Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể ở vùng cao Đà Bắc

Những năm qua, phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Đà Bắc có những chuyển biến tích cực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững tại địa phương, đặc biệt góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Những năm qua, phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Đà Bắc có những chuyển biến tích cực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững tại địa phương, đặc biệt góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Từ khi thành lập, Hợp tác xã đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh đã giúp nâng cao hiệu quả nghề nuôi lợn đen bản địa tại xã Tân Minh (Đà Bắc).

Từ khi thành lập, Hợp tác xã đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh đã giúp nâng cao hiệu quả nghề nuôi lợn đen bản địa tại xã Tân Minh (Đà Bắc).

Hợp tác xã (HTX) đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh, xã Tân Minh được thành lập tháng 8/2022. Ban đầu, HTX mới có 2 thành viên, chuyên chăn nuôi và cung ứng các sản phẩm thịt lợn bản địa huyện Đà Bắc. Theo bà Hà Thị Tâm, Giám đốc HTX chia sẻ, khi mới thành lập, việc vận động người dân tham gia vào HTX gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do bà con chưa hiểu HTX là gì, việc tham gia HTX sẽ đem lại những lợi ích gì?. Bà Tâm đã đến tận nhà các hộ tuyên truyền, vận động. Nhờ sự kiên trì, đến nay, HTX đã có 17 thành viên, 35 xã viên. Từ 20 con lợn giống, hiện đàn lợn phát triển lên 100 con nái (giống lợn đen bản địa).

HTX thường xuyên duy trì đàn lợn đen bản địa từ 2.000 - 2.200 con. Nhiều hộ thành viên và hộ liên kết nuôi 50 - 80 con/lứa. Bình quân mỗi tháng HTX sản xuất, cung ứng ra thị trường từ 2 - 2,5 tấn thịt lợn, khoảng 500 con gà, tương đương 700 - 800 kg gà thương phẩm. Đặc biệt, HTX đã có 2 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là gà đồi Tân Minh và thịt lợn bản địa Tân Minh. Sản phẩm tiêu thụ đến các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Bắc Ninh, TP Hà Nội, Hải Phòng. Còn trên địa bàn tỉnh, các sản phẩm của HTX được bán tại Cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP thị trấn Đà Bắc. Hoạt động của HTX đã góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên, trong đó có hộ nghèo, hộ khó khăn và nâng cao giá trị các sản phẩm lợi thế chủ lực của địa phương.

Ở xã Tiền Phong, nghề nuôi cá lồng hồ thủy điện Hòa Bình đã phát triển hàng chục năm, nhưng trước đây "mạnh ai nấy làm” nên hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao. Đầu năm 2023, HTX Đà Giang ECO được thành lập đã liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cá với các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn xã. Từ đó đến nay, HTX hoạt động hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi cá lồng ở xã vùng hồ này. Đến nay, HTX có 40 lồng cá và 100 lồng liên kết, tạo nguồn cung dồi dào cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Đáng chú ý, hiện nay HTX đã có 3 sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Bên cạnh đó, HTX liên kết với doanh nghiệp để nuôi trai lấy ngọc trên hồ Hòa Bình, đây là hướng đi đầy hứa hẹn.

Anh Xa Ngọc Hưng, Giám đốc HTX Đà Giang ECO cho biết: Tiền Phong có điều kiện thuận lợi về diện tích mặt nước, nguồn nước sạch và thức ăn phong phú, HTX đã áp dụng nuôi cá theo quy trình, tiêu chuẩn phòng bệnh. Trong quá trình nuôi, các thành viên HTX tập trung nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo lòng tin với khách hàng. Bên cạnh đó, HTX tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ với nhiều mẫu mã, sản phẩm được chế biến từ cá sông Đà. Hiện các sản phẩm được sơ chế, chế biến sâu và đóng gói bán tại nhiều cửa hàng, siêu thị tại các thành phố lớn và vùng lân cận.

Ngoài 2 HTX trên, hiện nay, trên địa bàn huyện Đà Bắc có 50 HTX hoạt động, 5 tổ hợp tác với trên 1,8 nghìn thành viên và người lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện có 3 HTX thành lập mới. Đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: Số lượng tổ hợp tác, HTX thành lập mới qua các năm phát triển mạnh với các mô hình phát triển đa dạng. Đến nay, khu vực kinh tế tập thể của huyện bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững tại địa phương. Tuy nhiên, hầu hết các HTX còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, kinh nghiệm tham gia thị trường. Vẫn còn nhiều HTX hoạt động yếu kém hoặc duy trì hoạt động ở mức trung bình; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại của HTX vào quá trình sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Do đó, đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành nghiên cứu, bổ sung cơ chế hỗ trợ đối với các HTX phi nông nghiệp nhằm khuyến khích, hỗ trợ HTX hoạt động, phát triển các ngành nghề. Bên cạnh đó, quan tâm tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, kế toán của các HTX.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/192346/nang-cao-hieu-qua-kinh-te-tap-the-o-vung-cao-da-bac.htm