Nâng cao năng lực cho lãnh đạo, chỉ huy CSGT TP Hà Nội
Ngày 16/3, Học viện Cảnh sát nhân dân ( CSND) hợp tác với Hiệp hội An toàn giao thông toàn cầu (GRSP) và Công an TP Hà Nội tổ chức chương trình Hội thảo tập huấn 'Nâng cao năng lực cho lãnh đạo, chỉ huy CSGT đường bộ Công an TP Hà Nội'. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án 'Sáng kiến vì An toàn giao thông đường bộ toàn cầu' do Bloomberg tài trợ.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận với các chủ đề gồm: Vai trò của công tác thực thi pháp luật trong hệ thống an toàn; Thuyết răn đe trong công tác tuần tra, kiểm soát đường bộ; Các nhân tố gây ra va chạm giao thông; Vấn đề an toàn giao thông đường bộ; Phân công và phối hợp; Tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn TP Hà Nội và mục tiêu đảm bảo TTATGT đường bộ - những nhiệm vụ, thách thức đặt ra cho công tác tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của lực lượng CSGT.
PGS.TS. Trần Hồng Quang - Phó Giám đốc Học viện CSND, Trưởng Ban tổ chức và Thiếu tá, TS. Đào Việt Long - Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, Phó trưởng Ban tổ chức cùng các chuyên gia đánh giá: Hội thảo tập huấn có ý nghĩa thiết thực, cung cấp thông tin an toàn đường bộ toàn cầu, mục tiêu an toàn đường bộ của Liên hợp quốc và Việt Nam; cung cấp kiến thức về nguyên tắc lãnh đạo trong công tác tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ; chia sẻ kiến thức chuyên môn góp phần nâng cao năng lực cho lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ CSGT đường bộ.
Tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho những người từ 5-29 tuổi. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,35 triệu ca tử vong do TNGT đường bộ, điều này có nghĩa, mỗi ngày có 3.800 người chết vì TNGT. Ước tính có khoảng 20 triệu ca thương tích nặng và 50 triệu ca thương tích nhẹ do TNGT đường bộ hàng năm, tương đương 137.000 người bị thương mỗi ngày.
Những kiến thức về an toàn đường bộ và các kỹ năng quản trị các yếu tố rủi ro an toàn đường bộ, các phương pháp, chiến thuật tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát hiện đại được lãnh đạo, chỉ huy áp dụng nhuần nhuyễn, không chỉ nâng cao hiệu quả công tác, giúp đạt được các mục tiêu kéo giảm TNGT với chi phí thấp, mà còn giúp thay đổi nhận thức của các cơ quan, tổ chức và người dân.