Nâng cao kỹ năng chính trị và trình độ cho cán bộ lãnh đạo
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, thời gian qua, Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của tỉnh.
Bài 2
CHÚ TRỌNG ĐÀO TẠO CHUYÊN MÔN GẮN VỚI KỸ NĂNG CHÍNH TRỊ
*NGUYỄN HỒNG TRÀ
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước
BPO - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, thời gian qua, Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của tỉnh. Cùng với quán triệt triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương về công tác cán bộ, Tỉnh ủy đã cụ thể hóa bằng các văn bản phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh trưởng thành về nhiều mặt, cả về số lượng và chất lượng.
Gắn đào tạo, bồi dưỡng với bố trí, sử dụng cán bộ
Có thể khẳng định, những nỗ lực, cố gắng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của tỉnh đã góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các giải pháp về xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng bộ tỉnh. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên, thể hiện rõ trong việc triển khai, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết; việc thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và giải quyết các vấn đề mới phát sinh tại cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, kiên quyết và sẵn sàng chấn chỉnh một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cấp chiến lược các cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các hiện tượng tham nhũng, lợi ích nhóm, mất đoàn kết nội bộ…
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Chương trình hành động số 04-CTr/TU và tiếp tục hoàn chỉnh, tích hợp vào Chương trình hành động số 17-CTr/TU của Tỉnh ủy trên lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khẳng định công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh phải gắn với xây dựng Đảng và giáo dục chính trị - tư tưởng. Các cấp ủy đảng phải chỉ đạo thực hiện tốt việc nghiên cứu, quán triệt các quan điểm, phương châm, nguyên tắc và những nội dung cơ bản về công tác cán bộ của Đảng, để mỗi cán bộ, đảng viên nắm vững quan điểm, mục tiêu và giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án về công tác cán bộ sát với thực tế, có tính khả thi cao. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung, dân chủ, trong công tác cán bộ, đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu các cấp. Thực hiện đúng, đủ quy trình về công tác cán bộ; phát huy dân chủ, công khai gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ. Đặc biệt coi trọng khâu đánh giá cán bộ, lấy quy hoạch cán bộ làm cơ sở để thực hiện chiến lược cán bộ và công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chuyên môn nghiệp vụ, có khả năng đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống và phải gắn đào tạo, bồi dưỡng với bố trí, sử dụng cán bộ.
Chú trọng đổi mới công tác đánh giá cán bộ
Để thực hiện tốt nhiệm vụ nêu trên trong thời gian tới, Tỉnh ủy yêu cầu các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Đối với công tác cán bộ: Hằng năm, Tỉnh ủy chỉ đạo các tổ chức đảng thực hiện tự phê bình và phê bình đối với tập thể, cá nhân cấp ủy đảng và đảng viên theo quy định; chỉ đạo cả hệ thống chính trị của tỉnh nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kết hợp với kiểm điểm thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Công tác kiểm điểm đánh giá cán bộ từng bước đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả, lượng hóa cụ thể; được nhìn nhận từ nhiều góc độ, vừa căn cứ vào trình độ học vấn được đào tạo, năng lực thực tiễn, chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa căn cứ vào kết quả thăm dò, nên việc đánh giá cán bộ càng chuẩn xác hơn, đã động viên được đội ngũ cán bộ, tạo cho đội ngũ cán bộ có ý thức rèn luyện, phấn đấu vươn lên, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đối với công tác quy hoạch: Tỉnh ủy đã quan tâm làm tốt công tác quy hoạch cán bộ theo từng cấp, từng nhiệm kỳ, khắc phục tình trạng “quy hoạch treo”; bước đầu đã thể hiện được phương châm “động” và “mở”, một chức danh đã quy hoạch không quá 3 người và một người quy hoạch không quá 3 chức danh. Hằng năm, đều tiến hành rà soát, đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không còn đủ tiêu chuẩn, bổ sung vào quy hoạch những cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn, những nhân tố trẻ, nhân tố mới, tạo được sự chuyển biến căn bản trong công tác quy hoạch cán bộ của tỉnh cả về số lượng cán bộ đưa vào quy hoạch và chất lượng cán bộ được quy hoạch, đã tạo được sự chủ động, có tầm nhìn về công tác cán bộ trong toàn Đảng bộ tỉnh. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, dần khắc phục tình trạng hụt hẫng trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu, độ tuổi hợp lý, quan tâm đúng mức đến cán bộ trẻ, cán bộ có trình độ năng lực, cán bộ là người dân tộc thiểu số để bố trí phù hợp trong các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra trong từng giai đoạn.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đảng bộ các cấp đã phê duyệt đối với các chức danh quy hoạch diện Trung ương quản lý có 40 lượt cán bộ được quy hoạch. Đối với các chức danh quy hoạch diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý về cấp ủy, tỉnh có 304 lượt cán bộ được quy hoạch; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 72 lượt cán bộ được quy hoạch; ủy viên ban chấp hành các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy có 2.330 lượt cán bộ được quy hoạch; ủy viên ban thường vụ các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy có 645 lượt cán bộ được quy hoạch. Chức danh trưởng, phó sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể cấp tỉnh: có 1.379 lượt cán bộ được quy hoạch. Chức danh trưởng, phó phòng, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể cấp huyện và tương đương có 5.043 lượt cán bộ được quy hoạch.
Đối với công tác luân chuyển cán bộ: Các đối tượng được luân chuyển chủ yếu là cán bộ trẻ có triển vọng phát triển lâu dài, cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo trong cơ quan của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Hầu hết cán bộ được luân chuyển đều có trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng, cầu tiến, rèn luyện tốt, phát huy vai trò, trách nhiệm, được nhân dân tin tưởng. Tỉnh đã làm tốt công tác luân chuyển cán bộ giữa huyện với xã, huyện với huyện, huyện với tỉnh, tỉnh với huyện và từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, nhằm phù hợp với trình độ chuyên môn và năng lực cán bộ, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị trong tình hình mới. Vì vậy, các đồng chí được điều động, luân chuyển đều đảm bảo về quy trình, thủ tục và các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, từ công tác luân chuyển cán bộ, đội ngũ cán bộ của tỉnh được trưởng thành, tiến bộ nhanh chóng, toàn diện hơn, sát với thực tiễn hơn.
Coi trọng lấy phiếu tín nhiệm để bố trí, bổ nhiệm
Đối với công tác bồi dưỡng cán bộ: Được cụ thể bằng các kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hằng năm. Trên cơ sở nhu cầu thực tế của tỉnh, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã chú trọng gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt bồi dưỡng trong quy hoạch và đào tạo cán bộ dân tộc ít người, cán bộ nữ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng cả về số lượng và chất lượng, nội dung và hình thức đào tạo. Tỉnh vừa cử cán bộ đi đào tạo tập trung tại các trường ở Trung ương vừa tổ chức các lớp đào tạo tại chức ở địa phương; đào tạo cả trung cấp, đại học và sau đại học. Đào tạo không chỉ tập trung vào việc nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, khoa học - kỹ thuật, khoa học quản lý, tin học, ngoại ngữ mà còn chú trọng đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị, kỹ năng chính trị cho cán bộ. Đào tạo không chỉ cho cán bộ cấp tỉnh, huyện, mà quan tâm đào tạo cán bộ cho cấp xã, phường, thị trấn. Cùng với các lớp đào tạo, hình thức bồi dưỡng, tập huấn cũng được tổ chức hết sức linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý sau khi được đào tạo, bồi dưỡng nhận thức chính trị vững vàng hơn, am hiểu rộng và sâu hơn, kỹ năng lãnh đạo, quản lý được nâng lên rõ rệt.
Trong những năm qua, có 329 cán bộ được đào tạo chuyên môn sau đại học; 2.123 cán bộ được đào tạo cao đẳng, đại học; 1.956 cán bộ được đào tạo trung cấp chuyên môn. Về đào tạo cao cấp được 2.285 đồng chí, trung cấp lý luận chính trị - hành chính 6.442 đồng chí; về bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, cập nhật kiến thức theo Quy định số 164-QĐ/TW ngày 1-2-2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đã cử 46.274 lượt cán bộ, công chức tham gia và 272 đồng chí thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý tham gia bồi dưỡng.
Đối với công tác quản lý và bố trí sử dụng cán bộ, tỉnh thực hiện theo đúng hướng dẫn của Trung ương, coi trọng việc lấy phiếu tín nhiệm để bố trí, bổ nhiệm theo hướng mở rộng đối tượng tham gia, bảo đảm những người tham gia bỏ phiếu phải là những người biết việc, hiểu người, tránh tình trạng bè phái, cục bộ, định kiến, hẹp hòi, thiếu tính xây dựng. Cán bộ được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đều trong quy hoạch, có trình độ chuyên môn, chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có lý lịch rõ ràng bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định, vì vậy khi được bổ nhiệm đã phát huy tốt vai trò và trách nhiệm trên cương vị được giao. Đồng thời, kiên quyết thay thế những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, suy thoái đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, văn hóa ứng xử, ý thức trách nhiệm và sự tận tụy đối với nhân dân, công việc. Qua đó, từng bước góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ khả năng đáp ứng được nhiệm vụ trong thời kỳ mới.