Nâng cao kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương
Ngày 24.5, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức khóa tập huấn 'Kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương'. Tham gia lớp tập huấn có 35 nhà báo đến từ các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Báo chí góp phần xóa bỏ sự kỳ thị đối với nhóm dễ bị tổn thương
Tham gia khóa tập huấn, học viên được trang bị kiến thức về quyền, lợi ích và khó khăn của phụ nữ, nhóm LGBT và người khuyết tật; kỹ năng đưa tin hiệu quả, tránh gây tổn thương hoặc kỳ thị. Nguyên tắc đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương cần phải bảo đảm mọi người đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử. Sử dụng báo chí để bảo vệ quyền con người và buộc người có trách nhiệm phải thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Hải Vân- Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho biết, phương tiện truyền thông đóng vai trò mạnh mẽ trong việc truyền tải thông tin đến công chúng, và xây dựng những câu chuyện có khả năng ảnh hưởng đến cuộc sống, quan điểm của xã hội.
Với chức năng thông tin, định hướng dư luận, các cơ quan báo chí có trách nhiệm cung cấp cho công chúng những thông tin chính xác về mọi lĩnh vực của xã hội, trong đó có cả thông tin về các quyền lợi của nhóm dễ bị tổn thương và các thiệt thòi tiềm ẩn mà họ phải đối mặt. Bằng cách chống lại các định kiến và thúc đẩy đưa tin toàn diện, nhà báo có thể góp phần xóa bỏ sự kỳ thị và những hình ảnh đại diện có hại cho các nhóm dễ bị tổn thương.
Ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh sự nỗ lực của nhiều nhà báo và cơ quan báo chí trong việc cung cấp kịp thời cho công chúng thông tin về các nhóm dễ bị phân biệt đối xử nhằm bảo vệ họ, chống lại mọi sự kỳ thị, định kiến, phân biệt đối xử với họ, cũng còn nhiều cơ quan báo chí chưa thể hiện sự quan tâm đầy đủ và làm sáng tỏ các quan niệm sai lầm, xóa bỏ các định kiến xã hội về các nhóm thường hay bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Để khắc phục tình trạng này, rất cần sự chung tay của các nhà báo, phóng viên. Cơ quan báo chí, nhà báo cần có trách nhiệm bảo vệ mọi thành viên trong xã hội, chống lại phân biệt đối xử trong vai trò cung cấp thông tin phù hợp, chính xác và khách quan cho công chúng.
Việc đưa tin khách quan, chính xác sẽ giúp nâng cao nhận thức của công chúng về quyền lợi của các nhóm dễ bị phân biệt đối xử; góp phần chống phân biệt đối xử và làm giảm thành kiến của xã hội đối với họ, qua đó, thúc đẩy một xã hội Việt Nam hòa nhập và bình đẳng hơn.
“Tất cả mọi người đều bình đẳng về quyền và phẩm giá”
PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng- nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí trình bày về nhóm phụ nữ và người khuyết tật, những suy nghĩ, cảm nhận của họ khi được truyền thông như hiện nay. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD) khẳng định một nguyên tắc then chốt là “tất cả mọi người đều bình đẳng về quyền và phẩm giá” - không khoan nhượng đối với sự phân biệt đối xử trên bất kỳ cơ sở nào, bao gồm cả giới tính, khuyết tật hoặc địa vị xã hội.
Khi đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ, người khuyết tật và cộng đồng LGBT, nhà báo cần đặc biệt chú ý để tránh gây tổn thương hoặc kỳ thị. Đối với phụ nữ, cần tránh thiên vị, đánh đồng, tiết lộ thông tin cá nhân nhạy cảm hay đổ lỗi cho nạn nhân bạo lực. Thay vào đó, hãy đưa tin chính xác, khách quan, tôn trọng sự riêng tư và thể hiện bình đẳng giới.
Đối với người khuyết tật, việc sử dụng đúng thuật ngữ, tránh từ ngữ miệt thị rất quan trọng. Hãy tập trung vào khả năng và thành tựu của họ thay vì khuyết tật. Tương tự, khi đưa tin về người thuộc nhóm LGBT, hãy sử dụng từ ngữ tôn trọng, chính xác, tránh nhầm lẫn về giới tính hay tạo khuôn mẫu. Hãy thể hiện sự đa dạng trong cuộc sống và công việc của họ một cách chân thực.
Tại lớp tập huấn, học viên tham gia thảo luận nhiều nội dung liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, pháp luật quốc tế và Việt Nam về chống phân biệt đối xử, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình tác nghiệp về nhóm dễ bị tổn thương…
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nang-cao-ky-nang-dua-tin-ve-nhom-de-bi-ton-thuong-a173216.html