Nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo cải cách tư pháp

ĐBP - Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách tư pháp (CCTP). Trong đó, nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các quy định pháp luật hình sự, dân sự và tố tụng; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh được xem là những giải pháp quan trọng hàng đầu.

Nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên xét xử là một trong những nội dung CCTP được Tòa án nhân dân 2 cấp chú trọng trong thời gian qua.

Để nâng cao chất lượng CCTP, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm Kết luận số 92 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị (khóa IX) về chiến lược CCTP đến năm 2020 và các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác CCTP. Các cơ quan tư pháp tỉnh, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ xây dựng chương trình công tác CCTP hàng năm phù hợp với tình hình của địa phương, đơn vị mình.

Từ năm 2021 đến nay, Tỉnh ủy đã ban hành 1 nghị quyết; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 1 quy định, 4 kế hoạch, 7 quyết định và một số văn bản khác để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ CCTP trên địa bàn. Điển hình là Nghị quyết số 08-NQTU, ngày 15/7/2021 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2021- 2025; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 03-QĐTU, ngày 17/11/2021 về sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đối với công tác nội chính, CCTP và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Tỉnh ủy luôn quan tâm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác CCTP đã và đang là cơ sở pháp lý, yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCTP trên địa bàn.

Các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan tư pháp của tỉnh có nhiều đề xuất, tham gia góp ý với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp, nhất là pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng. Chú trọng nghiên cứu, tham gia ý kiến vào các dự thảo luật; xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền cấp tỉnh để cụ thể hóa về lĩnh vực tư pháp. Ngành Tư pháp đã chủ động tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ANTT; thống nhất trong áp dụng pháp luật, hướng xử lý đối với các trường hợp chưa được cụ thể hóa trong luật, đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, góp phần đảm bảo ANTT, an toàn xã hội trên địa bàn. Điển hình như ngày 28/3/2021 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 587/KH-UBND về tham gia góp ý xây dựng, hoàn thiện Nghị định số 133/2020/NĐ/CP, ngày 9/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự năm 2019. Đồng thời, UBND tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến tham gia vào Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở và Dự thảo Thông tư quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Bên cạnh đó, các cơ quan tư pháp trên địa bàn luôn quan tâm đổi mới, kiện toàn, hoàn thiện tổ chức bộ máy, hoạt động; quan tâm xây dựng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án hình sự tiếp tục được kiện toàn, hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Trong đó, công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật theo các chuyên đề gắn với tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ điều tra, điều tra viên cấp huyện được tăng cường. Ngành Kiểm sát tiếp tục sắp xếp bộ máy, tổ chức cán bộ phù hợp với các quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị, địa phương; chú trọng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chế hoạt động, quy chế phối hợp trong tất cả các lĩnh vực công tác, phục vụ hiệu quả việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành. Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa cho đội ngũ kiểm sát viên, khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giải quyết công việc. Thực hiện “số hóa hồ sơ” vụ án hình sự và công khai tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa, từng bước tiến tới xây dựng “hồ sơ điện tử” ở cả hai cấp...

Hiện nay, tỉnh ta hoàn thiện hệ thống hóa đối với 48 văn bản thuộc lĩnh vực hành chính tư pháp. Tòa án nhân dân hai cấp triển khai nhiều giải pháp đổi mới thủ tục hành chính tư pháp, tập trung nâng cao tiến độ, chất lượng giải quyết, xét xử các loại án. Trong đó chú trọng công tác tranh tụng tại phiên tòa; tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành, nghiệp vụ tại tòa. Năm 2021, Tòa án nhân dân hai cấp tổ chức 99 phiên tòa rút kinh nghiệm (trong đó 69 phiên tòa rút kinh nghiệm bằng hình thức trực tuyến).

Bài, ảnh: Mạnh Thắng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/phap-luat/196377/nang-cao-hieu-qua-lanh-dao-chi-dao-cai-cach-tu-phap