trung tâm chính trị huyện Hương Sơn Trần Thị Thu Dung cho hay, trung tâm chính trị cấp huyện thực chất hoạt động như một trường chính trị thu nhỏ; có khai giảng, bế giảng, tổ chức đánh giá kết quả… nhưng không có bộ phận hành chính, kế toán. Bởi vậy, giảng viên chuyên trách không chỉ đảm nhiệm việc giảng dạy, chủ nhiệm mà còn kiêm luôn cả giáo vụ.
Cùng quan điểm trên, Phó Giám đốc Trung tâm chính trị huyện Lộc Hà Nguyễn Thị Hương Trà cho rằng, một lúc gánh nhiều vai, giáo viên chuyên trách, thậm chí Phó giám đốc Trung tâm cũng quá tải trong thực hiện nhiệm vụ. Hơn nữa, nội dung đào tạo, bồi dưỡng nhiều, mặc dù còn có đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm nhưng giảng viên chuyên trách ít nên để phát huy tối đa hiệu quả là điều không hề dễ. Bên cạnh đó, còn có một số hướng dẫn của Trung ương còn đang chồng chéo trong việc mở lớp.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy định 208-QĐ/TW, nhiều ý kiến từ các trung tâm chính trị cấp huyện cho rằng, Trung ương cần sớm nghiên cứu, bổ sung quy định tổ chức bộ máy của trung tâm, cần có thêm cán bộ hành chính, kế toán. Đồng thời, kịp thời ban hành hướng dẫn về sử dụng kinh phí đào tạo và việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trung tâm chính trị.
Ngoài ra, cần có sự thống nhất trong phân cấp xây dựng, ban hành hướng dẫn thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên.
Trao đổi thêm về nội dung này, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Văn Khánh chia sẻ: Nội dung Quy định 208-QĐ/TW thể hiện rõ, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm chính trị cấp huyện, quy định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của ban giám đốc và giảng viên trung tâm. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy định 208-QĐ/TW, nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm chính trị cấp huyện, Trung ương cần sớm ban hành quy định cụ thể về tiêu chí trung tâm chính trị cấp huyện chuẩn và quy trình công nhận.
"Thời gian tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ tiếp tục phối hợp các địa phương, đơn vị trong việc nâng cao chất lượng hoạt động trung tâm chính trị cấp huyện. Đặc biệt là việc thực hiện các quy định của trung ương và văn bản lãnh đạo chỉ đạo của tỉnh, trong đó có Đề án số 1080-ĐA/TU ngày 23/12/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng toàn diện Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trong tình hình mới” - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Văn Khánh nói thêm.