NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Giám sát là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng nhân dân (HĐND) đã được Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định. Việc thực hiện chức năng giám sát của HĐND, nhất là hoạt động giám sát chuyên đề có ý nghĩa quan trọng, thể hiện vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

Giám sát chuyên đề của HĐND lần đầu tiên được quy định chính thức tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 , là một trong năm hoạt động giám sát của HĐND, là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá vấn đề hoặc hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật.

Hoạt động giám sát nhằm mục đích bảo đảm cho Hiến pháp và pháp luật của nhà nước được thực hiện đúng đắn, thống nhất và hiệu quả; nhằm phát hiện những sai phạm, hạn chế, thiếu sót, qua đó có biện pháp xử lý, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương. Hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay chất lượng không ngừng được nâng lên, từ đó góp phần nâng cao vị thế và vai trò của cơ quan dân cử, tạo được niềm tin đối với cử tri và Nhân dân. Hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND được thực hiện chủ yếu trên cơ sở Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nghiên cứu về nội dung này, TS. Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho biết, hình thức giám sát chuyên đề là tổ chức các Đoàn giám sát để tiến hành giám sát trực tiếp việc thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật của các cơ quan hữu quan ở địa phương. Việc tổ chức Đoàn giám sát được thực hiện theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Các văn bản này quy định khá cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, cách thức tổ chức cũng như nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Đoàn giám sát.

TS. Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

TS. Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Báo cáo giám sát chuyên đề được xem xét, thảo luận, ban hành theo nguyên tắc làm việc tập thể và quyết định theo đa số trong Đoàn giám sát, các cơ quan ra nghị quyết tổ chức đoàn giám sát. Việc ban hành nghị quyết giám sát chuyên đề làm căn cứ để các cơ quan hữu quan hoàn thiện chương trình công tác, kịp thời sửa đổi, bổ sung, củng cố, kiện toàn cho phù hợp với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, nhất là trong việc đề ra các giải pháp và tổ chức thực hiện các giải pháp để khắc phục những hạn chế, thiếu sót, yếu kém, vi phạm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đồng thời cũng giúp Hội đồng nhân dân có điều kiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp quy ở địa phương.

Trên thực tế, vẫn có sự giao thoa trong tổ chức và tiến hành hoạt động của đoàn giám sát và đoàn khảo sát để thu thập, nắm bắt thông tin… Do đó, thủ tục, trình tự tiến hành, thẩm quyền cũng như hậu quả pháp lý thường không rõ ràng và có sự nhầm lẫn. Kết quả giám sát chuyên đề của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân chưa được Hội đồng nhân dân bố trí thời gian để xem xét, thảo luận, cho ý kiến, định hướng hoạt động tiếp theo. Mặt khác, do không có sự liên kết giữa giám sát chuyên đề với các hình thức giám sát khác nên hiệu quả giám sát chuyên đề không được như mong muốn.

Điều đáng lưu ý là, trong một số trường hợp chuyên đề giám sát có nội dung chuyên môn sâu, phạm vi rộng, phức tạp, nhạy cảm, trong khi thời gian và nguồn nhân lực thực hiện còn hạn chế. Việc huy động các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, hoạt động thực tiễn có chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm tham gia đoàn giám sát còn rất hạn chế, do thiếu cơ chế khả thi,…

Từ thực tế địa phương, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Bùi Văn Hoàng cho rằng, hiện nay hoạt động giám sát nói chung và giám sát chuyên đề nói riêng của HĐND còn gặp một số khó khăn như: Thiếu những quy định cụ thể về quyền hạn của các cơ quan, tổ chức cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm của đối tượng được giám sát, thành viên Đoàn giám sát; việc thu thập thông tin phục vụ cho hoạt động giám sát của các thành viên Ban còn hạn chế, tính độc lập của thông tin chưa cao, chủ yếu thông qua các báo cáo của các đơn vị chịu sự giám sát… Trước đòi hỏi ngày càng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND, cần phải tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan để hoạt động giám sát của HĐND để HĐND thực sự xứng đáng là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Bùi Văn Hoàng

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Bùi Văn Hoàng

Đưa ra kiến nghị, TS.Nguyễn Đình Quyền cho rằng, các hoạt động của đoàn giám sát phải bảo đảm nguyên tắc hoạt động của HĐND và không làm thay đổi hoặc can thiệp vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan hữu quan; không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng chịu sự giám sát.

Hậu quả pháp lý về hoạt động của đoàn giám sát được xem xét, thảo luận, quyết định bởi các cơ quan đã ra nghị quyết thành lập đoàn giám sát là HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND. Giám sất chuyên đề phải được thực hiện theo chương trình, kế hoạch, trong trường hợp cần thiết cần phải tiến hành đột xuất thì phải bảo đảm nguyên tắc làm việc tập thể và quyết định theo đa số trong hoạt động của chủ thể ra quyết định giám sát, phải được tổ chức bài bản theo một quy trình thống nhất có mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng, phạm vi, thời gian, tiến độ,… Mỗi hoạt động giám sát, mỗi khâu trong quy trình giám sát chuyên đề đều phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, toàn diện về mọi mặt.

Ngoài ra, TS.Nguyễn Đình Quyền cũng lưu ý, giám sát chuyên đề cần được HĐND, Thường trực HĐND bố trí thời gian để nghe báo cáo về kết quả giám sát, thảo luận và ban hành nghị quyết về giám sát chuyên đề, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả kiểm soát quyền lực của phương thức giám sát này.

Nêu giải pháp hoàn thiện, nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát chuyên đề, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Bùi Văn Hoàng nhấn mạnh, các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động cũng như các điều kiện đảm bảo thực hiện hoạt động cần được quy định một cách khách quan, phù hợp với thực tiễn. Cụ thể: đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, xem xét ban hành Quy chế mẫu hướng dẫn tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp để tạo sự thống nhất và khắc phục được những vướng mắc, tồn tại trong tổ chức và hoạt động của HĐND.

Giám sát chuyên đề của HĐND

Giám sát chuyên đề của HĐND

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Bùi Văn Hoàng cũng đề nghị, Quốc hội nghiên cứu, xem xét việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 cho phù hợp với thực tiễn theo hướng tăng số lượng các đại biểu hoạt động chuyên trách.

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND. Do đó, để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND đề nghị có cơ chế, chính sách khuyến khích và thu hút đội ngũ cán bộ, công chức có kinh nghiệm, chuyên môn về công tác tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND để nâng cao năng lực tham mưu, chất lượng phục vụ hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND. Về tổ chức bộ máy có thể thành lập thêm 1-2 phòng tham mưu giúp việc theo lĩnh vực hoặc trực tiếp tham mưu, giúp việc cho các Ban của HĐND tỉnh.

Ngoài ra, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quy định cụ thể về chế độ, chính sách và các điều kiện đảm bảo hoạt động của đại biểu HĐND đảm bảo sự thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương. Đồng thời, đề nghị quy định rõ hơn về trách nhiệm, chế tài xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm các kiến nghị sau giám sát để nâng cao hiệu lực của các cuộc giám sát chuyên đề, đảm bảo việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83643