Nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công đoàn để chăm lo tốt hơn cho người lao động
Trên cơ sở kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (KTNN), Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn nghiêm túc chấn chỉnh, tiếp thu và thực hiện đầy đủ các kiến nghị của KTNN; đồng thời hướng dẫn các đơn vị tăng cường công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn theo đúng quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Minh Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tài chính, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã trao đổi cụ thể về vấn đề này với báo chí.
PV: Thưa ông, thời gian qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã thực hiện kiểm toán về công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và quyết toán ngân sách của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Xin ông cho biết về những chuyển biến trong công tác quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn hiện nay, đặc biệt là từ sau khi kết quả kiểm toán được công bố?
Ông Nguyễn Minh Dũng: Từ khi Luật Công đoàn năm 2012 được Quốc hội thông qua, tiếp đó là Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ hướng dẫn về tài chính công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng và ban hành hệ thống các văn bản quy định về tài chính cơ bản đảm bảo theo quy định của pháp luật. Từ đó, công tác quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn ngày càng được công khai, minh bạch hơn.
“Hoạt động kiểm toán của KTNN có tác
Vừa qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tích cực phối hợp với KTNN để rà soát tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đối với các kiến nghị kiểm toán tồn đọng kéo dài do nhiều nguyên nhân, song Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn chỉ đạo các đơn vị xem xét trách nhiệm của các đơn vị, chủ đầu tư trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán đã được KTNN chỉ ra”.
Ông Nguyễn Minh Dũng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tài chính, Tổng LĐLĐ Việt Nam
Sau khi nhận được kết luận của KTNN về công tác quản lý, sử dụng nguồn tài chính của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành một số văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn nghiêm túc chấn chỉnh, tiếp thu và thực hiện đầy đủ các kiến nghị của KTNN cũng như kiến nghị của các cơ quan chức năng khác, các văn bản hướng dẫn các đơn vị xây dựng dự toán, quyết toán tài chính công đoàn theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, hàng năm, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng tổ chức hội nghị quán triệt việc thực hiện quản lý tài chính, tài sản công đoàn; trong đó yêu cầu các cấp công đoàn tăng cường công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn, đặc biệt là tại công đoàn cơ sở khối sản xuất kinh doanh.
Qua đó, công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn tại các cấp công đoàn ngày càng được nâng cao. Theo báo cáo quyết toán tài chính công đoàn năm 2022, tình hình thất thu tài chính công đoàn ngày càng giảm, tình hình chi tài chính công đoàn đảm bảo ngày một tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm và đã được KTNN chỉ ra đó là nguồn tiền tích lũy của công đoàn lớn, song tỷ lệ chi trực tiếp chăm lo cho người lao động còn thấp. Xin ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
- Trước hết, cần phải hiểu rõ, hệ thống tổ chức của công đoàn Việt Nam gồm nhiều cấp, trong đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam là cấp Trung ương; LĐLĐ cấp tỉnh, thành phố và tương đương; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở. Do đó, khi nói đến nguồn tiền tích lũy công đoàn tức là phải bao gồm các cấp công đoàn, không phải chỉ riêng Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Trong những năm vừa qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chủ động và thường xuyên chỉ đạo các cấp công đoàn tiết kiệm chi tiêu, sử dụng nguồn tài chính một cách thiết thực, hiệu quả. Đối với công đoàn cơ sở, trên cơ sở nguồn tài chính công đoàn được sử dụng theo dự toán, các đơn vị đã chủ động chi cho các hoạt động trong năm, trong đó phần lớn là dành cho người lao động.
Đối với công đoàn cấp trên cơ sở, khi được giao dự toán, đơn vị đã được yêu cầu lập dự phòng chi từ 5%-10% trên tổng số chi nhằm tiết kiệm, tăng nguồn tích lũy để có thể thực hiện điều tiết toàn hệ thống trong trường hợp cần thiết. Từ đó nhằm tạo nguồn lực đủ mạnh để bảo đảm hiệu quả các hoạt động đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Tổng LĐLĐ Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh sẽ có các tổ chức đại diện người lao động khác tại doanh nghiệp.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, nguồn tài chính tích lũy mà KTNN xác nhận là theo năm tài chính (tại thời điểm 31/12 hằng năm). Tại thời điểm này, nguồn tài chính mà công đoàn cơ sở chưa chi là để dành cho việc chăm lo, thăm hỏi đoàn viên người lao động vào dịp Tết Âm lịch (Tết sum vầy). Theo báo cáo của các đơn vị, về cơ bản, nguồn tài chính này được chi hết sau thời điểm Tết Âm lịch.
Tại công đoàn cấp trên cơ sở đến Tổng LĐLĐ Việt Nam, số tài chính tích lũy được sử dụng cho các hoạt động chi thường xuyên, tổ chức chăm lo cho người lao động ở giai đoạn đầu năm tài chính.
Đối với nguồn tài chính công đoàn tạm thời chưa sử dụng, trong nhiều năm qua các cấp công đoàn đã chủ động gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại. Đồng thời, Bộ Tài chính đã có Công văn số 16838/BTC-TCT chấp thuận khoản lãi tiền gửi ngân hàng từ quỹ công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn không phải nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp. Khoản tiền lãi này được bổ sung vào nguồn tài chính công đoàn để tiếp tục thực hiện chức năng chăm lo bảo vệ cho đoàn viên, người lao động.
Nguồn tiền tích lũy gần 29 nghìn tỷ đồng của công đoàn được KTNN đề cập là con số được Tổng LĐLĐ Việt Nam tổng hợp và thuộc các cấp công đoàn. Hiện nay, Công đoàn cơ sở đang sử dụng 70% tổng số thu đoàn phí và 75% tổng số thu kinh phí công đoàn; công đoàn cấp trên (các cấp) được sử dụng 30% tổng số thu đoàn phí công đoàn và 25% tổng số thu kinh phí công đoàn.
Theo báo cáo quyết toán tài chính công đoàn năm 2022 của các đơn vị, tỷ lệ chi cho đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên và người lao động chiếm gần 80% tổng số chi các cấp công đoàn.
Theo yêu cầu của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cấp công đoàn khi sử dụng nguồn tài chính tích lũy này phải được cấp trên phê duyệt như bổ sung chi hoạt động trong năm kế hoạch, sử dụng trong trường hợp các đột xuất.
Thực tế thời gian qua, ngoài nguồn tài chính từ các quỹ hỗ trợ, hệ thống công đoàn cũng có nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ kịp thời cho người lao động như: hỗ trợ đoàn viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ nguồn tài chính công đoàn; chi hỗ trợ, động viên đoàn viên người lao động gặp khó khăn, mất việc, dừng việc, nghỉ việc do doanh nghiệp giảm đơn hàng, giải thể, phá sản…
KTNN cũng chỉ ra, hoạt động của các quỹ trợ vốn công nhân lao động nghèo và tổ chức tài chính vi mô chưa đến được với người lao động có hoàn cảnh khó khăn do mức lãi suất còn cao. Vấn đề này đã được Tổng LĐLĐ Việt Nam lưu ý ra sao, thưa ông?
- Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo các LĐLĐ tỉnh, thành phố liên quan và các quỹ trợ vốn thực hiện rà soát và thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của KTNN; yêu cầu các đơn vị chủ động kiểm tra, rà soát các khoản vay và thực hiện theo Giấy chứng nhận đăng ký chương trình tài chính vi mô do Ngân hàng Nhà nước tại địa phương cấp và quy định của pháp luật; các quỹ trợ vốn chủ động phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng để tăng cơ hội tiếp cận đông đảo đến người lao động theo nguyên tắc thu đủ bù chi (không lỗ).
Liên quan đến việc 4 Quỹ trợ vốn trích lợi nhuận nộp về các LĐLĐ tỉnh, thành phố, ngay sau khi có kết luận kiểm toán của KTNN năm 2019, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1764/QĐ-TLĐ ngày 28/12/2020, đồng thời đã chỉ đạo LĐLĐ các tỉnh, thành phố chấm dứt tình trạng thu nộp nghĩa vụ của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, hoàn trả để các đơn vị phân phối kết quả tài chính theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định số 1764/QĐ-TLĐ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!