Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm
Sản xuất và chế biến nông sản là một trong những ngành đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển nền kinh tế, gia tăng cơ cấu nông nghiệp, mở rộng thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh các ngành dịch vụ khác phát triển theo. Hiện nay, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm; ứng dụng công nghệ; nghiên cứu sản phẩm mới... góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Sản phẩm chè của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển trà UT, xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba tham gia trưng bày, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại hội chợ thương mại.
Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển trà UT xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba ngoài việc thu mua chè để chế biến chè xuất khẩu còn từng bước chế biến chè chất lượng cao cung cấp ra thị trường. Trò chuyện với chúng tôi, bà Lê Thị Hồng Phương - Giám đốc Công ty chia sẻ: “Công ty liên kết thực hiện dự án phát triển chè búp tím với tổng diện tích dài hạn là 17ha, góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu chè búp tím Thanh Ba... Một trong những yếu tố tạo nên thành công bước đầu của doanh nghiệp tham gia lĩnh vực chế biến chè là Công ty liên tục nghiên cứu và đưa ra những dòng sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Hương vị phong phú kết hợp cải tiến mẫu mã bao bì, Công ty đã thể hiện ưu thế cạnh tranh trên thị trường với những sản phẩm cùng loại”.
Khai thác thế mạnh của internet, nền tảng mạng xã hội, từ nhiều năm nay, Công ty đã chủ động phát triển các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các website, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Với các sản phẩm chè xanh (Madina Supereme Pekoe, Premium Pekoe, Pekoe, Broken, PS, BPS, F...), chè xanh duỗi, chè xanh lăn được tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang các thị trường: Pakistan, Afghanistan, Dubai, Anh, Đức, Tajikistan, Đài Loan... Sản lượng xuất khẩu 1.500-1.700 tấn thành phẩm/năm, doanh thu bình quân trên 40 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Cùng với các doanh nghiệp, hiện nay, các HTX đã có sự đổi mới về nhân lực, phương thức kinh doanh theo hướng kinh tế thị trường để trở thành một tổ chức kinh tế tiềm năng, hoạt động hiệu quả. Nhiều HTX đã tổ chức tốt hơn các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, năng động hơn trong cơ chế thị trường. Trong đó, riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp có trên 60 HTX tham gia hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời phát triển sản xuất với quy mô, diện tích tập trung; là cầu nối trong việc tiếp thu, hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc. Các HTX đã quan tâm đến liên kết trong sản xuất và hướng đến phát triển các sản phẩm chủ lực là thế mạnh của địa phương như: Chè, bưởi, chuối, gạo; chăn nuôi gia súc, gia cầm, rau an toàn...
Mở rộng liên kết, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ gắn bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn có giá trị kinh tế cao là hướng đi mới của HTX sản xuất gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung và kinh doanh dịch vụ tổng hợp, xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập. Ông Khúc Ngọc Tung- Giám đốc HTX cho biết: “Trong môi trường kinh tế thị trường cạnh tranh, để khẳng định thương hiệu, các sản phẩm HTX bán ra thị trường được đóng gói, có logo, nhãn mác, mã truy suất nguồn gốc... Hiện nay, HTX tiếp tục thực hiện chặt chẽ các quy định mô hình liên kết sản xuất lúa nếp Gà Gáy hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo vệ môi trường sinh thái tại địa phương; đồng thời phát triển, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, đảm bảo thu nhập ổn định cho các thành viên”.
Hiện nay, nguồn nông sản của tỉnh phong phú với chất lượng ngày càng được nâng cao, ổn định cùng sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, HTX trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản, tạo sinh kế cho hàng trăm gia đình bằng việc tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến, hệ thống bán hàng. Thực tế cho thấy, từ chiến lược phát triển đa dạng hàng hóa, nông sản theo nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp, HTX đã làm tốt vai trò thúc đẩy hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với những sản phẩm chủ lực, có quy mô lớn, có sức lan tỏa, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-san-pham-230642.htm