Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Trước những biến động khó lường của thị trường và xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu, Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và các đơn vị thành viên đang nỗ lực nâng cao hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh.

Khai thác dầu khí tại mỏ Đại Hùng pha 3.

Khai thác dầu khí tại mỏ Đại Hùng pha 3.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Nguyễn Việt Thắng cho biết, trước biến động thị trường, doanh nghiệp đã chủ động nhiều kịch bản vận hành để duy trì hiệu quả sản xuất.

Sáu tháng đầu năm 2025, BSR sản xuất hơn 3,84 triệu tấn sản phẩm (vượt 16%), tiêu thụ 3,83 triệu tấn (vượt 17%), doanh thu hơn 69.300 tỷ đồng (vượt 22%), lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng (vượt 93%) và nộp ngân sách 7.411 tỷ đồng (vượt 13%). Nhà máy lọc dầu Dung Quất vận hành ổn định, có lúc đạt 124% công suất. Ngày 3/7, nhà máy sản xuất thành công lưu huỳnh hạt với công suất khoảng 13 tấn/ngày, mở rộng khả năng tiêu thụ trong và ngoài nước.

Những tháng đầu năm, căng thẳng toàn cầu leo thang cùng chính sách thuế quan của Mỹ đã ảnh hưởng đến niềm tin tiêu dùng, khiến doanh thu một số thương hiệu thời trang sụt giảm, tồn kho tăng, tác động tiêu cực đến ngành sợi.

Trước tình hình này, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPoly) Trần Huy Thư cho biết, doanh nghiệp đã chủ động duy trì chất lượng sản phẩm, ổn định chuỗi cung ứng và củng cố niềm tin với đối tác để nâng cao sức cạnh tranh. Nhờ nỗ lực ổn định sản xuất, trong sáu tháng qua, VNPoly vận hành trung bình 12-15 dây chuyền sợi DTY, đạt sản lượng 3.416 tấn (84%), doanh thu hơn 115 tỷ đồng (110%) và bảo đảm lợi nhuận đủ bù biến phí.

Tổng Giám đốc VNPoly Trần Huy Thư cho biết, những tháng cuối năm, doanh nghiệp sẽ vận hành ổn định 15 dây chuyền sợi DTY, triển khai các đơn hàng đã ký và thúc đẩy hợp tác sản xuất xơ PSF với đối tác Trung Quốc.

“Dự báo nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm giảm khoảng từ 10-20% do tâm lý e ngại mức thuế tăng dẫn đến giá sản phẩm tăng cùng nhiều áp lực từ nhu cầu vốn lớn cho sản xuất nguyên phụ liệu trong nước, yêu cầu cấp bách về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và tiến tới kinh tế tuần hoàn hay xu thế chuyển dịch từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững đang đặt ra yêu cầu cao hơn về minh bạch chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc,… là những thách thức đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng ứng phó và bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh thời gian tới”, ông Trần Huy Thư nhấn mạnh.

Theo Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn, trong sáu tháng đầu năm, tập đoàn khai thác 4,82 triệu tấn dầu, gần 3 tỷ m³ khí; sản xuất 16,65 tỷ kWh điện (tăng 8%), 950,2 nghìn tấn đạm và 3,78 triệu tấn xăng dầu (không gồm NSRP, tăng 26,8%). Doanh thu đạt 510 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách 66.500 tỷ đồng. Giải ngân đầu tư đạt 20.600 tỷ đồng (tăng 31,2%), tiết kiệm - chống lãng phí đạt 3.528 tỷ đồng, gấp 2,9 lần cùng kỳ 2024.

Ông Lê Ngọc Sơn cho biết, những tháng cuối năm, Petrovietnam sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành kế hoạch khai thác dầu, bảo đảm doanh thu và nộp ngân sách. Tập đoàn cũng sẽ đẩy mạnh kết nối chuỗi khí-điện, hoàn thiện cơ chế tiêu thụ khí linh hoạt, mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các nhà máy điện, lọc hóa dầu sẽ được vận hành hiệu quả, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, thích ứng linh hoạt với biến động.

Petrovietnam đang đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn kinh tế Nhà nước và tư nhân như Viettel, ACV, TKV, Vinachem, Hòa Phát... nhằm tạo chuỗi liên kết, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

HOÀNG ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-quoc-gia-post895992.html