Nâng cao hiệu quả thông tin và tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc

Ngày 17/7, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án 'Hỗ trợ thông tin và tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc và chính sách dân tộc thuộc các tỉnh địa bàn biên giới đất liền' (Đề án 5181), Bộ Quốc phòng, tổ chức Hội thảo nội dung bản thảo Đề án 'Hỗ trợ thông tin và tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc và chính sách dân tộc thuộc các tỉnh địa bàn biên giới đất liền'.

Trung tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, thành viên Ban Chỉ đạo, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 5181 chủ trì hội thảo.

Cùng dự có thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Soạn thảo, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, Tổ Biên soạn Đề án 5181; đại biểu các ban, bộ, ngành trung ương, một số tỉnh biên giới đất liền, các chuyên gia, nhà khoa học…

Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận làm rõ vị trí, vai trò, cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của đề án; quan điểm, mục tiêu, phạm vi, đối tượng nhiệm vụ và những giải pháp hỗ trợ thông tin và tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc và chính sách dân tộc thuộc các tỉnh địa bàn biên giới đất liền thời gian tới. Phát huy trách nhiệm của thành viên ban chỉ đạo, ban soạn thảo, các chuyên gia, nhà khoa học trong tham gia đánh giá bước đầu kết quả nghiên cứu, tính khả thi và hiệu quả của đề án khi được áp dụng triển khai trong thực tiễn. Đồng thời, bổ sung cơ sở khoa học giúp ban soạn thảo, sơ quan thường trực ban chỉ đạo và tổ biên soạn hoàn thiện hồ sơ, bản thảo đề án báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng tiến độ.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh, những năm qua, công tác thông tin và tuyên truyền nói chung, thông tin, tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc và chính sách dân tộc nói riêng luôn được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, tạo sự thay đổi đáng kể bộ mặt kinh tế- xã hội đất nước, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Nhiều đề án, kế hoạch được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước, nhất là tại 25 tỉnh biên giới đất liền, trực tiếp góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia; xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước có đường biên giới liền kề Trung Quốc, Lào, Campuchia…

Nhằm khắc phục những tồn tại, quán triệt, tổ chức triển khai toàn diện, hiệu quả Nghị quyết số 10/NQ- CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ về Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 30/12/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1657/QĐ-TTg về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban dân tộc triển khai xây dựng Đề án “Hỗ trợ thông tin và tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc và chính sách dân tộc thuộc các tỉnh địa bàn biên giới đất liền”...

Trung tướng Nguyễn Văn Đức phát biểu tại hội thảo.

Trung tướng Nguyễn Văn Đức phát biểu tại hội thảo.

Đề án “Hỗ trợ thông tin và tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc và chính sách dân tộc thuộc các tỉnh địa bàn biên giới đất liền” nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin và tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc và chính sách dân tộc góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị; nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động thông tin, tuyên truyền và khả năng tiếp cận thông tin cho CBCS các cơ quan, đơn vị Quân đội, Công an, cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới thuộc địa bàn 25 tỉnh biên giới đất liền; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đề án triển khai áp dụng ở các địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và cư trú thuộc các tỉnh biên giới đất liền tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia. Về thời gian, đề án được thực hiện từ 2024 - 2030, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn I (từ cuối năm 2024 đến hết năm 2026); Giai đoạn II (từ đầu năm 2027 đến hết năm 2030).

Đại diện Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng Đề án 5181 báo cáo tóm tắt nội dụng bàn thảo đề án.

Đại diện Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng Đề án 5181 báo cáo tóm tắt nội dụng bàn thảo đề án.

Phát biểu kết luận hội thảo, Trung tướng Nguyễn Văn Đức đề nghị Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo xây dựng đề án cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các đại biểu dự hội thảo, nhất là các ý kiến bổ sung, đề nghị làm rõ sự cần thiết ban hành đề án; những vấn đề về quan điểm, mục tiêu, đối tượng, phạm vi, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình xây dựng và tổ chức thực hiện đề án bổ sung, hoàn chỉnh đề án.

Khẩn trương hoàn chỉnh bản thảo đề án, trong đó, chú trọng các văn bản như bản thảo đề án, tờ trình, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo đồng chí trưởng ban chỉ đạo tổ chức xin ý kiến các ban, bộ, ngành Trung ương, 25 tỉnh biên giới đất liền bảo đảm tiến độ, thời gian theo kế hoạch xác định. Đồng thời, làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt, hoàn thiện các văn bản, thủ tục liên quan về hồ sơ đề án báo cáo ban chỉ đạo xây dựng đề án…

Đề nghị các đồng chí đại biểu đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, thành viên ban chỉ đạo, ban soạn thảo đề án, đại biểu tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn; các chuyên gia, nhà khoa học, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp tục quan tâm hơn nữa; đóng góp các ý kiến quý báu để cơ quan thường trực tiếp thu, hoàn chỉnh đề án với chất lượng tốt nhất, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ…

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe 12 ý kiến tham luận, trao đổi trên tinh thần khoa học, thẳng thắng, chân thành với cách tiếp cận đa chiều, đa tầng những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến công tác hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc và chính sách dân tộc thuộc các tỉnh địa bàn biên giới đất liền.

Các tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo đại đa số đều cơ bản đánh giá cao và thống nhất với các nội dung đề cập tại bản thảo đề án. Trong đó, nhấn mạnh những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng đề án, nhất là những số liệu, minh chứng từ kết quả khảo sát, tổng hợp qua các tư liệu, tài liệu do 25 tỉnh biên giới đất liền cung cấp về thực trạng những kết quả nổi bật trong công tác hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về quốc phòng, an ninh tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thời gian qua. Đồng thời, đánh giá sâu, kỹ những tồn tại, khuyết điểm, nguyên nhân tồn tại, khuyết điểm, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi để thực hiện các nội dung trọng tâm của đề án từ nay đến năm 2030.

Xuân Mai

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/nang-cao-hieu-qua-thong-tin-va-tuyen-truyen-ve-quoc-phong-an-ninh-dan-toc-i737641/