Qua hơn 1 năm triển khai Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030, chương trình đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng, tạo động lực xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn.
Sản phẩm cam quà tặng cao cấp của HTX nông sản 3T Cao Phong được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2019 được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận. Với mục tiêu xây dựng thương hiệu trà giảo cổ lam Tân Lạc, HTX Tân Lạc Sơn, xã Thanh Hối (Tân Lạc)đã quyết định đầu tư, chuẩn hóa quy trình sản xuất, đẩy mạnh phát triển thảo dược giảo cổ lam, sản phẩm đã được chế biến thành trà giảo cổ lam loại đóng gói và loại túi lọc. Năm 2017, HTX được hỗ trợ 100 triệu đồng từ quỹ khuyến công của huyện, HTX đối ứng 300 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, đầu tư dây chuyền máy đóng trà túi lọc, hút chân không, lò sao, máy in hạn sử dụng. Hiện, 9 sản phẩm của HTX đã được phân phối đi các tỉnh: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Nội, Đà Nẵng, An Giang, TP Hồ Chí Minh. Năm 2019, HTX được Sở KH-CN hỗ trợ đăng ký bảo hộ thương hiệu, bao bì nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm đạt chuẩn OCOP 2 sao cấp huyện. Năm 2020, HTX tiếp tục đăng ký sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Năm 2019, 11/11 huyện, thành phố đã tổ chức đánh giá cho 53 sản phẩm, có 34/53 sản phẩm gửi hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Kết quả, có 27/34 sản phẩm được Hội đồng thẩm định, đánh giá, xếp hạng tỉnh trình UBND tỉnh quyết định công nhận sản phẩm OCOP của 21 chủ thể, trong đó, 9 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 18 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Năm 2020, qua rà soát có 54 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chương trình OCOP vẫn còn một số khó khăn, thách thức như: hệ thống tổ chức thực hiện chương trình còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ; tiến độ triển khai chu trình thường niên năm 2019 tại cấp huyện, thành phố còn chậm, chưa đảm bảo yêu cầu về thời gian theo quy định; chủ yếu tập trung lựa chọn các sản phẩm sẵn có, đã xây dựng được thương hiệu của một số chủ thể đơn lẻ, tính cộng đồng chưa cao để đưa vào tham gia Chương trình OCOP và phân hạng sản phẩm, chưa chú trọng đến phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương để nâng cao chất lượng; vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã hạn chế; công tác xúc tiến thương mại tuy đã được nhiều địa phương quan tâm, tổ chức nhiều hội chợ quảng bá trong và ngoài tỉnh, song chưa tập trung, chưa làm nổi bật về hình ảnh, chất lượng của các sản phẩm OCOP... Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để triển khai thực hiện tốt nội dung chỉ đạo của Bộ NN&PTNT tại Công văn số 911, ngày 10/2/2020 về việc nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình OCOP năm 2020; góp phần làm gia tăng giá trị, chất lượng sản phẩm chương trình trong năm 2020; UBND tỉnh có công văn yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các ngành, đơn vị liên quan chỉ đạo quyết liệt việc triển khai Chương trình OCOP; tăng cường rà soát, khuyến khích, hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình OCOP, đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt. Tổ chức rà soát, đánh giá kết quả công tác triển khai chương trình của địa phương, ban hành kế hoạch thực hiện năm 2020 đi vào thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, gây tốn kém về thời gian, kinh phí thực hiện. Tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn cán bộ quản lý cấp xã, cán bộ chuyên môn cấp tỉnh, huyện hiểu rõ bản chất của chương trình. Phân công rõ trách nhiệm cán bộ theo dõi chỉ đạo chương trình, đặc biệt quan tâm chú ý đến chủ trương phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn làm cơ sở để phát triển các sản phẩm OCOP. Tăng cường tập huấn, hỗ trợ triển khai, kiểm tra việc tuân thủ các cam kết về chất lượng của chủ thể kinh tế sau khi đã có sản phẩm đạt sao OCOP; có kế hoạch, chính sách cụ thể hỗ trợ các sản phẩm chưa đạt chuẩn OCOP nhưng có tiềm năng để phát huy lợi thế của địa phương. Rà soát, nâng cao chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đảm bảo minh bạch, chất lượng, không chạy theo thành tích. Đinh Thắng