Nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh ở Quảng Trị
Chủ đề công tác năm 2022 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị là 'Công tác tuyên giáo góp phần phát triển kinh tế xã hội'. Trong đó, một trong những nội dung trọng tâm mà Ban đã triển khai thực hiện là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là mục tiêu, nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Trị tập trung giải quyết nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong hai năm 2021, 2021, chỉ số PCI Quảng Trị xếp thứ 41/63 tỉnh thành trong cả nước, thuộc nhóm trung bình. Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh, năm 2022, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tiến hành cuộc khảo sát môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đây là lần đầu tiên Quảng Trị tiến hành khảo sát chuyên sâu lĩnh vực này. Cuộc khảo sát được triển khai trong toàn tỉnh, có 537 công ty, nhà đầu tư, hộ kinh doanh, hợp tác xã...(gọi chung là doanh nghiệp) được chọn ngẫu nhiên, có sự cân đối tỉ lệ doanh nghiệp trên địa bàn từng huyện trong tỉnh. Do đối tượng khảo sát khá đặc thù nên Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức triển khai khảo sát bằng nhiều hình thức như: gửi phiếu qua đường thư tín đến từng doanh nghiệp, mời các doanh nghiệp đến hội trường tại địa phương tham gia khảo sát, cử người mang phiếu đến từng doanh nghiệp mời tham gia khảo sát và mời doanh nghiệp tham gia khảo sát phiếu trực tuyến thông qua đường link phiếu do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cung cấp. Ban đã nhận được 537 phiếu đảm bảo yêu cầu, chất lượng với các thông số đầy đủ. Từ kết quả cuộc khảo sát môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh năm 2022 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã cho thấy bức tranh tổng thể về thực tiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; những thuận lợi cũng như khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt, vướng mắc doanh nghiệp gặp phải khi thực hiện các thủ tục hành chính công như: Tiếp cận vốn để sản xuất kinh doanh khó khăn; vật liệu khan hiếm, thiếu tính ổn định; đào tạo việc làm tại địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ sở hạ tầng còn thiếu, yếu và chưa đồng bộ…
Như vậy, kết quả khảo sát của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là nguồn thông tin quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền các cấp nhìn nhận được những ưu điểm, hạn chế để chỉ đạo, xây dựng các giải pháp giải quyết các vấn đề tồn đọng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tích cực. Qua cuộc khảo sát cho thấy, một trong những giải pháp hiệu quả là trực tiếp lấy ý kiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời phải đảm bảo tỉ lệ cân đối doanh nghiệp trên từng địa bàn, địa phương để từ đó đánh giá đúng, khách quan từ phía doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh về thái độ, chất lượng dịch vụ công của các cơ quan Nhà nước đối với các hoạt động liên quan đến doanh nghiệp, những rào cản, khó khăn, vướng mắc và những giải pháp doanh nghiệp mong muốn được thực hiện.
Trong thời gian tới, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đồng thời, thực hiện hiệu quả mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra; cấp ủy, chính quyền các cấp cần thực hiện một số giải pháp nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Có giải pháp hữu hiệu nâng cao hơn nữa năng lực điều hành của chính quyền các cấp, giảm chi phí không chính thức, rà soát, chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; chú trọng các giải pháp nâng cao năng lực thực thi công vụ, tinh thần phục vụ doanh nghiệp, năng lực, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công chức, viên chức trực tiếp cung ứng các dịch vụ công; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong cung ứng dịch vụ hành chính công; các cơ quan công quyền tăng cường đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp; tăng khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp; nỗ lực hơn nữa trong việc xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm, đào tạo kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, pháp luật thương mại quốc tế, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ cũng như đổi mới công nghệ trong sản xuất; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, chú trọng đào tạo và thu hút nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Việc khảo sát, đánh giá thực trạng môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn tỉnh là một nhiệm vụ cấp thiết. Qua cuộc khảo sát để cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng nhìn nhận những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ đối với các hoạt động liên quan đến doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, để kịp thời có những giải pháp phù hợp, thúc đẩy sự phát triển, tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả điều tra là cơ sở quan trọng để tiếp tục triển khai việc khảo sát đánh giá thường xuyên hơn trong thời gian tới, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thực hiện hiệu quả các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Võ Thái Phong
Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị