Nâng cao hiệu quả khai thác tủ sách pháp luật

Ngày 13-3-2019, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 14 về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật. Kết quả 5 năm thực hiện Quyết định số 14 khẳng định, tủ sách pháp luật đã góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, để tủ sách pháp luật phát huy hiệu quả ở mọi cơ quan, đơn vị, địa phương, cần lựa chọn hình thức xây dựng tủ sách phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.

Phát huy hiệu quả

Các chiến sĩ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong giờ đọc sách, báo, tài liệu.

Các chiến sĩ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong giờ đọc sách, báo, tài liệu.

7 giờ sáng, Trung úy Nguyễn Thanh Long - Trung đội trưởng Vệ binh, Văn phòng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh cùng các chiến sĩ ngồi vào bàn đọc sách, báo, tài liệu pháp luật. “Các chỉ thị, kết luận, văn bản pháp luật đều được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và từng phòng quán triệt, tổ chức học tập, kiểm tra kết quả thực hiện văn bản. Ngoài giờ sinh hoạt, học tập, huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ có thể lên thư viện mượn tài liệu, sách pháp luật để tìm hiểu thêm. Những điều này giúp chúng tôi hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của quân đội. Bản thân tôi luôn tích cực học tập và quán triệt cho các chiến sĩ trong Trung đội Vệ binh nỗ lực tìm hiểu pháp luật, đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ”, Trung úy Long nói.

Trung tá Nguyễn Công Ân - Trưởng ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết, tất cả 13 đơn vị cơ sở của BĐBP tỉnh đều có tủ sách pháp luật, với hơn 6.000 đầu sách, trong đó có khoảng 1.000 đầu sách pháp luật. Hằng năm, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cấp phát cho các đồn khoảng 200 đầu sách, 2.000 tờ rơi. Tuy kinh phí cấp phát còn hạn chế nhưng các tủ sách pháp luật vẫn phát huy hiệu quả do các đơn vị duy trì giờ đọc sách báo, tài liệu hằng ngày, hằng tuần, kết hợp phổ biến pháp luật với thông tin biển đảo. Đồn Biên phòng Ninh Hải (đóng trên địa bàn thị xã Ninh Hòa) là một trong những đơn vị làm tốt công tác này. Tủ sách pháp luật của đồn không chỉ phục vụ cán bộ, chiến sĩ mà còn phục vụ ngư dân, nhất là cung cấp tài liệu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đồn cũng tích cực luân chuyển sách với các đơn vị, cơ quan để làm phong phú đầu sách. Tủ sách pháp luật đã góp phần cung cấp kiến thức pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của BĐBP tỉnh. Mới đây, 1 tập thể và 1 cá nhân thuộc BĐBP tỉnh được nhận bằng khen của Chính ủy BĐBP về thành tích xuất sắc thực hiện Đề án Phát huy vai trò của lực lượng quân đội nhân dân tham gia công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 1 (2021 - 2024).

Tăng cường hướng về cơ sở

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trao đổi, tìm hiểu pháp luật.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trao đổi, tìm hiểu pháp luật.

Tại hội thảo trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 14 do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 23-12, ông Phan Hồng Nguyên - Phó Cục trưởng Cục PBGDPL thông tin, cả nước hiện có 1.722 tủ sách pháp luật tại các xã đặc biệt khó khăn; 9.329 tủ sách pháp luật trong lực lượng quân đội, công an. Bộ Tư pháp cũng chủ trì xây dựng tủ sách pháp luật điện tử trên Trang Thông tin PBGDPL (nay là Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia), liên kết với các cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, về thủ tục hành chính và công báo điện tử của quốc gia.

Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng tủ sách pháp luật ở một số nơi còn thấp, nhất là ở các đô thị phát triển hoặc nơi ứng dụng công nghệ thông tin cao. Đa số tủ sách ở cấp xã giao cho công chức tư pháp - hộ tịch, trong khi vị trí này phải phụ trách gần 20 nhiệm vụ. Kinh phí xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách còn hạn hẹp (3 triệu đồng/năm); thiếu sách pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số. Địa điểm đặt tủ sách, thời gian phục vụ (trong giờ hành chính) như theo Quyết định số 14 không còn phù hợp. Dữ liệu tủ sách pháp luật điện tử chưa nhiều, chưa kết nối, chia sẻ với cổng, trang thông tin PBGDPL của bộ, ngành, địa phương…

Ông Phan Hồng Nguyên cho rằng, cần xây dựng tủ sách pháp luật hướng mạnh về cơ sở; phát triển các tủ sách ở cộng đồng đối với xã đặc biệt khó khăn; tiếp tục duy trì tủ sách pháp luật phục vụ cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển các tủ sách đang được khai thác, sử dụng hiệu quả ở cơ sở và cộng đồng. Đồng thời xây dựng, hoàn thiện tủ sách pháp luật điện tử; tăng cường trang bị máy tính kết nối Internet để cấp xã khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật điện tử...

Khánh Hòa hiện có 655 tủ sách pháp luật được xây dựng theo Quyết định số 14. Trong đó, có 36 tủ sách pháp luật đã được sáp nhập vào thư viện, điểm bưu điện - văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng; 16 tủ sách pháp luật đặt tại các xã đặc biệt khó khăn... Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn có tủ sách pháp luật; mỗi tủ sách có khoảng 70 - 100 đầu sách.

NGUYỄN VŨ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202412/nang-cao-hieu-qua-khai-thac-tu-sach-phap-luat-c901ac3/