Nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến ngày 30-11-2021, toàn tỉnh có 5.886 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 3.844 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 1.654 người đã tử vong. Trong cộng đồng vẫn còn tiểm ẩn nguy cơ làm lan truyền dịch HIV/AIDS. Thời gian qua, cùng với việc thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến ngày 30-11-2021, toàn tỉnh có 5.886 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 3.844 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 1.654 người đã tử vong. Trong cộng đồng vẫn còn tiểm ẩn nguy cơ làm lan truyền dịch HIV/AIDS. Thời gian qua, cùng với việc thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, Sở Y tế luôn chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Bác sĩ Vũ Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Hệ thống phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh gồm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; 10 cơ sở điều trị HIV/AIDS (trong đó 8 cơ sở điều trị HIV/AIDS người lớn tại Khoa Kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS của Trung tâm Y tế các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh; 1 cơ sở điều trị HIV trẻ em tại Bệnh viện Nhi tỉnh; 1 cơ sở tại Trung tâm y tế Giao Thủy điều trị cả người lớn và trẻ em) 226 trạm y tế xã, phường, thị trấn, mỗi trạm y tế có 1 cán bộ chuyên trách về HIV và trên 1.000 cộng tác viên là cán bộ y tế thôn, đội. Những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở tỉnh ta nhận được sự quan tâm và chỉ đạo của UBND tỉnh. Cùng với việc được quan tâm đầu tư trang thiết bị, hệ thống theo dõi, giám sát và đánh giá tình hình dịch, đội ngũ cán bộ y tế làm công tác phòng, chống HIV/AIDS các tuyến và cộng tác viên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ và độ bao phủ cho nhóm nguy cơ cao… Với chức năng chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn, hàng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch về phòng, chống HIV/AIDS; tích cực tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế các tuyến làm công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong năm 2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức 1 lớp tập huấn, hướng dẫn triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch COVID-19 cho 30 cán bộ của các cơ sở điều trị Methadone, điều trị ARV, cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV; tổ chức tập huấn cho 23 cán bộ của trung tâm y tế các huyện, thành phố, Trại tạm giam Công an tỉnh về tư vấn xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, qua đó duy trì và nâng cao chất lượng các cơ sở điều trị HIV/AIDS và cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tổ chức tập huấn cho trên 280 cán bộ y tế thôn, đội, cộng tác viên y tế của các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường về chăm sóc, điều trị HIV/AIDS tại cộng đồng và bảo hiểm y tế với người nhiễm HIV; tổ chức tập huấn tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng cho nhân viên y tế tiếp cận cộng đồng các nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng tính tại thành phố Nam Định… nhằm mở rộng giúp đỡ, điều trị, chăm sóc các đối tượng có nguy cơ cao về lây nhiễm HIV, nhóm dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện giám sát, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các đơn vị tuyến huyện như: can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; tư vấn, xét nghiệm HIV; giám sát HIV/AIDS và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STI); dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; dự phòng phơi nhiễm HIV; điều trị và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS... Ngoài ra, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đều triển khai chương trình nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, tổ chức hàng chục lớp tập huấn về các kiến thức liên quan đến HIV/AIDS để nâng cao năng lực về truyền thông, giám sát cho cán bộ y tế thôn đội, huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Hệ thống phòng, chống HIV/AIDS được tăng cường năng lực đã góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Trong năm 2021, toàn tỉnh đã tư vấn, xét nghiệm HIV cho trên 17.300 người, trong đó phát hiện 84 mẫu có HIV dương tính. Triển khai đánh giá nhanh dịch HIV trên 200 người nghiện chích ma túy tại các huyện Xuân Trường, Giao Thủy và Hải Hậu, kết quả tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy là 4%. Triển khai xét nghiệm sàng lọc HIV cho 200 đối tượng được quản lý tại trại tạm giam Bất Di (Công an tỉnh), phát hiện 3 trường hợp HIV dương tính. Chương trình chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS tích cực được thực hiện. Các cơ sở khám, tư vấn và đang điều trị HIV/AIDS, các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho 1.426 bệnh nhân người lớn và 34 bệnh nhân nhi bằng thuốc điều trị ARV (thời điểm ngày 31-11-2021). Tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT là 100% (dự án Quỹ Toàn Cầu hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho bệnh nhân không có thẻ BHYT). Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, trong năm 2021, toàn tỉnh có 11.426 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, phát hiện 14 phụ nữ mang thai nhiễm HIV (12 trường hợp điều trị ARV trước khi có thai, 2 trường hợp phát hiện HIV khi chuyển dạ). Cả 14 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV cho mẹ và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV. Các trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm HIV. Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) triển khai tại 5 cơ sở điều trị HIV/AIDS, đã điều trị cho 185 trường hợp. Các đơn vị tăng cường các hoạt động can thiệp giảm tác hại của HIV/AIDS như: cấp phát bơm kim tiêm sạch, thu gom bơm kim tiêm bẩn, phát bao cao su, tài liệu truyền thông, xét nghiệm HIV cho người nguy cơ cao. Công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tiếp tục được duy trì, toàn tỉnh hiện có 10 cơ sở điều trị Methadone và 1 cơ sở cấp phát thuốc Methadone với tổng số bệnh nhân tham gia điều trị là 2.277 người, đạt 120% so với chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao. Chương trình thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi được triển khai rộng khắp và đồng bộ với nhiều hình thức và nội dung phong phú như truyền thông lưu động, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông nhóm nhỏ, truyền thông trực tiếp... nhằm cung cấp các thông tin về cách dự phòng lây nhiễm HIV, các dịch vụ tư vấn chăm sóc điều trị liên quan đến HIV cho cộng đồng dân cư. Phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” được thực hiện tại 10 huyện, thành phố. Các nhóm nòng cốt tại các xã, phường, thị trấn đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về HIV/AIDS tại khu dân cư nhằm huy động cộng đồng tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Sở Y tế tăng cường tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế làm công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tổ chức các lớp nâng cao kiến thức về truyền thông, tư vấn chăm sóc, điều trị HIV/AIDS tại cộng đồng cho đội ngũ cộng tác viên y tế, cán bộ y tế thôn đội. Đây là cơ sở để tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS: Thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi; giám sát HIV/AIDS - can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; hỗ trợ điều trị phòng, chống HIV/AIDS - dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, từ đó giảm số người nhiễm HIV mới và tử vong liên quan AIDS, hướng tới chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030./.