Nâng cao khả năng phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025 đầu tư phát triển toàn diện các lĩnh vực nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó quan tâm nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Từ nguồn kinh phí của chương trình, trạm khuyến nông các huyện trong vùng dự án đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đồng bào dân tộc huyện Đakrông được tham quan thực tế mô hình trồng cây lâu năm - Ảnh: V.T.H

Đồng bào dân tộc huyện Đakrông được tham quan thực tế mô hình trồng cây lâu năm - Ảnh: V.T.H

Trong tháng 6/2024, Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Linh phối hợp với Tổ Khuyến nông cộng đồng cụm Vĩnh Linh - Gio Linh - Cam Lộ tổ chức 3 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 210 cán bộ chủ chốt của các thôn, bản và hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, Vĩnh Khê huyện Vĩnh Linh.

Dựa trên thế mạnh phát triển kinh tế ở vùng núi, các lớp tập huấn đã tập trung hướng dẫn cho các học viên về quản lý rừng và giới thiệu cho bà con về một số mô hình thâm canh cây lâm nghiệp gỗ lớn gắn với trồng chăm sóc và bảo vệ rừng như: mô hình trồng cây keo nuôi cấy mô; mô hình trồng và chăm sóc cây quế; mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng...

Điều quan trọng là trang bị cho người dân vùng dân tộc thiểu số các kiến thức và kỹ thuật sản xuất lâm nghiệp gắn với chăm sóc và bảo vệ rừng, sống dựa vào rừng nhưng không phá rừng mà làm giàu thêm vốn rừng, từ đó tạo môi trường sinh thái bền vững cho vùng đầu nguồn.

Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Vĩnh Linh Phạm Hữu Cường cho biết: Đồng bào dân tộc thiểu số từ xưa đến nay sống gần rừng nhưng ý thức, kiến thức về quản lý, bảo vệ rừng chưa được nhiều, trước đây nhiều hộ còn phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy. Những năm qua, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về quản lý bảo vệ rừng, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền nên người dân có nhận thức tốt hơn về công tác bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, để người dân có kỹ năng, kiến thức về tổ chức sản xuất lâm nghiệp gắn với chăm sóc, bảo vệ rừng thì cần phải tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức sản xuất cho người dân.

Đặc biệt, xây dựng các mô hình sản xuất mẫu để “cầm tay chỉ việc” cho người dân hiểu rõ. Đồng thời, kết nối sản xuất với tiêu thụ sản phẩm mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân sống dựa vào rừng một cách bền vững. Từ đó, có tính lan tỏa giúp đồng bào dân tộc thiểu số biết cách tổ chức sản xuất và đời sống của mình ngày càng được cải thiện hơn.

Các lớp tập huấn về sản xuất lâm nghiệp gắn với quản lý, bảo vệ rừng cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số tập trung vào các nội dung như: tiêu chuẩn kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn, các giải pháp khoanh nuôi, tái sinh, tu bổ rừng tự nhiên; xác định điều kiện lập địa, thời vụ trồng rừng, chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng tỉa thưa rừng; quản lý bảo vệ rừng mới trồng, phòng chống sâu bệnh hại rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ rừng khỏi sự tấn công của lâm tặc...

Chị Hồ Thị Thoan ở xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh cho hay: Tham gia các lớp tập huấn, chúng tôi cơ bản nắm bắt được các thông tin, cách thức về quản lý rừng, bảo vệ rừng. Chúng tôi được trao đổi, chia sẻ các kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng, chọn trồng loại cây phù hợp, các quy trình trình liên quan đến trồng và chăm sóc cây lâm nghiệp; công tác phòng, chống cháy bảo vệ rừng...

Thông qua các lớp tập huấn, đồng bào đã thấy được lợi ích của việc trồng rừng gắn với chăm sóc và bảo vệ rừng tự nhiên, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa có tác dụng bảo vệ môi trường sinh thái. Từ đó, người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển lâm nghiệp, biết trồng rừng tuân theo tiêu chuẩn kỹ thuật, biết đầu tư trồng các loại rừng để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường...

Thời gian tới, Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Linh tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật các mô hình cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: cây dược liệu, cây làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất công nghiệp như: bời lời, quế... đó là các loại cây có giá trị kinh tế cao và tiêu thụ ổn định trên thị trường.

Đối với bà con dân tộc thiểu số, việc được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lâm nghiệp là cơ hội để nâng cao kiến thức, ý thức, trình độ, từ đó tự tổ chức sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình. Sau khi tổ chức tập huấn, cán bộ địa phương cũng như cán bộ khuyến nông cần bám sát, tuyên truyền, vận động để đồng bào vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất lâm nghiệp tại địa phương một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, hỗ trợ người dân tổ chức sản xuất và tạo chuỗi liên kết với tiêu thụ sản phẩm để sản xuất bền vững.

Võ Thái Hòa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nang-cao-kha-nang-phat-trien-kinh-te-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-187140.htm