Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương
UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị Triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) trên địa bàn Đồng Nai năm 2023.
Đây là năm đầu tiên tỉnh triển khai đánh giá năng lực, chất lượng điều hành của các sở, ban, ngành, địa phương thông qua bộ chỉ số DDCI, do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM thực hiện.
* Đánh giá tương tự bộ chỉ số PCI
Theo đại diện VCCI chi nhánh TP.HCM, bộ chỉ số DDCI được xây dựng thành bộ công cụ tương tự bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam.
Phó trưởng ban Pháp chế của VCCI chi nhánh TP.HCM Nguyễn Văn Đức chia sẻ, DDCI được xây dựng nhằm đo lường, đánh giá, xếp hạng chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền cấp huyện, thị và sở, ngành. Bộ chỉ số DDCI sẽ bám sát các nội dung đánh giá về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Đồng Nai. Đối tượng đánh giá gồm 22 sở, ngành, đơn vị và 11 UBND các huyện, thành phố trong tỉnh.
Cụ thể, các sở, ngành, đơn vị sẽ được đánh giá gồm: Sở Công thương, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở NN-PTNT, Sở GT-VT, Sở KH-ĐT, Sở TN-MT, Sở KH-CN, Sở VH-TTDL, Sở TT-TT, Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TBXH, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, Công an tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, Cục Thuế Đồng Nai, Cục Hải quan Đồng Nai, Thanh tra tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC yêu cầu Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai phối hợp với VCCI chi nhánh TP.HCM trong quá trình triển khai thực hiện bộ chỉ số DDCI phải thường xuyên đánh giá, cải tiến bộ chỉ số để nhìn rõ những tác động trung và dài hạn, phù hợp với thực tiễn…
Phương pháp xây dựng hệ thống chỉ số và tiêu chí đánh giá DDCI được lựa chọn tương tự các chỉ số thành phần của PCI, trên cơ sở áp dụng linh hoạt, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của sở, ngành, địa phương trong tỉnh với 10 chỉ số thành phần của cấp địa phương và 9 chỉ số thành phần cấp sở, ngành.
Trong đó, 10 chỉ số thành phần của cấp địa phương gồm: tiếp cận thông tin và minh bạch thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; tính năng động, sáng tạo và hiệu lực của hệ thống chính quyền địa phương; vai trò của lãnh đạo UBND địa phương.
9 chỉ số thành phần cấp sở, ngành gồm: tiếp cận thông tin và minh bạch thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý; tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của hệ thống sở, ban, ngành; vai trò của người đứng đầu sở, ban, ngành.
Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai Châu Minh Nguyện cho biết, phương pháp khảo sát gồm cả trực tuyến lẫn trực tiếp (thông qua gửi thư, phỏng vấn chuyên sâu). Đối tượng khảo sát gồm các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh.
* Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Tại hội nghị triển khai bộ chỉ số DDCI trên địa bàn Đồng Nai năm 2023, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chia sẻ, thông qua bộ chỉ số DDCI, các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, kết quả khảo sát là nguồn thông tin quý giá giúp Đồng Nai và cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau giám sát để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cần có quyết tâm và hành động cải cách thực chất, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật.
UBND tỉnh mong muốn cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dành thời gian trả lời trung thực, khách quan, có trách nhiệm những câu hỏi trong phiếu khảo sát đánh giá các sở, ngành và UBND cấp huyện do Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai phối hợp với VCCI chi nhánh TP.HCM triển khai thực hiện.
Giám đốc Công ty CP Linker Logistics (TP.Biên Hòa) Phạm Văn Xô cho rằng, việc triển khai đánh giá bộ chỉ số năng lực cạnh tranh giữa các sở, ngành, địa phương sẽ góp phần nâng cao chất lượng thực hiện các chính sách, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của địa phương. Doanh nghiệp mong muốn các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi về thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, hồ sơ liên quan… Đồng thời, mong muốn địa phương quan tâm, kịp thời lắng nghe, nắm bắt và giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn...
Giám đốc VCCI chi nhánh TP.HCM Trần Ngọc Liêm cho biết, để việc triển khai bộ chỉ số DDCI đạt hiệu quả, cần sự đánh giá, trả lời trung thực, khách quan, có trách nhiệm từ phía các doanh nghiệp. Các sở, ngành, địa phương cần tích cực đồng hành, tăng cường gặp gỡ, kết nối với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp. Đồng thời, cần tăng cường công tác truyền thông, thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp về bộ chỉ số đánh giá này để doanh nghiệp hiểu, có những đánh giá sát sườn, qua đó góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương…