Nâng cao năng lực đối thoại và thương lượng tập thể
Thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động đối thoại, thương lượng và chất lượng các thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp.
Thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động đối thoại, thương lượng và chất lượng các thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp. Qua đó góp phần giảm thiểu mâu thuẫn giữa các bên, mang lại những điều khoản có lợi hơn cho người lao động.
Toàn tỉnh có 323 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, với hơn 190.000 người lao động. Qua 5 năm (2018-2023) thực hiện đề án “Nâng cao năng lực đối thoại và thương lượng tập thể”, các cấp công đoàn đã phối hợp với chính quyền và các cơ quan liên quan, chủ doanh nghiệp tổ chức được 1.903 hội nghị đối thoại, qua đó nhiều vấn đề vướng mắc, bức xúc của người lao động được giải quyết kịp thời, nhiều khó khăn của doanh nghiệp được người lao động chia sẻ.
Tại các buổi đối thoại, nhiều ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, người lao động về chính sách, chế độ, pháp luật liên quan đến người lao động được lãnh đạo các cấp trả lời thỏa đáng.
Chị Nguyễn Thị Hải Anh, Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH SR Tech (Khu công nghiệp Sông Công 1), chia sẻ: Ngoài được ban lãnh đạo Công ty gặp gỡ, đối thoại, chúng tôi còn được tham gia các hội nghị đối thoại do các cấp công đoàn tổ chức. Thông qua các hội nghị đó, nhiều ý kiến, kiến nghị của người lao động được lãnh đạo địa phương và đại diện các ngành liên quan trả lời, giải quyết một cách thỏa đáng.
Hiện nay, 289/323 CĐCS doanh nghiệp đã ký thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật, trọng tâm là tăng lương, thưởng và nâng cao chất lượng bữa ăn ca.
Công đoàn ngành Công Thương Thái Nguyên được xem là điểm sáng trong đối thoại, thương lượng tập thể. Công đoàn Ngành hiện quản lý 32 CĐCS, trong đó có 26 CĐCS khối doanh nghiệp.
Trong những năm qua, Công đoàn ngành Công Thương luôn quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ các CĐCS thực hiện tốt công tác đối thoại và thương lượng tập thể.
Hằng năm, 100% đơn vị, doanh nghiệp trong Ngành tổ chức đối thoại, trên 90% đơn vị tổ chức hội nghị người lao động, 100% đơn vị đủ điều kiện đã ký thỏa ước lao động tập thể, trong đó trên 90% thỏa ước lao động tập thể xếp loại A.
Đặc biệt, trong năm 2022, Công đoàn Ngành đã ký kết thành công thỏa ước lao động tập thể nhóm ngành may. Thông qua thỏa ước, có gần 20.000 người lao động tại 3 doanh nghiệp được hưởng lợi với tổng số tiền làm lợi mỗi tháng khoảng 15 tỷ đồng. Trong 3 năm thực hiện thỏa ước, số tiền làm lợi cho người lao động khoảng 500 tỷ đồng.
Bà Hà Thị Thu Huyền, Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Thái Nguyên, chia sẻ: Bản thỏa ước lao động tập thể nhóm ngành may sẽ giúp người lao động được hưởng nhiều phúc lợi như chế độ ăn ca, chuyên cần, hỗ trợ xăng xe, tham quan nghỉ mát, trợ cấp khó khăn, hiếu hỉ, hỗ trợ nhà trẻ, mẫu giáo... Thông qua đó hạn chế được tình trạng người lao động chuyển qua lại giữa các công ty do mỗi doanh nghiệp có điều kiện làm việc, các chế độ phúc lợi khác nhau.
Xác định vai trò của cán bộ công đoàn rất quan trọng trong việc thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, vì thế, trong nhiệm kỳ qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đối thoại, thỏa ước lao động tập thể cho gần 6.000 lượt cán bộ công đoàn chủ chốt.
Ngoài ra, các cấp công đoàn còn thực hiện tư vấn và trợ giúp pháp lý 1.976 vụ việc, trong đó có 1.826 vụ việc liên quan đến cá nhân người lao động và tranh chấp lao động tập thể...
Việc nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng tập thể của các cấp công đoàn không chỉ bảo vệ quyền lợi mà còn giúp người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, từ đó góp phần tạo quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp; thể hiện được chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động của Công đoàn.