Nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận các cấp
(ABO) Ngày 6-7, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến đến các tỉnh, thành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15-6-2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam (gọi tắt là NQLT số 403).
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chủ trì hội nghị. Chủ trì tại điểm cầu Tiền Giang có đồng chí Nguyễn Chí Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; cùng đại diện các ban, ngành, tổ chức thành viên.
Ngay sau khi NQLT số 403 được ban hành, tháng 11-2017, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo xây dựng và phát hành cuốn Sổ tay công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam nhằm góp phần khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, giúp cán bộ lãnh đạo các cấp hiểu rõ hơn về công tác giám sát, phản biện xã hội, cán bộ Mặt trận, đoàn thể các cấp nắm rõ hơn về quy trình, cách thức giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời, hằng năm có tổ chức tập huấn chuyên sâu về nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam cho Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố (bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp).
Sau 5 năm thực hiện NQLT số 403, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, phát huy hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao; vị trí, vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ngày càng được khẳng định, phát huy trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.
Trong 5 năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tiến hành giám sát 60.463 cuộc bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản; đồng thời, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức 87.356 đoàn giám sát.
Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn đã tổ chức được 144.462 cuộc; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức được 149.200 cuộc giám sát, tập trung vào các nội dung như: Giám sát chính quyền thực hiện công tác chăm lo người nghèo, gia đình chính sách; giám sát việc thu, chi các loại quỹ vận động, các nguồn thu trong dân, giám sát công tác cải cách hành chính, trật tự xây dựng; phát hiện những sai sót, bất cập trong quá trình thực hiện các dự án... Từ năm 2018 - 2022, Ủy ban MTTQ các cấp đã tham gia giám sát với các cơ quan có thẩm quyền được 159.492 cuộc.
Về phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã gửi văn bản đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tham gia góp ý kiến, phản biện vào 42.051 văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... của các cơ quan, tổ chức tại địa phương, cơ sở; trong đó, cấp tỉnh được 3.364 văn bản, MTTQ cấp huyện được 8.572 văn bản; cấp xã được 30.115 văn bản. Ủy ban MTTQ các cấp còn phản biện xã hội bằng hình thức tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Ủy ban MTTQ với cơ quan, tổ chức có văn bản là 19.714 cuộc….
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Chiến đề nghị cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội nói chung, NQLT số 403 nói riêng.
Thời gian tới, đồng chí yêu cầu nghiên cứu mở rộng vai trò của MTTQ thực hiện phản biện xã hội xuyên suốt trong quy trình xây dựng pháp luật. Theo đó, ngoài việc có văn bản phản biện xã hợi chính thức ở giai đoạn cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến về dự án luật, thì MTTQ có thể có ý kiến phản biện xã hội cả ở các giai đoạn khác của quy trình xây dựng, ban hành luật…