Nâng cao năng lực đo lường trong tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Những năm qua, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Quảng Trị đã không ngừng nâng cao vai trò trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, phát triển khả năng kiểm định, hiệu chuẩn các phương tiện đo, chuẩn đo lường để đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân, doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai hiệu quả Quyết định số 1928/QĐ-UBND, ngày 20/7/2020 của UBND tỉnh về Kế hoạch triển khai Đề án 'Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030' trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Đo lường là một trong những hoạt động đóng vai trò rất quan trọng và không thể thiếu trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Đo lường là quá trình đánh giá, định lượng một đại lượng cần đo để có kết quả bằng số so với đơn vị đo. Đo lường tham dự vào toàn bộ chu trình hình thành một sản phẩm, từ khâu thiết kế, chế tạo thử đến việc kiểm tra vật liệu trước khi đưa vào sản xuất, điều khiển, điều chỉnh quá trình công nghệ và giai đoạn kiểm tra chất lượng sản phẩm cuối cùng cho đến khâu lắp đặt, đưa sản phẩm vào sử dụng và bảo hành sản phẩm. Nhiệm vụ hàng đầu của đo lường trong sản xuất là cung cấp những thông tin sơ cấp dùng trong kỹ thuật xử lý số liệu bằng điện tử và tin học để tối ưu hóa quá trình công nghệ, sử dụng vật liệu và năng lượng. Đo lường chính là cơ sở, là trung tâm của hệ thống điều chỉnh, điều khiển trong quá trình sản xuất.
Hoạt động đo lường phát triển đã góp phần cơ bản tạo thành ngành dịch vụ đo lường, điều khiển, tự động hóa. Hoạt động đo lường, điều khiển giúp doanh nghiệp kiểm soát, điều chỉnh quá trình công nghệ, hạn chế thất thoát nguyên vật liệu, góp phần làm giảm giá thành. Ngoài ra, đo lường còn góp phần vào triển khai chuyển đổi số. Sự bùng nổ của hoạt động chuyển đổi số đã dẫn tới nhu cầu sử dụng phương tiện đo thông minh, phép đo thông minh phát triển mạnh mẽ.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” có nội dung cốt lõi là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Đây là sự khẳng định đúng đắn và kịp thời về nhận thức và lý luận, để định hướng tư tưởng, triển khai hành động một cách chủ động. Đo lường 4.0 trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0) là quá trình đo lường hoàn toàn sử dụng tất cả các nguồn lực số hóa như: Thiết bị, hệ thống lưu trữ... trong quá trình sản xuất. Thông qua công cụ đo lường thông minh và công nghệ cảm biến để thu thập nhiều dữ liệu đo liên tục không giới hạn theo thời gian thực. Áp dụng đo lường thông minh trong mọi lĩnh vực sản xuất và đời sống.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh, đón đầu phát triển đo lường trong bối cảnh công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh, một số doanh nghiệp cũng đã chủ động đầu tư công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao nâng suất, chất lượng trong các công ty như: Điện lực, xăng dầu, viễn thông, Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Quảng Trị... Bước đầu tiếp cận, ứng dụng công nghệ 4.0, các doanh nghiệp này từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng các máy móc thiết bị đo lường để đảm bảo tính chính xác trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xem đây là yếu tố tiên quyết để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
Công ty Xăng dầu Quảng Trị đã triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp một số thiết bị cột bơm tại các cửa hàng xăng dầu để cài đặt, ứng dụng hệ thống tự động hóa vòi bơm vào phần mềm Egas. Việc kiểm soát số lượng bán, cài đặt giá bán lẻ, chốt số liệu để giao nhận ca... đều được thực hiện tự động thông qua phần mềm Egas một cách kịp thời, chính xác. Nhờ vậy, đã nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giảm thời gian tác nghiệp và công sức của người lao động. Công ty Điện lực Quảng Trị áp dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năng. Đơn vị đã đầu tư hệ thống thu thập dữ liệu công tơ điện tử từ xa. Đây là hệ thống có chức năng gửi nhận dữ liệu thông qua đường truyền dữ liệu, máy chủ và phần mềm quản lý giúp khách hàng có thể xem được chỉ số và giám sát được hoạt động của công tơ ở bất cứ nơi nào có kết nối internet. Từ năm 2016, Đông Hà là thành phố đầu tiên trong cả nước triển khai lắp đặt 100% công tơ điện tử và đo xa qua hệ thống RF-Spider. Khách hàng có thể vào trang web của Công ty Điện lực Quảng Trị (https:// pcquangtri.cpc.vn/) hoặc trang web của Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Trung (https:// cskh.cpc.vn/) để kiểm tra mức độ sử dụng điện của mình hằng ngày, hằng tháng. Công ty Điện lực Quảng Trị cũng đã đẩy mạnh việc thu tiền điện không dùng tiền mặt. Khách hàng sử dụng điện có thể thanh toán tiền điện qua ngân hàng, qua ví điện tử... Ngoài ra, Công ty Điện lực Quảng Trị còn sử dụng flycam kiểm tra lưới điện ở những nơi xung yếu; ứng dụng camera nhiệt để kiểm tra nhiệt độ ở những mối nối trên lưới điện. Đây cũng là công ty đầu tiên của Tổng Công ty Điện lực miền Trung lắp camera ở trạm biến áp không người trực. Đơn vị cũng đã xây dựng Trung tâm Điều khiển hệ thống điện để tự đóng cắt các thiết bị trên lưới điện.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đặt ra nhiều thời cơ nhưng cũng nhiều thách thức đối với hoạt động đo lường cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng. Ngày 20/7/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1928/QĐ-UBND triển khai Đề án 996 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở để hỗ trợ phát triển hoạt động đo lường đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng phát triển mạnh mẽ.