Nâng cao mức độ trưởng thành của kiểm toán nội bộ

Bằng cách kết hợp ba yếu tố ngân sách, công nghệ và lộ trình phù hợp, các tổ chức có thể vượt qua thách thức để phát triển chức năng kiểm toán nội bộ (KTNB) trở nên hiệu quả và tiên tiến hơn.

Việc đánh giá mức độ trưởng thành của một chức năng kiểm toán bao gồm việc đánh giá sử dụng công nghệ và phân tích dữ liệu. Ảnh: ST

Việc đánh giá mức độ trưởng thành của một chức năng kiểm toán bao gồm việc đánh giá sử dụng công nghệ và phân tích dữ liệu. Ảnh: ST

5 cấp độ trưởng thành của kiểm toán nội bộ

Theo các chuyên gia của Auditboard, KTNB trưởng thành theo 5 cấp độ, bao gồm: Cấp độ 1 - Ban đầu với các quy trình và hoạt động tùy ý, thiếu phương pháp chính thức và tính nhất quán, chủ yếu mang tính phản ứng, ít tập trung vào quản trị, quản lý rủi ro hoặc gia tăng giá trị cho tổ chức;

Cấp độ 2 - Cơ sở hạ tầng: điều lệ và phương pháp luận được thiết lập cho các quy trình có thể lặp lại, tuy nhiên, KTNB chỉ tuân thủ một phần các tiêu chuẩn, chưa nhất quán trong việc áp dụng các phương pháp luận;

Cấp độ 3 - Tích hợp: vai trò và tính độc lập của chức năng KTNB được ghi nhận trong điều lệ. Các phương pháp và biện pháp kiểm soát được thiết lập tốt và áp dụng thống nhất, đạt được sự tuân thủ chung với các tiêu chuẩn. KTNB cũng đã tập trung vào kiểm toán dựa trên rủi ro, kế hoạch kiểm toán phù hợp với các mục tiêu của tổ chức;

Cấp độ 4 - Được quản lý: chức năng KTNB phù hợp với các mục tiêu của tổ chức, cung cấp các dịch vụ toàn diện, được phối hợp, đảm bảo giao tiếp rõ ràng và thống nhất các quy trình quản trị và quản lý rủi ro. Kiểm toán viên nội bộ tận dụng công nghệ và phân tích dữ liệu để nâng cao hiệu quả và hiệu suất. Các sáng kiến cải tiến liên tục tối ưu hóa các quy trình kiểm toán, mang lại giá trị lớn hơn và tư vấn chiến lược cho tổ chức.

Cấp độ 5 - Tối ưu hóa: là mức độ trưởng thành cao nhất khi KTNB được định vị tối ưu với sự độc lập hoàn toàn và nhiệm vụ toàn diện. Giám đốc kiểm toán và chức năng KTNB hiểu chiến lược và quy trình quản trị, quản lý rủi ro, kiểm soát của tổ chức. KTNB phát triển để giải quyết các vấn đề mới nổi và nhu cầu trong tương lai. Các quy trình và thông tin liên lạc được tối ưu hóa, tập trung vào đổi mới, hiểu biết sâu sắc, tầm nhìn xa và giá trị chiến lược. Kiểm toán viên nội bộ cung cấp những hiểu biết sâu sắc và lời khuyên chủ động, hướng tới tương lai cho hội đồng quản trị và ban quản lý cấp cao, hỗ trợ giám đốc kiểm toán trong việc xác định các chủ đề trong các quy trình quản trị, quản lý rủi ro và kiểm soát.

Việc đánh giá mức độ trưởng thành của một chức năng kiểm toán bao gồm việc đánh giá sử dụng công nghệ và phân tích dữ liệu. Tích hợp công nghệ sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động KTNB và củng cố sự liên kết chiến lược của chức năng này với các mục tiêu của tổ chức.

Nâng cấp và phát triển theo từng bước

Theo khảo sát của IIA về sự phát triển của KTNB năm 2025, có tới 47% Giám đốc kiểm toán (CAE) cho biết, nguồn tài chính không đủ hoặc chỉ đủ một phần hỗ trợ cho hoạt động KTNB. Về năng lực chuyên môn, phân tích dữ liệu vẫn là lĩnh vực hàng đầu mà các CAE muốn hoàn thiện nhất (78%). Trong khi đó, chỉ có 41% nhóm KTNB sử dụng AI tạo sinh (GenAI) trong hoạt động kiểm toán và hầu hết việc sử dụng không thường xuyên, rất ít nhóm sử dụng AI rộng rãi (13% để lập kế hoạch, 6% để thực hiện công việc thực địa, 11% để báo cáo và 2% để theo dõi).

Rõ ràng, ngân sách, công nghệ là điều kiện tiên quyết để phát triển chức năng KTNB và các nhà lãnh đạo cần một cách tiếp cận phù hợp để đảm bảo rằng các nguồn lực được tối ưu hóa, rủi ro được quản lý hiệu quả và chức năng kiểm toán mang lại giá trị chiến lược cho tổ chức. Các chuyên gia khuyến nghị, CAE cần thảo luận với Ủy ban kiểm toán và lãnh đạo doanh nghiệp để đánh giá tình trạng hiện tại và triển khai các bước theo lộ trình để chức năng KTNB đạt được mức độ trưởng thành cao hơn.

Cụ thể, để chuyển từ Cấp độ 1 sang Cấp độ 2 (Cơ sở hạ tầng), các CAE cần đánh giá ngân sách từ con số 0 để xác định và loại bỏ các hoạt động dư thừa, giải phóng ngân sách cho các lĩnh vực quan trọng như đầu tư công nghệ và đào tạo. Ngoài ra, việc xác định các khoảng cách công nghệ hiện tại và đánh giá các công cụ nền tảng có giá cả phù hợp là cần thiết để thiết lập nền tảng, từ đó triển khai chương trình thí điểm. Các bước này sẽ đảm bảo ngân sách và tài nguyên được hợp lý hóa, tăng khả năng phân tích dữ liệu ban đầu và xây dựng lộ trình cho các khoản đầu tư công nghệ trong tương lai.

Khi đã đạt Cấp độ 2, để chuyển sang Cấp độ 3 (Tích hợp), các CAE cần đào tạo cho kiểm toán viên về kiểm toán dựa trên rủi ro, phân tích và các kỹ thuật kiểm toán dựa trên công nghệ; căn chỉnh kế hoạch kiểm toán một cách linh hoạt với các rủi ro mới phát sinh và giải trình việc điều chỉnh nguồn lực thông qua phân tích dữ liệu. Các bước này dẫn đến các phương pháp luận dựa trên rủi ro được chuẩn hóa, sử dụng các công cụ tự động nhất quán cho các nhiệm vụ lặp đi lặp lại.

Ở mức độ cao hơn, từ Cấp độ 3 sang Cấp độ 4 (Được quản lý), KTNB phải chuyển đổi từ cung cấp dịch vụ đảm bảo, tư vấn độc lập, sang việc điều chỉnh chiến lược kiểm toán theo các mục tiêu của tổ chức; sử dụng các phương pháp tiếp cận và công nghệ dựa trên dữ liệu để nâng cao hiệu quả và thúc đẩy văn hóa cải tiến, đổi mới liên tục. Ở giai đoạn này, KTNB cần kết hợp nền tảng quản trị, rủi ro và tuân thủ (GRC) để tập trung dữ liệu rủi ro, phát hiện kiểm toán và kết quả kiểm tra kiểm soát. Các kiểm toán viên cần sử dụng mô hình học máy (ML) để xác định các mẫu trong dữ liệu kiểm toán và ưu tiên các lĩnh vực có rủi ro tiềm ẩn cao. Đồng thời, đánh giá lại việc phân bổ nguồn lực để đảm bảo mọi khoản đầu tư vào công nghệ, nhân viên và dịch vụ bên ngoài đều tương xứng với sự đóng góp vào mục tiêu kiểm toán.

Cấp độ cao nhất, chuyển từ Cấp độ 4 sang Cấp độ 5 (Tối ưu hóa), chức năng KTNB phải xây dựng chiến lược phù hợp với mục tiêu dài hạn của tổ chức bằng cách sử dụng các phương pháp tiếp cận dựa trên dữ liệu và các công cụ công nghệ để nâng cao hiệu quả, hiệu suất kiểm toán. Việc thiết lập một nền văn hóa đổi mới, trong đó các kiểm toán viên được khuyến khích thử nghiệm các công cụ, kỹ thuật và phương pháp tiếp cận mới là rất quan trọng. KTNB có thể hợp tác với các chuyên gia và nhà cung cấp bên ngoài để luôn đi đầu trong công nghệ kiểm toán, đồng thời duy trì một khuôn khổ rõ ràng để cân bằng chi phí và lợi tức đầu tư. Các bước này định vị chức năng KTNB như một cố vấn chiến lược cho tổ chức.

Khi các chức năng KTNB phấn đấu đạt đến mức độ trưởng thành cao hơn, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình này. Việc tích hợp các công cụ công nghệ cho phép các kiểm toán viên đánh giá hiệu quả hơn, nâng cao quy trình kiểm toán tổng thể, giải phóng thời gian để tập trung vào phân tích chiến lược và ra quyết định./.

NGUYỄN LY

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/nang-cao-muc-do-truong-thanh-cua-kiem-toan-noi-bo-39749.html