Nâng cao kỹ năng tham gia tố tụng án hành chính và thi hành án hành chính

Những năm gần đây, công tác giải quyết án hành chính trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt chất lượng. Qua đó góp phần bảo đảm quyền lợi chính đáng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo vệ lợi ích Nhà nước, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

Đại diện TAND tỉnh chia sẻ tham gia tố tụng hành chính tại hội nghị. Ảnh: NGỌC DUNG

Đại diện TAND tỉnh chia sẻ tham gia tố tụng hành chính tại hội nghị. Ảnh: NGỌC DUNG

Bên cạnh kết quả đạt được, việc giải quyết án hành chính (AHC) trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc.

Khiếu kiện trong lĩnh vực hành chính ngày càng gia tăng

Ông Lê Ngọc Minh, Chánh tòa Hành chính TAND tỉnh cho biết: “Những năm gần đây, tình hình khiếu kiện trong lĩnh vực hành chính ngày càng gia tăng; trong đó, các khiếu kiện hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai rất phức tạp, chiếm khoảng 90% số lượng các vụ AHC mà tòa án phải giải quyết hằng năm. Trong khi đó, tính chất AHC đa dạng, phức tạp, có một số vụ việc khiếu kiện kéo dài nhiều năm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”.

Thực tiễn cho thấy, AHC liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý nhà nước, luật và bộ luật. Văn bản hướng dẫn lại thường xuyên sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung. Một số văn bản pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong áp dụng, giải quyết. Công tác giải quyết khiếu nại, tranh chấp về đất đai ở một số địa phương chưa kịp thời. Ý thức chấp hành pháp luật của một số người dân chưa cao...

Điều này dẫn tới tỉ lệ giải quyết AHC một số năm vẫn còn thấp, tiến độ giải quyết một số vụ AHC phức tạp còn nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó chủ yếu là các vụ AHC liên quan đến khiếu kiện, tranh chấp đất đai. Nhiều bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng chậm được triển khai thi hành, dẫn tới đương sự bức xúc khiếu nại, tố cáo.

Nỗ lực triển khai các giải pháp

Để kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn 703-CV/TU, ngày 29/3/2024 để chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị khắc phục vi phạm trong thi hành AHC.

Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh cũng đã tổ chức hội nghị chuyên đề về giải quyết AHC. Qua đó chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết AHC cũng như thi hành AHC.

Mới đây, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng tham gia tố tụng AHC và thi hành AHC cho gần 270 lãnh đạo, cán bộ, công chức các sở TN&MT, KH&ĐT, Thanh tra tỉnh, các phòng chuyên môn tham mưu liên quan, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị, thành phố; đại diện lãnh đạo Cục THADS tỉnh; lãnh đạo UBND các cấp và công chức tham mưu ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị này, Chánh tòa Hành chính TAND tỉnh đã báo cáo chuyên đề về kỹ năng tham gia tố tụng hành chính như: quyết định hành chính, hành vi hành chính; một số chủ thể liên quan đến hoạt động giải quyết vụ án của tòa án; người đại diện và việc ủy quyền trong tố tụng hành chính; biện pháp khẩn cấp tạm thời; đối thoại trong tố tụng hành chính; kỹ năng nghiên cứu hồ sơ và tham gia phiên tòa hành chính; kỹ năng tham gia phiên tòa; một số quy định về thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ AHC trong lĩnh vực đất đai và lưu ý đối với một số loại án cụ thể. Ngoài ra, đại diện lãnh đạo Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh trình bày những quy định của pháp luật về tham gia tố tụng hành chính và thi hành AHC; các kỹ năng, kinh nghiệm tham gia tố tụng vụ AHC trong lĩnh vực đất đai; giải thích, hướng dẫn những vấn đề khó khăn, vướng mắc mà các cơ quan hành chính nhà nước gặp phải trong thực tiễn...

Để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết AHC, thi hành AHC trên địa bàn tỉnh, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đào Bảo Minh đề nghị thời gian tới, UBND các cấp cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tham gia tố tụng hoặc ủy quyền tham gia tố tụng theo quy định pháp luật. Đối với các vụ án hành chính đã có hiệu lực thi hành, UBND các cấp và các ngành liên quan cần kịp thời nghiên cứu thi hành án theo quy định pháp luật, tránh để kéo dài, công dân bức xúc. Ngoài ra, các ngành chức năng cần chấn chỉnh công tác lưu trữ, quản lý hồ sơ, nhất là hồ sơ liên quan đến đất đai; các đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát các vụ việc nổi cộm trên địa bàn; làm tốt công tác hòa giải đối thoại với công dân, giải quyết vấn đề từ cơ sở...

Để tháo gỡ khó khăn, thực hiện tốt việc giải quyết AHC và thi hành AHC trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo, cán bộ, công chức các cấp, ngành cần tích cực nghiên cứu các quy định pháp luật; trao đổi, thảo luận các vấn đề khó khăn, vướng mắc với các cơ quan tư pháp trong công tác này hoặc đề xuất, kiến nghị để cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn tham gia tố tụng hành chính và thi hành AHC ở địa phương…

Đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy,

Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh

NGC QUNH

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/164/318311/nang-cao-ky-nang-tham-gia-to-tung-an-hanh-chinh-va-thi-hanh-an-hanh-chinh.html