Nâng cao kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm ở Đạ M'rông

Giá kén tằm đang duy trì ở mức cao trong vài năm trở lại đây khiến bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng xa Đạ M'rông (huyện Đam Rông) vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, việc trồng dâu, nuôi tằm bằng phương pháp truyền thống của bà con nơi đây cho năng suất lá và kén tằm tương đối thấp so với các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ ngành Nông nghiệp, lãnh đạo xã Đạ M’rông hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số địa phương

Cán bộ ngành Nông nghiệp, lãnh đạo xã Đạ M’rông hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số địa phương

Nhìn nhận được những khó khăn, hạn chế trong tập tục canh tác của bà con dân tộc thiểu số địa phương, gần đây, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng cũng như UBND huyện Đam Rông đã có một số giải pháp đưa năng suất cây dâu, chất lượng con tằm tại Đạ M’rông cũng như các xã Đầm Ròn từng bước được nâng lên.

Đầu tháng 11, chúng tôi có dịp thăm một số vườn dâu xanh tốt của bà con đồng bào dân tộc thiểu số Đạ M’rông. Tại cánh đồng lúa nước sắp tới thời điểm thu hoạch xen kẽ khoảng 2 ha dâu của các hộ dân thôn Liêng K’Rắc 2.

Là hộ có 2.000 m2 dâu trên đất trồng cây cà phê cũ, anh Liêng Jrang Ha Hoàng (34 tuổi) cho hay do giá kén tằm 2 năm trở lại đây ở mức cao từ 160.000 tới 200.000 đồng/kg nên gia đình anh và bà con xung quanh đang mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng ngô và cà phê cằn cỗi sang trồng dâu nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 3-4 lần.

Anh Ha Hoàng cho biết, gia đình anh cả chục năm qua canh tác trồng cà phê và lúa nước trên diện tích 3.000 m2. Trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình thu về gần 10 triệu đồng. Tới năm 2020 nhận thấy giá kén tằm ở mức cao nên anh chuyển 2.000 m2 trồng cà phê sang trồng cây dâu.

Tuy nhiên, do trồng giống dâu cũ, đồng thời một số loại bệnh gây xoăn lá, bạc thau thường xuất hiện chưa biết cách phòng trừ nên năng suất lá dâu thu trung bình chỉ ở mức 500-600 kg/năm. “Trên diện tích 2.000 m2 đất trồng dâu, một năm gia đình tôi nuôi được khoảng 5 hộp tằm giống. Với năng suất kén đạt được khoảng 27 - 30 kg cho mỗi hộp, sau khi trừ các chi phí mình cũng thu được gần 27 triệu đồng mỗi năm. Tuy thu nhập cao hơn khoảng 3 lần so với trồng cà phê nhưng khi so sánh với các hộ trồng dâu ở các địa phương khác thì mình còn thua xa” - anh Ha Hoàng nhận định.

Tương tự như anh Ha Hoàng, theo ghi nhận tại địa bàn xã Đạ M’rông còn một số hộ dân vẫn còn trồng giống dâu cũ, lá nhỏ, năng suất lá trung bình khá thấp, chỉ khoảng 7 tới 8 tấn/ha/năm. Trong khi đó, nằm cách thôn Liêng K’Rắc 2 không xa, tại thôn Đa Tế một số hộ dân đang trồng giống dâu mới cho năng suất vượt trội.

Lãnh đạo xã Đạ M’rông cho biết tại khu vực thôn Đa Tế hiện có khoảng 1 ha dâu được Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệp Nông - Lâm nghiệp Lâm Đồng, đơn vị trực thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên (đóng tại địa bàn TP Bảo Lộc) hỗ trợ giống dâu, kỹ thuật chăm sóc nhằm giúp bà con dân tộc thiểu số 3 xã Đầm Ròn phát triển bền vững ngành Trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn.

Nằm trong số hộ được hỗ trợ thuộc dự án nêu trên, tại vườn dâu rộng 3.000 m2 ven bãi bồi sông Krông Nô, anh Liêng Jrang Ha TiNo (thôn Đa Tế) cho biết, giống dâu mới S7-CB và TBL-03 anh trồng khoảng 3 tháng nhưng cho năng suất vượt trội so với giống dâu cũ, trong khi các loại sâu bệnh trên lá giảm hẳn. “Giống dâu mới sinh trưởng nhanh, lá to và dầy hơn nhiều so với giống cũ mình trồng cách đây 2 năm. Nếu mình bỏ phân hữu cơ đúng tỷ lệ cán bộ nông nghiệp hướng dẫn thì 3 sào dâu có thể cho thu hoạch 7,5 tấn lá mỗi năm” - anh TiNo phấn khởi nói.

Ông Võ Văn Bền, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ M’rông chia sẻ, việc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệp Nông - Lâm nghiệp Lâm Đồng triển khai Dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển bền vững ngành Trồng dâu nuôi tằm tại huyện Đam Rông (triển khai tại 3 xã Đầm Ròn) là tín hiệu tích cực giúp bà con từng bước nâng cao kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm tại địa phương.

Ngoài ra, thời gian qua, UBND huyện Đam Rông đang triển khai Đề án Hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các xã vùng 3 (Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’rông và Liêng Srônh). UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp huyện cùng các xã đang triển khai hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, trồng cây ăn trái xen cây cà phê, chăn nuôi lợn đen,… cho bà con tham gia đề án, từng bước nâng cao năng suất cây trồng, đàn vật nuôi giúp nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn.

Theo thống kê, tới tháng 10/2022, Đạ M’rông có trên 91 ha dâu với 318 hộ nuôi tằm, so với cuối năm 2021 đã tăng diện tích trồng dâu lên 40 ha (50,7ha/138 hộ). Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là từ các mảnh đất hoang hóa, cằn cỗi, năng suất thấp sang trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập ổn định đang là hướng phát triển nông nghiệp mang lại dấu ấn trên địa bàn xã.

“Với sự hỗ trợ của các đơn vị, thực hiện theo kế hoạch của UBND huyện, thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ giống, dụng cụ nuôi tằm con, vật tư cũng như phối hợp hướng dẫn thêm kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm cho bà con để từng bước nâng cao năng suất. Cụ thể là quy hoạch diện tích trồng dâu tập trung, liền thửa để thuận tiện quản lý, chăm sóc. Xây dựng mô hình tưới tự động, trồng giống mới, để phấn đấu hầu hết các hộ đạt năng suất dâu 35 tấn/ha mỗi năm” - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ M’rông nhấn mạnh.

CHÍNH THÀNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202211/nang-cao-ky-thuat-trong-dau-nuoi-tam-o-da-mrong-3144603/