Nâng cao năng lực cho các tổ chức cộng đồng hỗ trợ nhóm MSM

Việc tiếp cận nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) để tư vấn các biện pháp bảo vệ bản thân trước nguy cơ lây nhiễm HIV ngày càng khó khăn hơn, khi không ít bạn trẻ MSM sử dụng chất ma túy dạng kích thích trong quan hệ với bạn tình. Việc trao cho các tổ chức cộng đồng một bộ công cụ để can thiệp, hỗ trợ cho nhóm MSM giảm nguy cơ nhiễm HIV, viêm gan B, nguy cơ về sức khỏe tâm thần… là một phương pháp phù hợp với thực tiễn đang được triển khai tại Việt Nam và được nhiều nước đánh giá cao.

Các tổ chức cộng đồng nỗ lực can thiệp, hỗ trợ nhóm MSM

Một chiều muộn, hotline của Trung tâm Trung tâm nghiên cứu ứng dụng sức khỏe nam giới và cộng đồng (CARMAH) nhận cuộc gọi từ một khách hàng. Phía đầu dây, giọng nói không bình thường, thậm chí có nhiều câu hoang tưởng, bộc lộ ý tưởng có nguy cơ tự sát. Nhân viên trung tâm nhận ra dấu hiệu bất thường, khả năng cao bị rối loạn tâm thần do sử dụng chất trong quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Trường hợp này vượt quá khả năng hỗ trợ của trung tâm, các bạn duy trì liên lạc với khách hàng, thuyết phục họ đến Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh để điều trị rối loạn do nghiện chất.

Ông Bảo Ân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng sức khỏe nam giới và cộng đồng (CARMAH) cho biết, tình trạng sử dụng chất kích thích dạng amphetamin gồm Amphetamine, Methamphetamine (quen gọi là ma túy đá) trong nhóm MSM gia tăng trong thời gian gần đây.

Việc sử dụng chất kích thích ở nhóm MSM có thể là một cách để họ vượt qua sự cô đơn vì bị kỳ thị; vượt qua khó khăn của bản thân khi phải che giấu xu hướng tính dục của mình. Do đó, việc tiếp cận các bạn MSM để tư vấn về lạm dụng chất ma túy dạng kích thích có rất nhiều thách thức. Một trong những thách thức mà tới đây, Việt Nam sẽ phải đối mặt, đó là sự dịch chuyển trong hành vi sử dụng chất ma túy dạng kích thích sang đường tiêm chích.

Ông Ân chia sẻ, nhiều khách hàng của trung tâm Trung tâm nghiên cứu ứng dụng sức khỏe nam giới và cộng đồng (CARMAH) được tiếp nhận từ sự giới thiệu của các cán bộ y tế tại TP Hồ Chí Minh. Trong đó, có không ít khách hàng có triệu chứng loạn thần và mong muốn tìm đến cơ sở y tế can thiệp tư nhân/cộng đồng.

Các tài liệu hỗ trợ cho nhóm chemsex hiện chưa có phác đồ hướng dẫn hỗ trợ một cách chính thức, cũng như hiện tại chưa có dự án nào hỗ trợ về mặt kinh phí can thiệp cho người rối loạn thần kinh do sử dụng chất trong quan hệ tình dục. Do đó, ngày càng nhiều khách hàng mong muốn có thể tìm đến những địa chỉ có thể đồng hành, và san sẻ bớt những gánh nặng về chi phí như ở các tổ chức cộng đồng.

Trung tâm nghiên cứu ứng dụng sức khỏe nam giới và cộng đồng (CARMAH) triển khai các hoạt động hỗ trợ cho nhóm MSM.

Trung tâm nghiên cứu ứng dụng sức khỏe nam giới và cộng đồng (CARMAH) triển khai các hoạt động hỗ trợ cho nhóm MSM.

Tại CARMAL, ngoài việc hỗ trợ các biện pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV tại các đối tác phòng khám cộng đồng, tại đây còn có những giải pháp hỗ trợ tâm lý cho khách hàng để hạn chế các tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần có thể dẫn đến các nguy cơ về loạn thần, ảo giác, rối loạn lo âu do sử dụng chất kích thích. Từ số liệu thu thập khách hàng, các nhân viên sẽ phân tích nguy cơ của từng nhóm đối tượng để có biện pháp hỗ trợ phù hợp và hiệu quả.

“Với người nhóm nguy cơ cao, chúng tôi có biện pháp can thiệp xuất phát từ khách hàng, tức là biểu hiện sức khỏe của họ như thế nào, cần tư vấn tới gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần hay chuyên gia tâm lý để hỗ trợ tốt nhất cho họ. Chúng tôi cũng đang cố gắng trích một phần kinh phí phù hợp để chi trả cho bác sĩ tâm lý, để họ đồng hành cùng chúng tôi, chia sẻ gánh nặng về tài chính với khách hàng trong can thiệp cho nhóm chemsex”, ông Ân nói.

Nâng cao năng lực cho nhân viên cộng đồng tiếp cận nhóm nguy cơ

Bà Nguyễn Minh Trang, Quản lý Chương trình Giảm tác hại và Điều trị nghiện thuộc tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến hỗ trợ phát triển cộng đồng (SCDI) cho biết, hỗ trợ sức khỏe tâm thần cực kỳ quan trọng đối với những người tham gia vào chemsex.

“Sự kỳ thị của xã hội khiến khách hàng rất ngại lộ diện, do họ lo sợ vi phạm pháp luật. Nhiều khách hàng chia sẻ nhu cầu được hỗ trợ sức khỏe tâm thần, đặc biệt là sau buổi trị liệu. Khách hàng cũng muốn được hỗ trợ, hướng dẫn về sức khỏe tình dục bởi chính cộng đồng, chứ không phải các chuyên gia vì mọi người không sẵn sàng chia sẻ trải nghiệm của mình với bất kỳ ai mà họ không tin tưởng”, bà Trang bày tỏ.

Đoàn Việt Nam giới thiệu bộ tài liệu đào tạo can thiệp chemsex dành cho nhân viên tiếp cận cộng đồng của Việt Nam.

Đoàn Việt Nam giới thiệu bộ tài liệu đào tạo can thiệp chemsex dành cho nhân viên tiếp cận cộng đồng của Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu, khảo sát 269 người MSM Việt Nam của The Lighthouse Social Enterprise thực hiện vào năm 2020 về rủi ro tình dục ở nam giới Việt Nam quan hệ tình dục đồng giới sử dụng chất kích thích dạng Amphetamine cho kết quả, nhóm MSM dường như tin tưởng vào cộng đồng của mình hơn là các nhà cung cấp dịch vụ y tế hay chuyên gia.

Trong trường hợp tìm kiếm sự hỗ trợ, 82% số người được hỏi thích các tổ chức cộng đồng liên quan đến người MSM nhất. Do đó, Cục Phòng, chống HIV/AIDS với sự hỗ trợ của UNAIDS đã xây dựng bộ tài liệu đào tạo can thiệp chemsex dành cho nhân viên tiếp cận cộng đồng của Việt Nam.

Bộ tài liệu này vừa được Việt Nam giới thiệu tại Hội nghị lần thứ 6 của khu vực về chủ đề can thiệp cho người sử dụng chất khi quan hệ tình dục (chemsex) với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong đó có Văn phòng khu vực của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại châu Á-Thái Bình Dương ngày 6-7/11 vừa qua, nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của nhiều chuyên gia trong khu vực.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, bộ tài liệu can thiệp chemsex dành cho nhân viên tiếp cận cộng đồng của Việt Nam vừa được chia sẻ tại Hội nghị lần thứ 6 của khu vực về chủ đề can thiệp cho người sử dụng chất khi quan hệ tình dục (chemsex) được nhiều nước đánh giá cao.

Từ kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, bộ công cụ này của Việt Nam có 3 điểm ưu việt. Đầu tiên, bộ tài liệu đã tiếp nhận ý kiến của cộng đồng MSM Việt Nam để xây dựng các bộ công cụ can thiệp; các phương pháp can thiệp phù hợp với các quy định của Việt Nam, với hệ thống can thiệp của y tế Việt Nam; và phù hợp với văn hóa ứng xử của người Việt Nam.

“Để có được sự hợp tác của người có dùng chất, cần phải xem họ như đối tác bình đẳng, quan tâm đến sức khỏe, hạnh phúc của họ. Vì thế, trong tài liệu sẽ có những công cụ để hướng dẫn, hỗ trợ nhóm đối tượng nguy cơ cao”, ông Dũng chia sẻ.

Ông Quinten Lataire, đại diện UNAIDS tại Việt Nam cho biết, vai trò của các tổ chức dựa vào cộng đồng để can thiệp cho nhóm thực hành chemsex rất quan trọng. Bộ công cụ giải quyết những vấn đề sức khỏe được cộng đồng xác định là cần thiết trong bối cảnh sử dụng ma túy khi quan hệ tình dục.

Ông Quinten Lataire, đại diện UNAIDS tại Việt Nam.

Ông Quinten Lataire, đại diện UNAIDS tại Việt Nam.

Bộ công cụ này được phát triển cùng với cộng đồng và giải quyết những vấn đề sức khỏe mà họ thấy là cần thiết nhất. Phòng chống HIV và các nhiễm trùng lây qua đường tình dục là trọng tâm chính của bộ công cụ can thiệp này. Ngoài ra, theo yêu cầu của cộng đồng, bộ công cụ cũng hướng dẫn sàng lọc các vấn đề sức khỏe tâm thần trong bối cảnh sử dụng ma túy.

“Tài liệu này cung cấp cho nhân viên tiếp cận cộng đồng những công cụ và khả năng để hỗ trợ các thành viên trong cộng đồng của chính họ. Sự hỗ trợ đồng đẳng đó là vô cùng quan trọng bởi vì các nhân viên tiếp cận cộng đồng là điểm đến đầu tiên khi cộng đồng cần được hỗ trợ và họ hoạt động như cánh tay nối dài của hệ thống y tế công”, ông nói.

Ông Quinten Lataire cũng đánh giá cao việc Bộ Y tế và Cục phòng, chống HIV/AIDS đã ghi nhận vai trò quan trọng này của các tổ chức cộng đồng và đang chung tay cùng cộng đồng trong nỗ lực để chấm dứt dịch bệnh AIDS, khiến HIV/AIDS sẽ không còn là một mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nang-cao-nang-luc-cho-cac-to-chuc-cong-dong-ho-tro-nhom-msm-post844402.html