Nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp
Bài 2: Xử lý dứt điểm các vướng mắc, tồn đọngÐể phát triển bền vững, các công ty nông, lâm nghiệp (CTNLN) cần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút vốn đầu tư phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, tài nguyên rừng, nguồn nhân lực tại chỗ… Do đó, vấn đề trọng tâm là tăng cường vai trò quản lý của nhà nước tại các địa phương và doanh nghiệp sau sắp xếp, đổi mới.
Những khó khăn, hạn chế cơ bản
Hiện có bốn khó khăn, hạn chế cơ bản được Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp chỉ ra trong quá trình sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các CTNLN, đó là: đất đai, tài chính, khoa học - công nghệ và lao động. Thực tế, đây đang là những khó khăn lớn, gây ra không ít lúng túng trong giải quyết tại các địa phương và thậm chí ngay chính tại các doanh nghiệp vừa thành lập mới.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Hòa Bình, hiện nay địa phương đang gặp khó khăn trong xử lý đối với diện tích đất ở và đất vườn của các hộ lâm trường viên đang sử dụng tại các khu dân cư, nằm trong diện tích đất của các CTNLN, do hiện trạng sử dụng quá lớn từ 2.000 đến 5.000 m2/hộ vượt hạn mức sử dụng đất do địa phương quy định, nhất là đối với những hộ gia đình sử dụng đất từ những năm 1960, trước khi hình thành các nông, lâm trường. Bên cạnh đó, các công ty TNHH hai thành viên trở lên sau khi chuyển đổi gặp nhiều khó khăn về tài chính đã không đủ khả năng để đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cũng như tỉnh Hòa Bình, Tổng công ty Cà-phê Việt Nam hiện đang sử dụng một diện tích khá lớn đất đai trồng cà-phê và cũng đang gặp nhiều khó khăn về quan hệ sử dụng đất. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cà-phê Việt Nam Hồ Phúc Long cho rằng, việc chủ động xây dựng phương án sử dụng đất, đo đạc quản lý sử dụng đất, xử lý dứt điểm đất đã giao khoán, liên doanh, cho thuê từ trước tới nay có tranh chấp đang làm cản trở tiến trình sắp xếp tại các CTNLN. Tại tỉnh Thanh Hóa, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ðức Quyền, những năm trước đây, tỉnh có 12 nông trường với diện tích đất sử dụng hơn 22.000 ha và 15 lâm trường với diện tích đất sử dụng gần 100.000 ha. Sau khi thực hiện sắp xếp lại, tỉnh còn 19 công ty, đơn vị. Trước thời điểm sắp xếp, các CTNLN đã thực hiện việc giao khoán cho hộ công nhân và nông dân trên địa bàn nên xảy ra tình trạng có hộ dân lấn chiếm đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng, tự ý xây công trình, nhà ở trên đất nông, lâm trường…
Tình trạng này khiến việc phê duyệt phương án sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị chậm, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của CTNLN và công tác quản lý nhà nước về đất đai của địa phương.
Riêng về công tác tài chính, theo đánh giá chung, hiện nay một số địa phương khi thực hiện sắp xếp, đổi mới chưa xử lý dứt điểm những vướng mắc về tài chính, như nguồn vốn vay dự án 327, vốn ODA, vốn vay ngân hàng…
Tại TP Cần Thơ, Nông trường Sông Hậu từng được đánh giá là lá cờ đầu của ngành nông nghiệp. Ðược thành lập năm 1979, chuyển đổi từ mô hình nông trường quốc doanh sang doanh nghiệp nhà nước năm 1992, Nông trường Sông Hậu đã tổ chức huy động các nguồn lực, đầu tư hạ tầng, hình thành vùng sản xuất lớn hơn 7.000 ha với 2.500 hộ nông trường viên, doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Trong những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nông trường đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề lớn nhất của nông trường là về tài chính chưa được xử lý, nợ gốc và tiền lãi ngân hàng lớn; hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, năng suất lao động, sức cạnh tranh còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường; đời sống của cán bộ, công nhân viên khó khăn. Nông trường Sông Hậu thực hiện việc chuyển đổi theo quy định của Chính phủ theo phương án tổ chức thành công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Tháng 4-2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án sắp xếp chuyển đổi Nông trường Sông Hậu. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo chuyển đổi Nông trường Sông Hậu chọn Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) làm đối tác thực hiện việc chuyển đổi này do hồ sơ đăng ký tham gia của Vinamilk đạt đủ sáu điều kiện và đủ năm cam kết tham gia theo tiêu chí lựa chọn. Vinamilk cam kết thanh toán từ nguồn tạm ứng góp vốn đầu tư vào vốn điều lệ của Công ty TNHH hai thành viên sau khi chuyển đổi Nông trường Sông Hậu thành công để trả khoản nợ gốc (hơn 400 tỷ đồng). Nông trường Sông Hậu đã đàm phán với ngân hàng và được chấp thuận sẽ xem xét xóa toàn bộ lãi vay cho nông trường phát sinh đến thời điểm tất toán nợ gốc. Về phần góp vốn đại diện chủ sở hữu nhà nước, UBND thành phố Cần Thơ đang thẩm định giá toàn bộ giá trị vườn cây, tài sản hiện hữu, giá trị đầu tư trên đất của nông trường theo cơ chế thị trường; giá trị thương quyền và giá trị lợi thế đất đai theo quy định hiện hành của Nhà nước để xác định tỷ lệ góp vốn phù hợp theo các quy định, kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh, quy mô hoạt động của công ty mới sát với thực tiễn hoạt động. Quá trình chuyển đổi, Công ty TNHH hai thành viên có trách nhiệm kế thừa, tiếp nhận và sử dụng toàn bộ lao động hiện có của Nông trường Sông Hậu; có kế hoạch tuyển dụng bổ sung 900 đến 1.000 lao động khi có nhu cầu về mở rộng quy mô của công ty, ưu tiên lao động tại chỗ và hợp đồng nhận khoán đất.
Bên cạnh vướng mắc về tài chính, tại nhiều địa phương khác, những vướng mắc, tồn đọng về mô hình công ty, lao động, đất đai, tài sản doanh nghiệp... cũng diễn ra khá phổ biến tại các CTNLN, không ít nơi đã phát sinh những mâu thuẫn, tranh chấp gay gắt ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, bức xúc trong dư luận. Ðây cũng chính là những nút thắt lớn cần sớm được các địa phương tháo gỡ để tiến trình sắp xếp, đổi mới tại các doanh nghiệp tiền thân là các nông, lâm trường quốc doanh đạt tiến độ, yêu cầu đặt ra.
Tại Cà Mau, một trong số địa phương làm chậm trong việc sắp xếp, đổi mới các CTNLN, tỉnh đang đề nghị Chính phủ xem xét đề xuất của Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Ngọc Hiển và Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp U Minh Hạ về đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã hoàn thiện phương án, trình Thủ tướng Chính phủ. Năm 2015, Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương sắp xếp chuyển đổi thành công ty cổ phần, Nhà nước nắm giữ 51% tổng số cổ phần. Trong quá trình chuyển đổi, cả hai công ty đề xuất thay đổi mô hình sắp xếp, từ cổ phần hóa Nhà nước nắm giữ 51% tổng số cổ phần sang công ty TNHH hai thành viên trở lên. Còn tại tỉnh Yên Bái, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về vốn đầu tư cho sản xuất; công tác quản lý đất đai còn hạn chế, còn xảy ra tình trạng đất bị người dân xâm canh, lấn chiếm; hiệu quả sản xuất, kinh doanh không cao, đóng góp cho ngân sách thấp, thu nhập của người lao động không ổn định. Thực tế, công tác quản lý kinh tế và đất đai tại ba lâm trường chưa chuyển đổi còn nhiều hạn chế.
Trong đó, Lâm trường Lục Yên và Lâm trường Văn Yên làm ăn thua lỗ liên tục trong nhiều năm liền, làm mất vốn chủ sở hữu, mất khả năng thanh toán, hiện trạng tài chính rơi vào tình trạng phá sản. Còn Lâm trường Văn Chấn, do chủ yếu làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng tự nhiên sản xuất, nên không có doanh thu trên diện tích đất, rừng được giao. Do vậy, tỉnh đề nghị Chính phủ thực hiện chuyển đổi sang công ty cổ phần, Nhà nước không giữ cổ phần chi phối với bốn công ty gồm: Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Ngòi Lao; Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Việt Hưng; Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Yên Bình và Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Thác Bà; thực hiện giải thể Lâm trường Lục Yên và Lâm trường Văn Yên; đồng thời sáp nhập Lâm trường Văn Chấn vào Ban Quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải. Còn tại tỉnh Gia Lai, theo báo cáo của UBND tỉnh, việc đo đạc, cắm mốc ở các địa phương triển khai chậm. Trong thời gian dài, việc quản lý đất đai thiếu chặt chẽ, còn buông lỏng, chưa kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng xâm lấn, tranh chấp đất đai kéo dài, khiến đến nay việc giải quyết càng phức tạp, khó giải quyết thỏa đáng…
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách
Ðể thu hút các nguồn lực đầu tư, hiện nay mặc dù chưa có quy định hướng dẫn chi tiết về tổ chức, hoạt động của công ty TNHH hai thành viên trở lên, nhưng nhiều địa phương với lợi thế sẵn có của các doanh nghiệp đã thành lập xong loại hình doanh nghiệp này, một số hoạt động có hiệu quả hơn trước khi sắp xếp. Theo quy định, các địa phương đã tiến hành giải thể các công ty trong tình trạng yếu kém, thua lỗ kéo dài, không quản lý được vườn cây, đất đai, giá trị tài sản thấp, không có khả năng trả nợ. Thế nhưng bên cạnh đó, hiện có nhiều công ty không đủ cân đối chi trả chế độ cho người lao động và thanh toán các khoản nợ vay… vì vậy, việc giải thể đang gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương cũng đề nghị chuyển sang phá sản doanh nghiệp, như: Công ty nông nghiệp Quý Cao (Hải Phòng); Công ty Lâm nghiệp Trà Tân (Quảng Ngãi); Lâm trường Lục Yên, Lâm trường Văn Lâm (Yên Bái). Tuy vậy, Nghị quyết 30-NQ/TW, Nghị định 118/2014/NÐ-CP không quy định phá sản công ty trong quá trình sắp xếp CTNLN. Với những vấn đề đã được pháp luật điều chỉnh như góp vốn, thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục phá sản, quản lý đất, rừng, tài sản doanh nghiệp... các địa phương và doanh nghiệp không gặp khó khăn, nhưng có nhiều vấn đề khác chưa quy định rõ ràng, cụ thể, đang là những cản trở lớn trong việc sắp xếp, đổi mới các CTNLN.
Cùng với nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách để bảo đảm, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Ðề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trong đó quy định điều kiện, hình thức, tiêu chí, trình tự, nguyên tắc lựa chọn nhà đầu tư; phương pháp định giá tài sản góp vốn, tỷ lệ góp vốn để thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên; cổ phần hóa các CTNLN đang quản lý, sử dụng quỹ đất lớn; giải thể sáp nhập, hợp nhất CTNLN. Cần có quy định cụ thể về cơ chế đặt hàng, định mức thực hiện nhiệm vụ công ích đối với các công ty TNHH một thành viên thực hiện nhiệm vụ công ích; miễn, giảm tiền thuê đất, bảo đảm cấp đủ vốn điều lệ đối với các công ty lâm nghiệp, chính sách tín dụng phù hợp với đặc thù của CTNLN. Bên cạnh đó, cần quy định thống nhất việc xử lý tài sản trên đất (rừng, cây lâu năm, lán trại...) trong trường hợp thu hồi đất bàn giao về địa phương khi chuyển đổi CTNLN sang công ty cổ phần, giải thể hoặc chuyển đổi sang hình thức khác và các chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại các doanh nghiệp sau khi sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp.
Các địa phương, doanh nghiệp quyết tâm nỗ lực, Nhà nước có chính sách quy định cụ thể sẽ góp phần thúc đẩy nhanh công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các CTNLN, để năm 2020 hoàn thành tiến độ, yêu cầu đặt ra, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế nông nghiệp cả nước phát triển ổn định, bền vững.
* Bài 1: Lựa chọn mô hình phù hợp để phát triển