Nâng cao hơn nữa tầm quan trọng của tiết kiệm, chống lãng phí

Thảo luận tại Tổ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, một số đại biểu Quốc hội nêu rõ, qua tiếp xúc cử tri đã nhận được nhiều ý kiến đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm, nghiên cứu để phát động toàn dân tham gia công cuộc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đưa công tác này có tầm quan trọng ngang ngang với công cuộc phòng, chống tham nhũng đang được quyết liệt thực hiện.

Cần đánh giá sự phù hợp của các định mức, tiêu chuẩn

Cho ý kiến về nội dung này, ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng, theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, việc tiết kiệm là giảm bớt hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, thời gian lao động và tài nguyên nhưng vẫn đạt được mục tiêu. Đối với lĩnh vực có định mức, tiêu chuẩn, chế độ được hình thành, tiết kiệm là việc sử dụng ở mức thấp hơn định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu; hoặc thực hiện đúng định mức, tiêu chuẩn song lại đạt mục tiêu cao hơn.

Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân (Hải Phòng) phát biểu

Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân (Hải Phòng) phát biểu

Dù Báo cáo của Chính phủ nêu đã rà soát, ban hành định mức, tiêu chuẩn, tuy nhiên, đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng, cần đánh giá đúng mức về sự phù hợp các chế độ, định mức, tiêu chuẩn này; đồng thời lấy đó làm thước đo đánh giá việc thực hiện tiết kiệm sau khi chế độ, định mức, tiêu chuẩn được ban hành. Cùng với đó, cần có cơ chế phân chia lại hiệu quả được tiết kiệm đối với cá nhân, tổ chức đã thực hành tiết kiệm, tức là khuyến khích về mặt lợi ích cho các đối tượng thực hành tiết kiệm. Mặt khác, do Luật hiện hành mới quy định vấn đề bảo vệ, tuyên truyền, biểu dương người phát hiện lãng phí, đại biểu đề nghị, cần có thêm quy định khuyến khích ở mức độ cao hơn, có thể khen thưởng cho những người phát hiện sự việc lãng phí.

Về thực hành tiết kiệm trong nhân dân, đại biểu cho biết, khi tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm, nghiên cứu để phát động toàn dân tham gia công cuộc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cử tri mong muốn đặt vai trò, tầm quan trọng của tiết kiệm, chống lãng phí ngang với công cuộc phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước đang quyết tâm, quyết liệt thực hiện.

Quang cảnh buổi họp Tổ 12 (gồm TP. Hải Phòng, tỉnh Bắc Ninh, Kiên Giang). Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh buổi họp Tổ 12 (gồm TP. Hải Phòng, tỉnh Bắc Ninh, Kiên Giang). Ảnh: Lâm Hiển

Chậm phân bổ vốn sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng

Thảo luận tại Tổ về nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ nhất trí với đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng công tác lập, chấp hành dự toán còn hạn chế; tình trạng chưa phân bổ chi tiết vốn ngân sách Trung ương, chưa phân bổ hết vốn ngân sách địa phương, giải ngân chậm nguồn vốn ODA chưa được khắc phục, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Ninh Bình) lưu ý, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến thời điểm hiện nay chưa phân bổ được cũng làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Trong khi đó, việc chậm triển khai và phân bổ vốn cho ba Chương trình mục tiêu quốc gia đang gây lãng phí lớn về nguồn lực ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến khả năng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Cụ thể, ở đây là Chương trình mục tiêu quốc gia cho đồng bào dân tộc thiểu số được phê duyệt từ tháng 6.2020 nhưng đến tháng 10.2021 mới có quyết định, đến cuối năm 2021 mới có tiêu chí nên phải chuyển nguồn sang năm sau.

Một thực tế khác được đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nêu ra, đó là các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương thường tháng 7 - 8 hàng năm bắt đầu phân bổ, thậm chí đến tháng 9 - 10. Điều này buộc sau đó HĐND cấp tỉnh phải họp gấp nếu không sẽ không phân bổ kịp. “Tình trạng này cũng lặp lại ở các dự án cấp bách, dù nói là cấp bách, nhưng ở nhiều địa phương có khi 2 tháng, 2 năm vẫn chưa xong các thủ tục, nên không còn tính cấp bách”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho biết.

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ giải quyết dứt điểm các tồn tại đã được nêu ra tại các kỳ giám sát của các cơ quan của Quốc hội về tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Chỉ đạo rà soát ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, ngân sách nhà nước, đầu tư công, quản lý và sử dụng tài sản công, cổ phần hóa, quản lý hoạt động thương mại điện tử, đấu thầu, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, khoáng sản, tài nguyên nước, rừng... theo tiến độ Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện Kết luận và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cũng như đòi hỏi của thực tế. Đồng thời, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là các định mức, đơn giá, tiêu chuẩn kỹ thuật trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông, y tế, giáo dục…

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/nang-cao-hon-nua-tam-quan-trong-cua-tiet-kiem-chong-lang-phi-i290095/