Nâng cao hiệu quả quản lý thuế với lĩnh vực kinh doanh vàng

Tổng cục Thuế cho biết, việc sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) đã được triển khai trên toàn quốc từ ngày 1/7/2022, trong đó có các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phối hợp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.

100% DN kinh doanh vàng đã sử dụng hóa đơn điện tử. (Ảnh: Khánh Huy).

100% DN kinh doanh vàng đã sử dụng hóa đơn điện tử. (Ảnh: Khánh Huy).

100% doanh nghiệp kinh doanh vàng sử dụng HĐĐT

Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh vàng, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, triển khai Luật Quản lý thuế (QLT) số 38/2019/QH14, Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC, từ ngày 01/07/2022 HĐĐT đã được triển khai trên toàn quốc đối với các DN và hộ kinh doanh. Theo đó, 100% DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc đã sử dụng HĐĐT. Đặc biệt, từ ngày 15/12/2022 ngành Thuế đã chính thức triển khai giải pháp HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền (KTTMTT) nhằm hỗ trợ người dân, DN trong việc sử dụng HĐĐT một cách nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm.

Theo quy định tại Điều 90 Luật QLT số 38/2019/QH14, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập HĐĐT để giao cho người mua. Đối với việc kinh doanh vàng miếng, chỉ có DN đáp ứng quy mô lớn về nguồn vốn, mạng lưới chi nhánh… được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép mới được phép kinh doanh và DN sẽ được kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ khi có đăng ký kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký DN, có địa điểm, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ.

“Đối với 2 lĩnh vực này thì cơ bản cơ quan QLT đã kiểm soát được việc xuất hóa đơn. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực gia công vàng bạc có một số trường hợp người mua hàng gia công, dịch vụ gia công là cá nhân không lấy hóa đơn dẫn đến việc khó khăn cho cơ quan thuế trong việc kiểm soát giao dịch…” - đại diện Tổng cục Thuế chia sẻ, đồng thời cho biết, để kiểm soát được toàn bộ các giao dịch này cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành địa phương.

Kiến nghị bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt

Thời gian qua, ngành Thuế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát xuất HĐĐT trong thực hiện các giao dịch mua, bán vàng.

Cụ thể như rà soát các cơ sở kinh doanh (CSKD) vàng đủ điều kiện để thực hiện áp dụng giải pháp HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền (đây là giải pháp HĐĐT có mã của cơ quan thuế áp dụng riêng cho lĩnh vực bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng); Khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ thông qua chương trình hóa đơn may mắn của ngành Thuế; Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành địa phương trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các CSKD bán hàng hóa dịch vụ nhưng không xuất HĐĐT, trong đó có các CSKD vàng; Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế về việc mua bán hàng hóa phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, qua đó tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, góp phần bảo vệ quyền lợi cho người mua.

Sau hơn 1 năm triển khai trên toàn quốc đã có 53.425 CSKD áp dụng HĐĐT KTTMTT, trong đó có 5.835 CSKD vàng, bạc đã thực hiện áp dụng và sử dụng trên 1,065 triệu HĐĐT KTTMTT. Để tiếp tục tăng cường công tác phối hợp trong QLT, ngành Thuế kiến nghị NHNN nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này;

Cùng với đó, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương triển khai các chuyên đề rà soát, xử lý vi phạm đối với các CSKD vàng bán hàng không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua và tổ chức việc giám sát, kiểm tra việc duy trì, chấp hành của các CSKD vàng đã áp dụng HĐĐT KTTMTT.

Thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng

Ngày 2/5/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Liên quan đến quản lý thị trường vàng, Thủ tướng yêu cầu NHNN thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các DN kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, kiện toàn hệ thống thanh tra, kiểm tra bảo đảm thông suốt, gắn kết từ Trung ương đến địa phương, hiệu lực, hiệu quả.

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-thue-voi-linh-vuc-kinh-doanh-vang-post511585.html