Nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáoBài 2: Linh hoạt đối thoại, vận dụng chính sách có lợi nhất cho người dânBÀI 1: Bắt đầu từ công tác tiếp dân

Bài 2: Linh hoạt đối thoại, vận dụng chính sách có lợi nhất cho người dân

BÀI 1: Bắt đầu từ công tác tiếp dân

Để nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền và cơ quan chuyên trách tiếp công dân cần có sự quan tâm đúng mức, kịp thời đề ra các giải pháp tháo gỡ những hạn chế, bất cập còn tồn tại, nhằm giải quyết thỏa đáng nguyện vọng của người dân trên cơ sở quy định pháp luật.

PHÁT HUY VAI TRÒ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, thời gian tới, để công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo khắc phục những hạn chế còn tồn tại, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước góp phần đảm bảo ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 35 ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị; Quy định 11 ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị; Chỉ thị 01 ngày 7-11-2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị 05 ngày 21-2-2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Đội ngũ cán bộ, viên chức nhà nước được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao phó.

Đội ngũ cán bộ, viên chức nhà nước được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao phó.

Nhất là phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp, các ngành; chú trọng công tác tiếp người dân thường xuyên, định kỳ, đột xuất; tăng cường trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với người dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân gắn giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh ngay từ cơ sở. Đặc biệt là chú trọng công tác hòa giải ở cơ sở để hạn chế phát sinh “điểm nóng”, kịp thời giải thích, hướng dẫn cho người dân hiểu rõ, cũng như giải quyết các vụ việc thỏa đáng, đúng pháp luật.

Cùng với đó, cần tập trung giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo mới phát sinh. Điều đó đòi hỏi các cấp, các ngành thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo, tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đạt trên 85% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Song song đó, cần tuân thủ quy định về đối thoại, phát huy tối đa hiệu quả việc gặp gỡ, tiếp xúc, đặc biệt là đối với các vụ, việc khiếu nại đông người; đề cao vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với công tác này…

Thực tế cho thấy, công tác tiếp công dân thời gian qua cũng bộc lộ một số điểm bất cập trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo như: Trình độ, năng lực của cán bộ phụ trách công tác tiếp công dân còn hạn chế; một số đơn vị chưa duy trì lịch tiếp người dân thường xuyên; một số ít cán bộ, lãnh đạo chưa tổ chức tốt việc tiếp người dân, ngại gặp và đối thoại với dân.

Qua khảo sát tại các địa điểm tiếp công dân các cấp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cho thấy, một số cơ quan còn bị động, lúng túng trong việc phát hiện và đề xuất xử lý các bất cập, vướng mắc về chính sách, thủ tục hành chính. Số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi vượt cấp và gửi trùng lặp còn nhiều, phần lớn do tâm lý muốn gửi nhiều cơ quan để được cấp trên quan tâm chỉ đạo, tác động cấp dưới sớm xem xét giải quyết.

Bên cạnh đó, việc xử lý đơn bằng hình thức “chuyển” còn thực hiện nhiều, trong khi hình thức “trả đơn và hướng dẫn gửi đúng cơ quan có thẩm quyền” ít được thực hiện. Một số vụ việc giải quyết chưa đảm bảo quy định của pháp luật về thời hạn, trình tự, thủ tục. Một số người khiếu nại, tố cáo không chấp hành quyết định, kết luận giải quyết đã có hiệu lực pháp luật, thường xuyên khiếu nại, tố cáo còn kéo dài. Đó là những vấn đề cần được xem xét và khắc phục kịp thời.

Theo kinh nghiệm của nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng, trong công tác tiếp dân, người đứng đầu phải trực tiếp tiếp người dân, không nên ủy quyền cho cấp phó, đảm bảo có hiệu quả, tránh hình thức; việc tiếp dân của thủ trưởng các cấp, các ngành phải gắn với việc giải quyết công việc cụ thể; kịp thời giải quyết những vụ việc dứt điểm ngay từ ban đầu.

Ngoài ra, cần chú trọng kiểm tra công tác tiếp dân của các cơ quan chuyên trách, nhằm nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp người dân, nhất là trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu, đảm bảo đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật. Trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo phải kiên trì giáo dục, vận động, thuyết phục là chính và chú trọng giải quyết từ cơ sở. Đồng thời, trong quá trình xử lý, cần nghiên cứu, vận dụng linh hoạt áp dụng hỗ trợ khó khăn như là cơ chế mềm theo gợi ý của các cơ quan giải quyết khiếu kiện khi thấy đủ điều kiện cho phép.

THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP

Hiệu quả của hoạt động tiếp dân phụ thuộc phần lớn vào văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức. Đó là khả năng truyền đạt, giảng giải, thuyết phục, phong cách chuẩn mực của cán bộ, công chức đối với người dân. Đây vừa là yêu cầu, vừa là thách thức đặt ra đối với cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ.

Trong nhiều tiết giảng về chuyên đề Kỹ năng tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ở cơ sở, giảng viên Trường Chính trị Tiền Giang cho rằng: Cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân trước hết cần phải có kỹ năng lắng nghe. Đây là một kỹ năng quan trọng của quá trình tiếp công dân, vì đây là một tiến trình nhận thức toàn bộ những tín hiệu đối tượng thể hiện, đưa ra thông tin một cách có ý thức và cả những gì họ chưa hiểu, hoặc đã nói ra, không nói ra; giải thích, hướng dẫn giúp cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh biết cách thực hiện quyền hoặc giải quyết những vấn đề của họ phù hợp với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội.

Người dân tham dự buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật. Ảnh: LÝ OANH

Người dân tham dự buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật. Ảnh: LÝ OANH

Theo đồng chí Trần Huy Cường, Công chức tiếp công dân TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân cho thấy, người dân khi đến Trụ sở tiếp công dân không phải ai cũng có thái độ đúng mực, nghiêm túc, bình tĩnh, thiện chí. Cán bộ tiếp người dân nên chia sẻ lòng mình với người dân, hiểu người dân không chỉ là câu chữ bên ngoài, mà còn là cảm xúc sâu thẳm bên trong; không nên phán đoán, mà lắng nghe để đồng cảm.

Thực tế, không ít người mang tâm lý bức xúc ở nơi khác đến “trút giận” lên cán bộ làm nhiệm vụ tiếp người dân nếu như kết quả giải quyết không như mong đợi. Vì vậy, cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân cần bình tĩnh, kiên nhẫn lắng nghe, đồng cảm với bức xúc của người dân. Chẳng hạn, đối với một số vụ việc đã có kết luận của cơ quan chức năng, nhưng người dân không đồng ý và tiếp tục khiếu nại, khi đó, cán bộ phụ trách công tác tiếp dân có thể ghi nhận ý kiến của người dân; đồng thời, giải thích cho người dân rõ cơ sở pháp lý cụ thể của cơ quan chức năng khi đưa ra kết luận.

Đồng thời, cán bộ, công chức tiếp dân phải có phẩm chất tốt “cần, kiệm liêm, chính, chí công vô tư”. Một mặt, cán bộ, công chức tiếp dân vừa thể hiện là người “đại diện chính quyền trước dân chúng”; mặt khác, vừa phải thỏa mãn các yêu cầu của người đi “gõ cửa công quyền”. Thông qua đó, cán bộ, công chức tiếp dân là cầu nối tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Khi người dân hiểu đúng, hiểu đủ và thông suốt về quy định pháp luật thì sẽ không đi khiếu kiện, khiếu nại, gây mất an ninh trật tự.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện của người dân. Vì vậy, cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở cần có sự tập trung cao, phối hợp đồng bộ trong việc lãnh, chỉ đạo điều hành, nhất là các ngành, địa phương cần tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo bằng các hình thức phong phú, thiết thực, gắn với từng đối tượng cụ thể, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, hạn chế việc gửi đơn trùng lặp, vượt cấp, không đúng thẩm quyền. Ngoài ra, cần quan tâm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc trong việc thể hiện rõ sứ mệnh của Đảng “ngoài lợi ích của nhân dân thì Đảng ta không còn lợi ích nào khác”, thực hiện đúng với quan điểm “lấy dân làm gốc”. Từ đó giúp cho cơ quan chuyên trách nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, kịp thời giải quyết những bức xúc của người dân. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương.

GIA TUỆ - LÊ NGUYÊN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202405/hoc-tap-va-lam-theo-bac-lay-dan-lam-goc-nang-cao-hieu-qua-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-1011869/