Nâng cao năng lực của doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
Sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI không những là mắt xích quan trọng mà còn tạo đòn bẩy để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, tuy nhiên chưa thể kéo nền kinh tế lên nấc thang giá trị cao hơn. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế tại hội thảo 'Liên kết doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu' do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách và Viện KAS - Đức tổ chức sáng nay 5/12.
Theo Tổng cục Hải quan, tổng giá trị xuất nhập khẩu của khu vực FDI trong năm 2022 đạt 506,83 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 273,63 tỷ USD, chiếm 73,7% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Cán cân thương mại hàng hóa của khối FDI năm 2022 lên mức thặng dư 40,42 tỷ USD. Như vậy có thể thấy, khu vực FDI chiếm ưu thế trong giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, các ý kiến nhận định nguồn vốn FDI dồi dào đã cho Việt Nam một hình ảnh mới trên bản đồ thương mại nhưng chưa thể kéo nền kinh tế lên nấc thang giá trị cao hơn. Nhập khẩu đầu vào để gia công, lắp ráp của Việt Nam có giá trị gia tăng thấp, lan tỏa công nghệ yếu.
Các ý kiến chuyên gia cũng nhận định sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa Việt Nam còn lỏng lẻo, cần có động lực thúc đẩy từ việc thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong nước và sự liên kết hợp tác sản xuất giữa các nhà cung cấp trong nước với các công ty đa quốc gia.