Nâng cao hiệu quả kiểm soát chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước tỉnh Đắk Nông
Sau hơn 15 năm hình thành và phát triển, Kho bạc Nhà nước Đắk Nông ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Bài viết phân tích hoạt động của kiểm soát chi thường xuyên ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước Đắk Nông và đưa ra một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát chi thường xuyên của đơn vị trong thời gian tới.
Thực trạng chi thường xuyên ngân sách nhà nước ở tỉnh Đắk Nông
Hiện nay, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Đắk Nông đang quản lý Quỹ Ngân sách nhà nước (NSNN) của các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách Trung ương đóng trên địa bàn Tỉnh, đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách Tỉnh, ngân sách của 8 đơn vị hành chính cấp huyện (bao gồm 7 huyện và thị xã Gia Nghĩa) và ngân sách của 71 xã, phường, thị trấn trong toàn Tỉnh.
Giai đoạn 2014 - 2018, công tác chi thường xuyên ở tỉnh Đắk Nông đạt 1.131.037 triệu đồng, tăng 34,51% (tỷ lệ tăng bình quân là 6,9%/năm (Bảng 1).
Bảng 1 cho thấy, những năm qua, tổng số chi thường xuyên NSNN ở tỉnh Đăk Nông năm sau đều tăng cao hơn so với năm trước. Số chi NSNN tăng chủ yếu là do điều chỉnh mức lương cơ sở, chế độ tiền lương tăng thêm và nâng lương thường xuyên cho cán bộ, công chức trong các đơn vị. Điều này cho thấy, tỉnh Đắk Nông đã cơ bản thực hiện nghiêm túc chính sách về tinh giảm biên chế trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp; thực hiện tốt việc thắt chặt chi tiêu công, đặc biệt là chi thường xuyên theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ nhằm giảm bớt gánh nặng cho NSNN.
Bảng 2 cho thấy, 5 năm qua, các dự án cho Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) tỉnh Đăk Nông đều do địa phương quản lý. Nguồn chi có xu hướng giảm dần về giá trị. Năm 2018, tổng chi là 27.192 triệu đồng giảm 55,7% so với 2017, thấp nhất trong 5 năm do năm 2018 không còn các khoản chi ngân sách để thực hiện một số CTMTQG như: Chương trình việc làm và dạy nghề; Chương trình nước sạch môi trường; Chương trình văn hóa; Chương trình phòng chống tội phạm…
Trong công tác kiểm soát chi, KBNN Đắk Nông luôn chủ động nghiên cứu vận dụng cơ chế, chính sách và báo cáo cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi; phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính, ngân hàng để tổ chức thực hiện tốt việc thanh toán, chi trả; Các khoản chi đều được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ theo quy định trước khi xuất Quỹ NSNN thanh toán theo đề nghị của các đơn vị sử dụng NSNN; Đôn đốc thu hồi các khoản chi tạm ứng cho các đơn vị sử dụng NSNN, giảm thiểu số dư tạm ứng chi thường xuyên góp phần làm lành mạnh hóa và nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí NSNN. Thông qua kiểm soát chi thường xuyên, KBNN Đắk Nông đã thanh toán các khoản chi đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức (Bảng 3).
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị, từ năm 2012, KBNN Đắk Nông triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động, trong đó có quy trình kiểm soát chi thường xuyên NSNN. Việc triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và tổ chức đánh giá nội bộ hàng năm đã có thể định lượng, đo lường được số lượng và thời gian giải quyết các thủ tục hành chính đến từng bộ phận, từng cá nhân cụ thể để có biện pháp khắc phục, cải tiến cho phù hợp.
Kết quả đánh giá nội bộ cho thấy, số lượng hồ sơ kiểm soát chi thường xuyên hàng năm đều tăng, nhưng tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá thời hạn quy định giảm dần. Trung bình tỷ lệ hồ sơ giải ngân trước thời hạn, đúng thời hạn của 5 năm (2014 - 2018) đạt tỷ lệ tương đối cao (99,04%), điều đó cho thấy việc giải quyết thủ tục hành chính đã được KBNN Đắk Nông rất quan tâm thực hiện, lãnh đạo kiểm soát được công việc và trách nhiệm công vụ của công chức, thời gian giải quyết hồ sơ kiểm soát chi nhanh hơn, giảm bớt chi phí về thời gian, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chi trả, thanh toán các khoản chi từ NSNN.
Thông qua kiểm soát chi, KBNN Đắk Nông đã góp phần tích cực vào công tác quản lý tiền mặt, phương tiện thanh toán thông qua việc hướng dẫn các đơn vị sử dụng NSNN thực hiện đúng quy định về quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KNNN, nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán.
KBNN Đắk Nông tổ chức tốt công tác hạch toán kế toán kịp thời, chính xác theo đúng mục lục ngân sách quy định, qua đó giúp cho công tác tổng hợp số liệu báo cáo, phân tích hoạt động thu, chi NSNN trên địa bàn Tỉnh luôn đảm bảo tính trung thực, giúp cho cấp ủy và chính quyền địa phương quản lý và điều hành hiệu quả quỹ NSNN.
Công tác thực hiện kiểm tra và tự kiểm tra các hoạt động nghiệp vụ, đặc biệt là nghiệp vụ kiểm soát chi NSNN tại đơn vị luôn được lãnh đạo quan tâm, coi trọng và thường xuyên đôn đốc, theo dõi để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các sai sót.
Công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN theo Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ đối với các hành vi phạm của các đơn vị sử dụng NSNN được phát hiện qua hoạt động nghiệp vụ kiểm soát chi NSNN tại đơn vị trong thời gian qua cũng đã được thực hiện nghiêm túc theo quy định. Trong thời gian từ năm 2017 đến hết năm 2018 đã ban hành 365 quyết định xử phạt đối với 208 đơn vị sử dụng NSNN (phạt cảnh cáo 175 trường hợp; phạt tiền 181 trường hợp với tổng số tiền là 183.850.000 đồng).
Trong các trường hợp vị phạm, chủ yếu là vi phạm về thực hiện cam kết chi do nộp cam kết chi đến KBNN quá thời hạn (quy định tại Điều 50, Nghị định số 192/2013/NĐ-CP); có một số trường hợp vi phạm về thời hạn thanh toán tạm ứng (quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 51, Nghị định số 192/2013/NĐ-CP); chỉ có 02 trường hợp có hành vi vi phạm chế độ thanh toán các khoản chi NSNN. Việc thực hiện xử phạt của KBNN đã góp phần răn đe, chấn chỉnh những hành vi vi phạm; nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật về chi tiêu công của các đơn vị sử dụng NSNN, từ đó hiệu quả quản lý chi NSNN được nâng lên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm soát chi thường xuyên qua KBNN Đắk Nông vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế sau:
Một là, kiểm soát chi thường xuyên tại đơn vị chưa chuyên nghiệp, đầu mối còn bị phân tán ở 2 bộ phận trong cùng 1 đơn vị nên chưa tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng khi đến giao dịch thanh toán với kho bạc (tại KBNN tỉnh là Phòng Kế toán nhà nước và Phòng Kiểm soát chi NSNN; tại KBNN huyện là Tổ Kế toán và Tổ Tổng hợp - Hành chính).
Hai là, việc công khai các quy trình, thủ tục hành chính chưa kịp thời, đầy đủ; chưa được ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ khách hàng trong việc tra cứu thủ tục hành chính. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm soát chi thường xuyên còn rất hạn chế.
Ba là, công tác tổ chức, phân công nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ kiểm soát chi thường xuyên còn chưa thật hợp lý; trình độ chuyên môn của một số cán bộ kiểm soát chi chưa đáp ứng yêu cầu công việc.
Bốn là, vẫn còn một số sai sót có liên quan đến công tác kiểm soát chi thường xuyên được phát hiện qua hoạt động kiểm tra và tự kiểm tra tại đơn vị (những lỗi thường gặp là: Lưu thiếu hồ sơ chứng từ theo quy định; nội dung của hồ sơ, chứng từ chưa đầy đủ các yếu tố…).
Năm là, có một số khoản chi thường xuyên đã được KBNN Đắk Nông kiểm soát chi, nhưng thực tế vẫn chưa đúng với chế độ, tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước quy định, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng kinh phí NSNN và kết quả công tác kiểm soát chi thường xuyên NSNN của đơn vị.
Giải pháp hoàn thiện kiểm soát chi NSNN qua Kho bạc Nhà nước Đắk Nông
Công tác kiểm soát chi thường xuyên NSNN qua KBNN Đắk Nông trong thời gian tới cần phải được đổi mới và hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu quản lý, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tăng cường thực hiện cải cách thủ tục hành chính, triển khai thực hiện mô hình kiểm soát chi "một cửa", tạo thuận lợi hơn nữa cho đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án trong giao dịch chi NSNN qua KBNN. Nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ kiểm soát chi thường xuyên; Thực hiện sát hạch, đánh giá năng lực cán bộ kiểm soát chi; Đồng thời, thực hiện khen thưởng, động viên kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần cho những công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao hoặc có sáng kiến cải tiến lề lối làm việc, quy trình kiểm soát, thanh toán.
Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát chi thường xuyên NSNN. Cụ thể: Hoàn thiện các chương trình tin học ứng dụng kiểm soát chi; Tạo lập hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý; Tăng cường đào tạo nâng cao trình độ tin học cho cán bộ kiểm soát chi.
Thứ ba, hoàn thiện công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kiểm soát chi thường xuyên NSNN qua KBNN. Trong đó, kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác thanh tra chuyên ngành KBNN của đơn vị. Tăng cường hiệu quả hoạt động thanh tra chuyên ngành KBNN tại các đơn vị sử dụng kinh phí thường xuyên NSNN. Triển khai thực hiện tốt công tác kiểm tra và tự kiểm tra trong nội bộ đơn vị nhằm kịp thời phát hiện sở hở, thiếu sót…; bảo đảm thực hiện kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên NSNN qua KBNN Đắk Nông.
Tai liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính (2003), Thông tư số 79/2003/TT-BTC ngày 13/08/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua KBNN;
2. KBNN Đăk Nông (2014, 2015, 2016, 2017, 2018), Báo cáo đánh giá nội bộ hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO9001:2008;
3. KBNN Đắk Nông (2014, 2015, 2016, 2017, 2018), Báo cáo quả kiểm soát chi thường xuyên NSNN qua KBNN Đắk Nông;
4. KBNN Đắk Nông (2014, 2015, 2016, 2017, 2018), Báo cáo quyết toán NSNN trên địa bàn tỉnh Đắk Nông;
5. Vũ Đức Hiệp (2017), Tổng hợp kinh nghiệm, tiến tới tiển khai diện rộng dịch vụ công điện tử, Tạp chí Quản lý ngân quỹ quốc gia, số 178 (tr.32).