Nâng cao hiệu quả dạy và học các nội dung giáo dục địa phương trong trường học

Cùng với các môn học khác, việc đưa tài liệu giáo dục địa phương (GDĐP) vào các trường học, cấp học trên địa bàn tỉnh được đánh giá có ý nghĩa và tầm quan trọng góp phần nâng cao hiểu biết về lịch sử, văn hóa; giáo dục những giá trị sống tốt đẹp của quê hương, đất nước cho học sinh, đồng thời tăng cường khả năng lồng ghép, tích hợp kiến thức của giáo viên. Tùy theo từng cấp học, nội dung tài liệu GDĐP được xây dựng phù hợp, đáp ứng yêu cầu tìm hiểu và vận dụng của học sinh.

Cùng với các môn học khác, việc đưa tài liệu giáo dục địa phương (GDĐP) vào các trường học, cấp học trên địa bàn tỉnh được đánh giá có ý nghĩa và tầm quan trọng góp phần nâng cao hiểu biết về lịch sử, văn hóa; giáo dục những giá trị sống tốt đẹp của quê hương, đất nước cho học sinh, đồng thời tăng cường khả năng lồng ghép, tích hợp kiến thức của giáo viên. Tùy theo từng cấp học, nội dung tài liệu GDĐP được xây dựng phù hợp, đáp ứng yêu cầu tìm hiểu và vận dụng của học sinh.

Trên thực tế, Hà Nam là vùng đất cổ, có cội nguồn văn minh lúa nước lâu đời và nền văn hóa dân gian đặc sắc. Để tăng cường công tác giáo dục truyền thống lịch sử và văn hóa, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh và toàn xã hội hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương; xây dựng kế hoạch giáo dục di sản văn hóa và tổ chức các hoạt động giáo dục với di sản văn hóa. Việc sử dụng di sản văn hóa trong tổ chức dạy học ở trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện bài bản, từng bước nâng cao chất lượng.

Bà Lê Thị Kim Dung, chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học – Giáo dục thường xuyên (Sở GD&ĐT) cho biết: Trong những năm qua, việc tổ chức biên soạn bộ tài liệu GDĐP của tỉnh bảo đảm có hệ thống tư liệu chính xác, đầy đủ về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa xã hội và lịch sử. Bộ tài liệu là hệ thống tư liệu chủ yếu và hữu ích đối với việc tổ chức dạy học các môn học và nội dung có liên quan. Theo đó, di sản văn hóa tại địa phương được tìm hiểu, chăm sóc và góp phần bảo tồn bởi các thầy cô giáo và các em học sinh qua các hình thức tổ chức phong phú, như: lồng ghép, tích hợp nội dung dạy học di sản văn hóa vào các môn học, hoạt động giáo dục; tổ chức hoạt động ngoại khóa, chương trình ngoài giờ lên lớp, các tiết chào cờ, sinh hoạt tập thể… để học sinh tham quan, tìm hiểu học tập và trải nghiệm, tọa đàm về giá trị các di sản văn hóa tại địa phương; thành lập các câu lạc bộ để tuyên truyền, lưu giữ và bảo tồn các giá trị lịch sử và văn hóa của các di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể. Hơn thế, di sản văn hóa địa phương còn được tìm hiểu và trở thành đề tài đạt kết quả cao trong các cuộc thi, vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn, dạy và học tích hợp, tham gia thi khoa học kĩ thuật. Qua những hoạt động này, học sinh được bồi đắp tình yêu, niềm tự hào với truyền thống văn hóa, lịch sử và tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy những di sản văn hóa của quê hương.

Các em học sinh Trường THCS Trung Lương (Bình Lục) tham quan Từ đường Nguyễn Khuyến. Ảnh: Hà Trần

Năm học 2022- 2023, thực hiện sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT, việc thực hiện dạy học tài liệu GDĐP tiếp tục được Trường THPT Lý Nhân triển khai có nền nếp. Kế hoạch tổ chức giảng dạy tài liệu GDĐP được nhà trường xây dựng từ đầu mỗi năm học, có xác định rõ mục tiêu đối với từng môn học, từng khối lớp. Cô giáo Lê Thị Lan, giáo viên bộ môn Lịch sử của Trường THPT Lý Nhân cho biết: Trên cơ sở những mục tiêu đó, nhà trường hướng tới việc cung cấp các kiến thức nền về văn hóa, lịch sử, địa lý, phong tục, tập quán của đất và người Hà Nam để qua đó bồi đắp cho các em niềm tự hào quê hương, nâng cao ý thức học tập, rèn luyện tốt. Mặc dù các nội dung của tài liệu GDĐP và dung lượng các tiết học các chủ đề của tài liệu liên quan tới các môn học cấp THPT không nhiều, nhưng giáo viên đều tự cân đối để tích hợp, giới thiệu các nội dung giúp học sinh không chỉ được cung cấp thêm các tư liệu lịch sử ngoài sách giáo khoa, mà còn tăng cường khả năng tự vận dụng, liên hệ thực tế khi gặp những câu hỏi, đề thi, kiểm tra có phần kiến thức phân hóa.

Được biết thêm, căn cứ vào đặc điểm của từng môn học được quy định lồng ghép nội dung GDĐP, giáo viên của nhà trường đã thể hiện tốt tính chủ động trong việc sưu tầm tư liệu, nghiên cứu và tổ chức sinh động các hoạt động giáo dục và sáng tạo trong lồng ghép các nội dung môn học chính khóa với các kĩ thuật dạy học tích cực. Trong đó, ngoài những hoạt động ngoại khóa, học sinh còn được tiếp cận có chủ đích, tạo hiệu ứng giáo dục cao các nội dung GDĐP qua việc được tham gia nhiều hoạt động nội khóa như: đóng kịch, sân khấu hóa, các trò chơi… Ở nhiều lớp học, học sinh còn được tự quan sát, tự xây dựng kịch bản và tổ chức một chương trình xung quanh chủ đề có trong nội dung tìm hiểu. Với mục tiêu đổi mới giáo dục hiện nay, đây chính là một trong những phương pháp giáo dục tích cực giúp hình thành và phát triển tư duy, năng lực thực hành cho học sinh.

Ở cấp tiểu học, qua tài liệu GDĐP, học sinh cũng được tiếp cận và tìm hiểu khá nhiều nội dung về văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương, như: các lễ hội, loại hình nghệ thuật truyền thống; truyền thống quê hương; phong tục, tập quán địa phương; xây dựng nếp sống văn minh, tôn trọng kỉ cương, pháp luật; về các danh nhân văn hóa, di tích lịch sử, bảo tàng, lịch sử hình thành và phát triển của địa phương cùng các chủ đề địa lý, kinh tế, chính trị - xã hội, môi trường của địa phương. Các nội dung GDĐP được tích hợp trong hoạt động trải nghiệm và trong dạy học các môn học: Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Toán, Lịch sử và Địa lý... ở từng lớp cấp tiểu học và phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Có thể thấy, tài liệu GDĐP là nguồn cung cấp chất liệu để xây dựng nội dung dạy học tại một số môn học trong nhà trường giúp quá trình học tập trở nên hấp dẫn, hứng thú hơn với người học, đồng thời là sợi dây gắn kết trách nhiệm, tình cảm của nhà trường, gia đình và xã hội. Sự phong phú, đa dạng của các hình thức tổ chức dạy học theo nội dung của tài liệu GDĐP góp phần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh. Giáo viên được tiếp cận và có điều kiện thuận lợi hơn để sử dụng các phương pháp dạy học tích cực. Tuy vậy, việc chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác giáo dục qua tài liệu GDĐP, thực địa của một số cơ sở giáo dục vẫn còn hạn chế; nội dung tích hợp, sử dụng tài liệu GDĐP trong dạy học tại một số đơn vị còn hình thức, thiếu hiệu quả…

Để phát huy giá trị của tài liệu GDĐP trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, ngành giáo dục xác định tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh và cộng đồng về vai trò, ý nghĩa sử dụng các nội dung của tài liệu trong dạy học ở trường phổ thông; tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn để tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên vận dụng một cách sáng tạo việc sử dụng tài liệu trong dạy học. Tăng cường biên soạn và bổ sung các tài liệu, các băng đĩa, các tiết dạy minh họa để giáo viên, học sinh tham khảo; tổ chức tập huấn chuyên môn về phương pháp, hình thức sử dụng, khai thác tài liệu trong dạy học. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị căn cứ điều kiện cụ thể, xây dựng chương trình giáo dục nhà trường có nội dung và thời lượng phù hợp bảo đảm thực hiện hiệu quả việc giáo dục, tích hợp, lồng ghép các nội dung môn học có liên quan đến di sản văn hóa địa phương và có biện pháp phát huy tối đa giá trị của các tài liệu này trong thực tế mỗi nhà trường.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/nang-cao-hieu-qua-day-va-hoc-cac-noi-dung-giao-duc-dia-phuong-trong-truong-hoc-85685.html