Nâng cao năng lực cho cán bộ triển khai dự án hỗ trợ đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo cơ hội giúp đồng bào nghèo vùng dân tộc và miền núi thoát nghèo nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi.
Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được xây dựng trên cơ sở tích hợp các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều năm qua, cùng với những chính sách mới nhưng được thay đổi cơ bản về cách tiếp cận, đó là chuyển dần từ các chính sách mang tính chất hỗ trợ sang đầu tư phát triển. Đây là chương trình có sự đầu tư lớn nhất, có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) cả nước nói chung, tỉnh Phú Thọ nói riêng, nhằm từng bước giải quyết các vấn đề nổi cộm của vùng đồng bào DTTS&MN.
Nội dung của chương trình được bố trí thành 10 dự án thành phần, gồm 55 nội dung, chính sách bao trùm các lĩnh vực của đời sống xã hội và có tác động rất lớn trong thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN. Các Chương trình, dự án chính sách với các nội dung hỗ trợ đã từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước.
Giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện và nâng cao đời sống của Nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS.
Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, qua đó củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Hiện tại vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh đã đạt mức thu nhập bình quân đầu người đạt từ 35,2 triệu đồng/người/năm. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 1,2% so với năm 2022; 100% xã có điện lưới quốc gia, có đường ô tô đến trung tâm xã và 96,6% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 7% trở lên xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, việc tổ chức các nội dung dự án, tiểu dự án trên địa bàn huyện, xã thụ hưởng vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc do hệ thống văn bản hướng dẫn cũng như cơ chế triển khai chương trình. Mặt khác đây là chương trình mới nên đội ngũ cán bộ triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Giải quyết triệt để những nguyên nhân gây ra tồn tại, hạn chế, ngay sau khi có Quyết định giao vốn của UBND tỉnh; trên cơ sở bám sát đặc điểm của địa phương, nhu cầu của cơ sở, nhất là đã cụ thể hóa các chủ trương, Ban Dân tộc tổ chức 2 lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 400 người là cán bộ cấp huyện, cấp xã thuộc các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thủy.
Triển khai thực hiện Chương trình theo Chuyên đề 9 về Kỹ năng lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm cấp xã có sự tham gia của cộng đồng người dân trong phát triển kinh tế - xã hội xóa đói giảm nghèo và Chuyên đề 11 về Kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, nhằm trang bị cho cộng đồng và cán bộ triển khai ở các cấp những kiến thức cơ bản về kỹ năng lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm cấp xã có sự tham gia của cộng đồng người dân trong phát triển kinh tế - xã hội xóa đói giảm nghèo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chị Triệu Thị Chuyên - Trưởng khu Đá Cạn, xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn cho biết: "Sau khi tham gia lớp tập huấn này, tôi phổ biến cho đồng bào nơi tôi sinh sống nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và thị trường, y tế, phòng chống các bệnh đặc thù về pháp luật và các chính sách về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, phòng chống thiên tai; về an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống vùng dân tộc thiểu số...".