Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 trong 6 tháng cuối năm 2024, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn nhấn mạnh: Cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06, qua đó tạo chuyển biến tích cực, hiệu quả thực chất.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Chiều 14/6, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, Tổ Công tác triển khai thực hiện Đề án 06 tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.

Hội nghị do đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh chủ trì.

Tham dự hội nghị có các đồng chí thành viên 2 Ban chỉ đạo; Tổ Công tác triển khai thực hiện Đề án 06 tỉnh; lãnh đạo một số cơ quan, địa phương liên quan.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) tỉnh: Trong 6 tháng đầu năm, công tác CCHC của tỉnh bám sát mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra và tiếp tục được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của các cơ quan Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, gắn với thực hiện chủ đề công tác năm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh "Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả thực chất".

Công tác cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số… được triển khai đồng bộ, quyết liệt, đem lại hiệu quả cao.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung rà soát, tái cấu trúc thủ tục hành chính (TTHC); tăng cường kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu; đẩy mạnh rà soát, tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh...

Ý thức trách nhiệm trong tổ chức thực hiện CCHC của các cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục có chuyển biến tích cực; kỷ luật, kỷ cương CCHC tiếp tục được tăng cường.

Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh, hỗ trợ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, công tác chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị, tạo môi trường làm việc hiện đại, tăng năng suất lao động, chất lượng giải quyết TTHC, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Từ ngày 1/1-6/6, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã tiếp nhận trên 199 nghìn hồ sơ (có trên 66% tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến) và đã có 99,9% hồ sơ được giải quyết đúng hạn và trước hạn, có 0,1% hồ sơ giải quyết trễ hạn.

Trong 6 tháng đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, tạo được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành trong thực hiện chuyển đổi số gắn với xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử/Chính quyền số.

Các hệ thống thông tin, phần mềm, nền tảng số dùng chung; hạ tầng thiết bị, hệ thống truyền dẫn; trung tâm dữ liệu của tỉnh vận hành ổn định, thông suốt, hoạt động hiệu quả và đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng. Các hệ thống thông tin trọng yếu, quan trọng được nâng cấp, bổ sung tính năng đáp ứng các yêu cầu về kết nối, liên thông phục vụ các nhiệm vụ về phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đồng hành, vào cuộc quyết liệt, qua đó đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Việc đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử/Chính quyền số, chuyển đổi số đã góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng hiệu quả.

Việc triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt, các nhiệm vụ đều được thực hiện đảm bảo tiến độ. Công an tỉnh đã phát huy vai trò thường trực chủ động tham mưu triển khai kịp thời các nhiệm vụ, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành, các tổ công tác Đề án 06 cấp huyện, cấp xã triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Công tác tuyên truyền được chú trọng với nhiều hình thức đa dạng đã mang lại hiệu quả tích cực, cán bộ, công chức, viên chức và người dân nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Đề án 06. Tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tổ chức, công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần, định danh điện tử, ứng dụng VNeID. Số công dân có tài khoản định danh điện tử tăng nhanh, 100% cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2.

Cũng tại hội nghị, UBND tỉnh đã công bố Chỉ số CCHC của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện năm 2023. Theo đó, các sở, ban, ngành có chỉ số CCHC xếp thứ hạng cao là: Sở Xây dựng, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa-Thể thao; các huyện có chỉ số CCHC xếp thứ hạng cao là: Kim Sơn, Yên Mô và huyện Yên Khánh.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ những kết quả đạt được, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm triển khai hoàn thành nhiệm vụ CCHC, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 thời gian tới.

Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực hai Ban Chỉ đạo phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực 2 Ban Chỉ đạo ghi nhận, đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của các sở, ban, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 trong 6 tháng đầu năm 2024.

Về nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2024, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn đề nghị ngoài thực hiện tốt các nhiệm vụ đã nêu trong các dự thảo báo cáo, cần tập trung phân tích, đánh giá những nguyên nhân hạn chế để có giải pháp khắc phục.

Cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06, qua đó tạo chuyển biến tích cực trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ theo các chương trình, kế hoạch, đề án đã được ban hành. Khẩn trương rà soát đánh giá, cấu trúc lại quy trình đối với các dịch vụ công trực tuyến đang được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, đảm bảo nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm, đồng thời ưu tiên tích hợp các nhóm dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao; bảo đảm các điều kiện cần thiết để hoàn thành kết nối chia sẻ thông suốt dữ liệu quốc gia về dân cư, thủ tục hành chính, bảo hiểm y tế và cơ sở dữ liệu chuyển đổi ngành để ngày 1/7/2024 chuyển đổi sang sử dụng ứng dụng VNeID. Tiếp tục đầu tư nâng cấp để đảm bảo hạ tầng công nghệ, nguồn lực triển khai thành công Đề án 06 trên địa bàn tỉnh…

Mai Lan - Trường Giang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nang-cao-hon-nua-trach-nhiem-cua-nguoi-dung-dau-trong-lanh/d202406141636570.htm