Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học
Hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học đang được Bộ GD&ĐT tích cực thực hiện bằng nhiều phương pháp.
Ngày 26/7 tại Thành phố Huế, Bộ GD&ĐT phối hợp với Tổ chức Good Neighbors International (GNI) tổ chức “Hội thảo nâng cao hiệu quả hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường”.
Hội thảo được tổ chức hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, có sự tham dự của lãnh đạo Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT và một số trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông của 63 tỉnh/ thành trên cả nước.
Hội thảo nhằm mục đích đánh giá Dự án hợp tác giữa Bộ GD&ĐT và Tổ chức GNI về phát triển công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học giai đoạn 2022 – 2024; và chia sẻ kinh nghiệm của quốc tế, Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục, chuyên gia trong việc thực hiện công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng trao đổi về thực trạng triển khai, các giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai công tác xã hội và tư vấn tâm lý trường học từ trung ương đến địa phương, phù hợp với thực tiễn và quy định mới của pháp luật; tham vấn ý kiến các nội dung về tư vấn, hỗ trợ học sinh.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Đạt, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết: “Công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội là một phần quan trọng của hoạt động giáo dục trong nhà trường. Công tác này bao gồm các hoạt động của cán bộ, giáo viên và các thành phần khác trong nhà trường được trang bị những kiến thức, kỹ năng, phương pháp chuyên môn đối với học sinh có nhu cầu tư vấn, hỗ trợ trong nhà trường; trợ giúp học sinh giải quyết vấn đề đang gặp phải một cách hiệu quả, bền vững; nhằm bảo đảm sức khỏe thể chất, tinh thần, tâm lý ổn định, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh tham gia học tập, rèn luyện và phát triển bản thân, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của học sinh, đồng thời cũng giúp nhà trường đạt được mục tiêu giáo dục.
Giai đoạn 2022 - 2024, Bộ GD&ĐT hợp tác với Tổ chức GNI triển khai nhiều hoạt động hợp tác, có sự lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học tại các địa phương trong cả nước. Với 5 cấu phần Dự án được triển khai, từ năm 2022 đến 2024, các mục tiêu Dự án hợp tác hướng đến: Việc thực hiện công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học được nghiên cứu, rà soát trên phạm vi cả nước; mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học bước đầu được xây dựng và phát triển, trong đó các dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học được đa dạng hóa về hình thức và chất lượng dần được nâng cao, phù hợp với nhu cầu và bối cảnh xã hội.
Đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên triển khai công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường với nhiều ấn phẩm truyền thông được xây dựng, hình thức hấp dẫn.
Hội thảo có hơn 20 tham luận đến từ các chuyên gia, Sở GD&ĐT, các trường phổ thông, tập trung chia sẻ về kinh nghiệm, bài học của Hoa Kỳ, châu Á trong việc thực hiện công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học và những yếu tố phù hợp áp dụng thực tiễn tại Việt Nam; trình bày những kết quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại và đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai công tác xã hội và tư vấn tâm lý trường học phù hợp với thực tiễn các địa phương.
Trong giai đoạn 2020 - 2024, việc thí điểm mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học được Bộ GD&ĐT triển khai tại một số địa phương đã bước đầu góp phần xây dựng mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên phụ trách công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục được triển khai ở nhiều địa phương.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học còn tồn tại một số hạn chế: thiếu các nguồn lực để triển khai hiệu quả: vị trí việc làm chuyên trách, kinh phí, cơ sở vật chất, cơ chế phối hợp,… Dẫn đến công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học chưa thực sự hiệu quả; việc bồi dưỡng, nâng cao kiến thức kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ, giáo viên có phẩm chất năng lực thực hiện các nhiệm vụ tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong trường học nhiều nơi chưa được thực hiện, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các thành phần liên quan; một số cơ sở giáo dục chưa bố trí được phòng tư vấn bảo đảm tính riêng tư cho hoạt động tư vấn tâm lý học đường,…
Do vậy cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các tổ chức, bộ ban ngành, đơn vị, cá nhân liên quan từ cấp trung ương đến cấp địa phương cũng như có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình và xã hội trong việc thực hiện công tác này trong cả nước.