Nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo các chuyên gia, thời gian tới cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp để các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có thể phát triển quy mô và nâng cao đóng góp cho nền kinh tế một cách bền vững. Các tổ chức tín dụng có thể tối ưu hóa danh mục cho vay SME dựa trên năng lực phân tích rủi ro nâng cao, qua đó tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng SME, đặc biệt là các doanh nghiệp còn non trẻ.

Cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp để các SME có thể phát triển quy mô và nâng cao đóng góp cho nền kinh tế một cách bền vững

Cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp để các SME có thể phát triển quy mô và nâng cao đóng góp cho nền kinh tế một cách bền vững

Chia sẻ tại tọa đàm "Đổi mới dịch vụ và sản phẩm tài chính ngân hàng dành cho các SME tại Việt Nam" do Công ty Cổ phần FiinGroup Việt Nam và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức ngày 24/7, ông Nguyễn Minh Tú - Giám đốc Điều hành khối Thông tin doanh nghiệp Fiin Group cho biết, hiện nay số lượng SME chiếm gần 85% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam.

Được đánh giá là một trong những động lực lớn trong việc phát triển kinh tế, phần lớn SME Việt Nam tập trung ở các thành phố lớn và hơn 40% hoạt động chính trong lĩnh vực thương mại. Doanh thu từ nhóm doanh nghiệp này đạt khoảng 20% tổng doanh thu toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam và tương đương 70% GDP. Đây được xem là một ngành kinh doanh quan trọng, đóng vai trò trung gian giữa nhà sản xuất, đại lý và người tiêu dùng. Qua đó cho thấy, cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp để các SME có thể phát triển quy mô và nâng cao đóng góp cho nền kinh tế một cách bền vững.

Mặc dù là động lực vô cùng quan trọng trong nền kinh tế song các SME đang đối mặt với rất nhiều thách thức như khó khăn trong tiếp cận khách hàng mới; thiếu công cụ quản lý rủi ro; thiếu thông tin kinh doanh, tiếp cận tài chính...

“Khoảng trống tài chính (finance gap) của SME ở Việt Nam ước tính khoảng 24 tỷ USD - gấp 2,11 lần mức cho vay SME hiện tại. Trong khi đó, dự toán khoảng trống tài chính của SME tại các nước đang phát triển chỉ cao hơn 1,23 lần các khoản vay hiện thời dành cho SME”, ông Tú thông tin.

Tuy nhiên, theo ông Tú, nhóm doanh nghiệp này cũng tiếp cận được nhiều cơ hội từ Luật Hỗ trợ SME; hỗ trợ của tín dụng xanh và phát triển bền vững…

“Từ những cơ sở này, các tổ chức tín dụng có thể tối ưu hóa danh mục cho vay SME dựa trên năng lực phân tích rủi ro nâng cao, qua đó tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng SME, đặc biệt là các doanh nghiệp còn non trẻ”, đại diện Fiin Group đề xuất.

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó giám đốc Khối Thông tin doanh nghiệp, phụ trách Mô hình rủi ro và Phân tích dữ liệu Fiin Group đánh giá, ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng đã có vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách tài chính. Hiện nay, các ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng đã và đang tham gia tích cực hỗ trợ các SME.

Theo số liệu của Fiin Group, năm 2023, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đạt 13,79%. Về cơ cấu dư nợ, phân khúc cho vay SME ghi nhận sự gia tăng đáng kể vào năm 2023, đánh dấu tốc độ tăng trưởng 19,13% so với năm trước.

Tổng dư nợ tín dụng SME của nhóm công ty tài chính phi ngân hàng đạt 74,03 nghìn tỷ đồng, nhóm ngân hàng ghi nhận ở mức 2.739,11 nghìn tỷ đồng năm 2023. Nhóm tổ chức tài chính phi ngân hàng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, với mức tăng trưởng đạt 26,8% vào năm 2023.

Bên cạnh đó, nhóm doanh nghiệp này cũng tiếp cận được nhiều cơ hội: hỗ trợ của Chính phủ từ Luật Hỗ trợ SME; xu hướng chuyển đổi số như nền tảng quản trị cho SME, chuyển đổi số ngành Ngân hàng, hạ tầng dữ liệu quốc gia và sự hỗ trợ từ tín dụng xanh và phát triển bền vững…

Nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho các SME, bà Phạm Thị Thanh Huyền - Cán bộ quản lý Chương trình Cơ sở hạ tầng tài chính Việt Nam và Cam-pu-chia, Khu vực Đông Á Thái Bình Dương, Nhóm Tư vấn các định chế tài chính IFC đề xuất, cần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính, tạo môi trường thuận lợi cho chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Trong đó, cần đa dạng hóa các sản phẩm cho vay đề phù hợp với bản chất kinh doanh của doanh nghiệp trong đó thay đổi văn hóa cho vay để dần thoát khỏi việc chỉ tập trung vào cho vay dựa trên bất động sản.

Bà Huyền nhấn mạnh, phát triển các sản phẩm cho vay có cần có tính đổi mới, ví dụ tài trợ vốn có bảo đảm là động sản, tài trợ vốn dựa trên các khoản phải thu và hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh, tài trợ chuỗi cung ứng, bao thanh toán, tài trợ bền vững như tài trợ xanh/chống biến đổi khí hậu.

"Cần đa dạng hóa các tổ chức tài chính, bên cạnh các tổ chức tài chính ngân hàng cần phát triển thêm các tổ chức tài chính phi ngân hàng (hay còn gọi là các tổ chức cho vay không nhận tiền gửi), bao gồm các công ty tài chính thương mại, các công ty bao thanh toán, các công ty cho thuê tài chính”, bà Huyền đề xuất.

Thái Hoàng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nang-cao-kha-nang-tiep-can-tai-chinh-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-153880.html